Thứ sáu 03/05/2024 12:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Dương xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

12:07 | 15/12/2023

(Xây dựng) - Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại Bình Dương đến nay đã đạt được kết quả nhất định, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần nông cao thu nhập cho nông dân. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Bình Dương xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển đô thị
Xã Bạch Đằng (Tân Uyên) đang thực hiện đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng”.

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bến vững

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương, qua 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống giao thông của các xã đều được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo kết nối hệ thống giao thông huyện, tỉnh đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại thuận tiện. Cụ thể, có 103 tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện với tổng chiều dài 275,88km được nhựa hóa, bê tông hóa (đạt tỷ lệ 100%); 100% các tuyến đường trục ấp, liên ấp, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa nhằm đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa thuận tiện lưu thông; Đặc biệt 246 tuyến đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài 238,39km được bê tông hóa và cứng hóa, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Ngoài ra, các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cũng được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, giáo dục cũng như phát triển kinh tế - xã hội của người dân ở vùng nông thôn như: Hệ thống lưới điện phủ kín các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; 41/41 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 100% các xã đều được trang bị hệ thống đài truyền thanh không dây…

Bình Dương xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển đô thị
Giao thông nông thôn mới tại Bình Dương được hoàn thiện với tiêu chí “xanh - sạch - đẹp - sáng”.

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết: Để nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong đó tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương, tỉnh Bình Dương cũng ban hành nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch cho nông nghiệp nông thôn. Các chính sách này tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới tại các vùng chuyên canh nông nghiệp để quảng bá, nhân rộng trong nhân dân. Các vùng sản xuất của tỉnh phát triển theo quy hoạch cụ thể như Vùng trồng trọt, vùng chăn nuôi, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Qua đó, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh, bền vững, giải quyết việc làm, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; đời sống người dân không ngừng được cải thiện, giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững. Thu nhập bình đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2022 đạt 76,2 triệu đồng/người/năm”, ông Bông cho biết thêm.

Phát triển hài hòa đô thị và nông thôn

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá: Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng Nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”) và các phong trào thi đua chuyên ngành. Các cấp, các ngành và địa phương đã vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực nhằm đầu tư phát triển hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 trên 6.408 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách chiếm 49%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 51%).

“Từ thực tiễn đã cho thấy, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ Chương trình với Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn kết hài hòa với lộ trình phát triển đô thị của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng quan trọng như: giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục… đã tạo thuận lợi trong kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các Trung tâm đô thị với các vùng nông thôn của tỉnh, góp phần tạo động lực trong công tác xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình tỉnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã chứng tỏ được giá trị thực tiễn”, ông Minh nói.

Là địa phương xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu gắn với làng thông minh “Bạch Đằng”, bà Võ Thị Bảo Xuyên – Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, Thành phố Tân Uyên cho biết: Việc thực hiện thí điểm xây dựng làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng được thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, gắn kết các thành tựu công nghệ với nội dung xây dựng Nông thôn mới, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm về hạ tầng, về sản xuất, văn hóa xã hội…

Đối với hạ tầng, bà Xuyên cho biết xã đang tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn xã Bạch Đằng. Kết nối đồng bộ với các đô thị Tân Uyên, Thủ Dầu Một và Biên Hòa, đảm bảo sự gắn kết giữa xây dựng Nông thôn mới với phát triển đô thị xanh. Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới phát triển hệ thống giao thông gắn với cải tạo cảnh quang, môi trường sống cho nhân dân. Ví dụ như lắp đặt hệ thống đèn Led chiếu sáng, camera an ninh, gắn wifi miễn phí, phát triển hệ thống cây xanh ở các tuyến đường giao thông. Đặc biệt là việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn làm vi sinh bản địa IMO, ứng dụng IMO xử lý ô nhiễm môi trường và làm phân hữu cơ trên địa bàn xã. Đến nay đã có 900 hộ dân (250.000đồng/hộ) được hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, làm vi sinh bản địa IMO.

Bình Dương xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

Ngoài ra, hàng năm, UBND xã tiếp tục duy trì phát động thi đua xây dựng Hộ Nông thôn mới đạt tiêu chí: “Xanh, sạch, đẹp, sáng” qua đó góp phần cải thiện môi trường sống cho chính hộ dân và cộng đồng (hàng năm đánh giá có trên 60% hộ đạt tiêu chí).

Đối với sản xuất, xã phối hợp với cơ quan chức năng trao tặng 50.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 10 hộ tham gia dự án bưởi VietGAP trên địa bàn xã. Tổ chức các lễ hội hương bưởi để giới thiệu quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương. Gắn việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với việc tuyên truyền, kết nối các dịch vụ du lịch, nhất là gắn với các trường (phổ thông, đại học) tổ chức tham quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm…

Mục tiêu của Bình Dương đến năm 2025 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới với 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; có 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; có 100% huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; đối với các huyện, thị xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, phải rà soát tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí để đáp ứng đầy đủ mức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới theo yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Bông, để đạt được các mục tiêu, Bình Dương cần tập trung thực hiện một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến Nông thôn mới thông minh; Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội nông thôn, theo Chỉ thị số 04/CT-TTG ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát đánh giá các chỉ tiêu theo bộ tiêu chí Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu của các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chí của các giai đoạn trước; Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị.

Cao Cường - Ảnh Lê Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load