Thứ ba 05/11/2024 07:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Điểm danh những dự án “ung nhọt” cần được “giải phẫu”:

Bài 6: Nhà máy xi măng Phú Sơn nghìn tỷ thành nơi chăn thả… gia súc

22:45 | 27/03/2022

(Xây dựng) - Nhà máy xi măng Phú Sơn thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan được triển khai cách đây hơn 15 năm, được kỳ vọng là dự án công nghiệp trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình. Thế nhưng 15 năm đã trôi qua, khu đất 40ha dành cho nhà máy bị bỏ hoang, dự án nghìn tỷ vẫn “đắp chiếu”.

bai 6 nha may xi mang phu son nghin ty thanh noi chan tha gia suc
Văn phòng điều hành 3 tầng của Nhà máy xi măng nghìn tỷ Phú Sơn mới chỉ xong phần thô và hiện đã xuống cấp nặng nề.

15 năm mỏi mòn

Khu đất rộng lớn dành cho Dự án Nhà máy xi măng Phú Sơn nằm gần Tỉnh lộ ĐT.477 do Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn làm chủ đầu tư với công suất dự kiến khi đi vào hoạt động là 11 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ, dự kiến năm 2011 sẽ cho ra lô xi măng đầu tiên. Tuy nhiên, 15 năm qua, nhà máy này đã bị chủ đầu tư bỏ hoang.

Sau thời gian dài “đắp chiếu”, giờ đây dự án nghìn tỷ hoành tráng ngày nào đã hóa hoang phế, cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục công trình dở dang đã rỉ sét, rêu mốc bám đầy, xuống cấp nặng nề. Nhiều vị trí đã xuất hiện các vết nứt rất dễ gây nguy hiểm cho người dân khi đến gần, một số vị trí tường bao đã bị rỗng chân tường, nguy cơ đổ là bất kỳ lúc nào.

Dự án được kỳ vọng là điểm nhấn ngành Công nghiệp của huyện miền núi phía Tây tỉnh Ninh Bình, hiện không có tác dụng gì ngoài việc chăn thả, nuôi nhốt dê, lợn và trâu bò của các hộ gia đình xung quanh nhà máy.

bai 6 nha may xi mang phu son nghin ty thanh noi chan tha gia suc
Nhiều hạng mục xây dựng bị bỏ hoang do chủ đầu tư không còn mặn mà với dự án.

Nhiều người dân tại xã Phú Sơn bức xúc cho biết: Năm 2006, gần 200 hộ dân thuộc các thôn 1, thôn 3 và thôn 4 nhất trí đồng thuận và nhanh chóng bàn giao đất đai (chủ yếu là đất 2 lúa) với tổng diện tích là hơn 40ha. Sau khi hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, năm 2007 dự án bắt đầu được triển khai rầm rộ, thế nhưng dự án nghìn tỷ này chỉ thi công được một thời gian ngắn, càng về sau các hoạt động xây dựng càng ít, càng chậm và đến năm 2009 thì dừng hẳn cho đến tận nay.

Theo quan sát của PV, hiện trên khu đất hơn 40ha của Dự án Nhà máy xi măng Phú Sơn mới chỉ san lấp mặt bằng, xây dựng được một phần bờ tường bao quanh, bể nước, khu văn phòng điều hành 3 tầng mới chỉ xong phần thô và nhiều cọc nhồi bê tông dang dở.

Sau khi nhường đất cho dự án, những hộ bị ảnh hưởng mất toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp được chủ đầu tư hứa hẹn cho 60 con em đi học nghề xi măng ở Hải Phòng, ra trường sẽ về chính nhà máy tại quê hương để làm việc. Hy vọng nhiều thì thất vọng cũng chẳng ít, nhà máy chỉ hỗ trợ tiền học phí, còn tiền ăn ở, sinh hoạt các gia đình phải chịu, sau 2 năm học nghề tốn không ít chi phí thì đến giờ sau 15 năm nhà máy vẫn chưa thấy đâu. Người dân bức xúc, kiến nghị nhiều lần về việc có hay không tiếp tục triển khai dự án để tránh lãnh phí đất đai nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

bai 6 nha may xi mang phu son nghin ty thanh noi chan tha gia suc
Khu đất 40ha dành cho dự án giờ là nơi lý tưởng để người dân chăn thả gia súc.

