(Xây dựng) – Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM – Quảng Trị đã triển khai chi trả tiền đền bù giải phóng mặt gần 1/3 diện tích đất rừng, nhưng sau đó “mất tích” nhiều năm liền khiến người dân điêu đứng. Dự án không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn phát sinh nhiều tình huống tiêu cực trong quản lý…
Khu vực đất nằm trong Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM Quảng Trị. |
Tháng 6/2018, UBND tỉnh Quảng Trị cấp Quyết định chủ trương đầu tư Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM – Quảng Trị cho Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản FAM, với tổng diện tích 200ha, tại tiểu khu 764, 765 thuộc xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), trên đất là rừng trồng của người dân các thôn Tân Hiệp, Tân Lập, Bình Mỹ và An Thái của xã Cam Tuyền. Tổng vốn đầu tư của dự án 371 tỷ đồng, theo dự kiến của nhà đầu tư là đến tháng 4/2019 sẽ đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động.
Dự án triển khai, chính quyền các cấp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, cũng như làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư, như việc kiểm kê, áp giá, đền bù, đổi đất… tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân. Tuy nhiên, sau khi chuyển gần 5,3/14,1 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tương đương với 60ha rừng trồng vào tháng 4/2019, chủ đầu tư đã “biến mất”, không hề có một động thái triển khai tiếp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết: Cây rừng trên 200ha đất giao cho dự án nói trên được người dân trồng từ năm 2014 đến năm 2017, trong đó đã có 60ha đến thời kỳ khai thác. Số diện tích được đền bù, cây rừng trên đất được phát quang, nhà đầu tư tiến hành san ủi khoảng hơn 30ha, sau đó dừng lại không triển khai tiếp dự án.
Điều đáng nói, dự án không tiếp tục triển khai, diện tích rừng của người dân chưa được đền bù đã rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, người dân không thể khai thác mặc dù đã có nhiều diện tích đến kỳ khai thác, do liên quan đến việc kiểm kê rừng trên đất.
Ông Trần Quang Khánh - Trưởng thôn Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) cho hay: Hiện tại, diện tích rừng trong khu vực đất dự án của nhiều hộ gia đình đến thời kỳ khai thác, nhưng không khai thác được vì đất đã chuyển giao cho dự án, người dân hết sức bức xúc, vì đời sống của nhiều hộ gia đình đang chờ ngày khai thác để trang trải cho mọi chi phí trong quá trình trồng và chăm sóc rừng.
Ngoài ra, những diện tích được đền bù nhà đầu đã san ủi, nhưng thấy đất để hoang lâu ngày, người dân tự trồng lại cây rừng theo kiểu “mạnh ai nấy được”, nên nhiều lúc nơi đây tình hình an ninh trật tự diễn ra rất phức tạp.
Thổ nhưỡng đất đai 200ha chuyển giao cho Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM – Quảng Trị khá bằng phẳng và màu mỡ, nhiều diện tích nằm xung quanh hồ thủy lợi lớn Tân Kim 1 và Tân Kim 2… cây cối luôn phát triển xanh tươi, vậy mà chủ đầu tư đã bỏ ngỏ dự án nhiều năm trời, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là làm lãng phí tài nguyên đất đai, tạo ra dư luận không tốt trong nhân dân. Lãnh đạo huyện Cam Lộ, cũng như cử tri và chính quyền địa phương xã Cam Tuyền đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Trị có phương án xử lý tránh tình trạng để quy hoạch dự án treo, lãng phí đất đai… nhưng đến nay vẫn chưa câu trả lời cụ thể. Vậy ai phải chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này? Chính quyền UBND tