(Xây dựng) - Cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su không phép, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm khiến các hộ dân bức xúc, trong khi đó chính quyền xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) lại xử lý không kiên quyết.
Người dân chuyển mủ cao su đến nhập tại cơ sở thu gom, sơ chế mủ cao su xã Tây Trạch. |
Khu dân cư ngột ngạt vì mùi hôi
Ông Nguyễn Văn Đình - người dân thôn Cồn, xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bức xúc: Cơ sở sơ chế biến mủ cao su hoạt động đã mấy năm nay, mùi hôi thối khó chịu khiến cho cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Cũng theo các hộ dân thôn Cồn, kể từ khi cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su này đi vào hoạt động, làng quê yên bình bị bao phủ xung quanh mùi hôi thối, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ sinh hoạt của người dân đều bị ảnh hưởng…
Cơ sở của ông Hoàng Trung Quý công khai hoạt động giữa khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường đã nhiều năm. |
Các hộ gia đình xung quanh sợ bị bệnh nên khi nào hướng gió lớn mạnh thổi vào khu dân cư là đều phải dùng khẩu trang kể cả khi ở trong nhà. Mặc dù trời nóng bức vẫn phải khóa chặt cửa để có được bữa ăn, giấc ngủ trong chốc lát.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm tới cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su này. Hiện hữu trước mắt là một cơ sở được xây dựng bằng gạch block khá kiên cố, nằm trong khuôn viên khu đất của hộ gia đình ông Hoàng Trung Quý, vợ là bà Nguyễn Thị Uyên, được bao kín bởi cây cối, với nhiều thùng đựng mủ cùng một số thiết bị khác; hệ thống rãnh tiêu dẫn nước thải từ nhà xưởng dẫn ra một bể chứa nhỏ, nước thải cho ngấm xuống lòng đất...
“Cơ sở thu gom, sơ chế mủ cao su này công khai hoạt động giữa khu dân cư, nhân công chính là người của gia đình, mỗi ngày đều nhập mủ cao su từ các thôn lân cận như Võ Thuận, thôn Rẫy, thôn Cồn, thôn Mít - thôn Chùa để đưa vào bên trong cất giữ, sơ chế. Không hiểu lý do vì sao cơ sở hoạt động không phép suốt một thời gian dài mà không một cơ quan chức năng nào xử lý? Cũng nhiều lần người dân thấy đoàn của xã về làm việc nhưng xong lại thấy cơ sở sản xuất bình thường”, ông Nguyễn Văn Đình cho biết thêm.
Để tìm hiểu rõ hơn về cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trao đổi với ông Dương Thanh Luyện - Chủ tịch UBND xã Tây Trạch được biết: Đây là cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su của ông Quý, người địa phương, đã hoạt động từ năm 2017, đáp ứng nhu cầu của bà con. Trước phản ánh của người dân, chính quyền xã đã nhiều lần kiểm tra, chủ cơ sở cam kết chỉ làm nơi tập kết mủ cao su tạm một thời gian, sẽ xây dựng kho xưởng, cơ sở ở vị trí khác xa khu dân cư. Chủ cơ sở sẽ có trách nhiệm xử lý nước thải không làm ảnh hưởng tới môi trường cũng như sinh hoạt cộng đồng… Chúng tôi cũng không nắm được hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật, chỉ chủ cơ sở mới có.
Chủ cơ sở là đại biểu HĐND xã
Bà Dương Thị Lân - thôn Rẫy, xã Tây Trạch cho biết: Nhà tôi sống gần cơ sở thu mua, sơ chế nên ngay cả những ngày không sản xuất thì tại các bể chứa nước thải từ mủ cao su cũng đã có mùi thối nồng nặc, chứ huống gì là những ngày sản phẩm mủ tập kết, sơ chế với số lượng lớn, đến hàng tấn.
Cơ sở này tồn tại bao năm qua dù người dân thôn Cồn và thôn Rẫy có kiến nghị nhiều lần, nhưng chủ cơ sở chỗ anh Hoàng Trung Quý đây là trưởng thôn Rẫy. Anh Quý cũng là đại biểu HĐND xã Tây Trạch nhiệm kỳ 2021 - 2026, nên cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động. Mới đây nhất, ngày 10/6/2021, chủ cơ sở tiếp tục xây mới một kho chứa mủ khác trong khuôn viên khu đất.
Chủ cơ sở đang có ý định xây mới thêm một kho chứa mủ khác trong khu đất. |
“Kho chứa mủ được xây dựng ở trung tâm khu dân cư đông đúc, nhiều gia đình lân cận phải khổ sở chịu đựng mùi hôi, nhiều cá nhân đã ốm đau liên quan đến đường hô hấp do tác động của khí Hydro Sulfua (H2S) phát ra từ kho chứa; lượng nước thải lại xả ngầm xuống đất. Việc này có dấu hiệu của hủy hoại đất và gây ô nhiễm môi trường không khí”, Bà Dương Thị Lân thẳng thắn chỉ rõ.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trao đổi với ông Dương Thanh Luyện - Chủ tịch UBND xã Tây Trạch, ông thừa nhận chủ cơ sở này là trưởng thôn Rẫy, cũng là đại biểu HĐND xã qua các nhiệm kỳ, nhưng không vì thế mà bao che hay ưu ái. “Nếu như cơ sở dừng hoạt động thì bà con trồng cao su tại xã biết bán cho ai. Chủ cơ sở là một trưởng thôn, cần phải gương mẫu hơn trong vấn đề này, đặc biệt là việc thu gom, sơ chế mủ cao su không thể xử lý triệt để mùi hôi được”, ông Luyện cho biết thêm.
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Trạch cho hay: Cơ sở thu gom mủ cao su của ông Hoàng Trung Quý trước đây khi có phản ảnh của người dân, UBND xã Tây Trạch đã thành lập đoàn đi kiểm tra, từng lập biên bản yêu cầu dừng ngay các hoạt động thu gom vì ô nhiễm môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, lượng mủ cao su lưu kho khoảng 3 tấn/tuần, nước thải xả tràn ra mặt đất… Hiện nay, nếu như tình trạng như báo phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và nắm lại để có biện pháp xử lý mạnh tay theo đúng quy định của pháp luật.
Việc một cơ sở thu gom, sơ chế mủ cao su không phép nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường khiến nhân dân bức xúc, phẫn nộ kéo dài, nhưng chính quyền địa phương ở đâu khi chưa có biện pháp xử lý dứt điểm để trả lại sự trong lành cho vùng quê Tây Trạch.
Nhất Linh
Theo