Hứa hẹn “hồi sinh” những vẫn “đắp chiếu”

Ngày 16/9/2017, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn có Văn bản số 22/CV-PS giải trình khó khăn, đồng thời hứa hẹn “hồi sinh” dự án đã bỏ hoang nhiều năm qua. Trong đó ghi rõ: Do khó khăn về mặt tài chính dẫn đến sự đình trệ trong việc triển khai hoạt động xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn trong suốt thời gian dài vừa qua, gây thiệt hại nặng nề đối với Công ty Phú Sơn. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Phú Sơn đã thu xếp xong nguồn vốn bổ sung để có thể tiếp tục triển khai hoạt động xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn trong thời gian tới.

Hiện tại, phía lãnh đạo công ty đang làm tất toán công nợ với ngân hàng PPF Banka, hoàn tất việc đóng hồ sơ và dứt điểm công nợ trong tháng 9/2017. Tiếp đó, Công ty Phú Sơn sẽ tiến hành cuộc họp cổ đông với Ngân hàng BIDV trong khoảng thời gian từ ngày 02-6/10/2017 để giải quyết dứt điểm công nợ tồn đọng và tiến tới giải ngân vốn đầu tư của chủ đầu tư mới để tiếp tục hoạt động xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn.

Đồng thời, Công ty Phú Sơn sẽ tiến hành báo cáo giải trình trực tiếp với UBND tỉnh Ninh Bình về nguyên nhân dự án chậm tiến độ dẫn đến phải gia hạn tiến độ, đề xuất kế hoạch thi công phần còn lại của dự án và mốc thời gian hoàn thành. Công ty Phú Sơn sẽ hoàn tất nghĩa vụ thuế VAT hàng hóa nhập khẩu đối với cơ quan Hải quan và Thuế Ninh Bình để hoàn tất hồ sơ xin gia hạn giấy phép đầu tư theo yêu cầu của các Sở, ban, ngành tỉnh Ninh Bình. Hoàn tất những thủ tục cần thiết trong hoạt động xin cấp phép khai thác mỏ nguyên liệu đá vôi và đá sét.

Công ty này còn hứa hẹn cam kết sẽ bắt đầu tiến hành lại hoạt động xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn từ ngày 20/11/2017. Tuy nhiên, ngày chủ đầu tư hứa hẹn cũng đã trôi qua 5 năm, còn dự án thì vẫn bị bỏ hoang đến ngày nay.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Dự án nhà máy xi măng Phú Sơn chậm tiến độ 15 năm qua là vấn đề được bà con rất quan tâm. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, nếu năng lực tài chính của chủ đầu tư không đủ tiềm lực để tiếp tục triển khai dự án thì rất mong tỉnh Ninh Bình sớm thu hồi dự án, giao đất cho chủ đầu tư khác vừa tránh lãng phí đất đai vừa tạo việc làm cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

bai 6 nha may xi mang phu son nghin ty thanh noi chan tha gia suc
Dư luận rất quan tâm đến việc UBND tỉnh Ninh Bình sớm có động thái thu hồi và chấm dứt dự án nghìn tỷ “chết yểu” này.

Cũng theo ông Hùng, mặc dù dự án chậm tiến độ nhiều năm những chưa bị thu hồi dự án, thu hồi đất vì còn vướng mắc liên quan đến thủ tục vay vốn ngân hàng quốc tế của chủ đầu tư.

Hơn chục năm đã trôi qua, nhà máy xi măng vẫn “đắp chiếu”, trước sự bức xúc của nhân dân cũng như các cấp chính quyền cơ sở, đã đến lúc Bộ Xây dựng, UBND tỉnh cần xem xét lại vấn đề quy hoạch xi măng để trả lời các câu hỏi: Vì sao rất lâu rồi mà các cơ quan ban ngành vẫn không thể xử lý được vấn đề trên? Có cần thiết tồn tại một nhà máy xi măng như thế hay không? Nếu nhất thiết phải tồn tại thì nguồn nguyên liệu đá vôi lấy ở đâu? Đặc biệt là tỉnh Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều vùng núi có cảnh quan đẹp khó có thể phá đi được. Vấn đề này cần sớm được làm sáng tỏ để trả lời công luận.

Anh Tú

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load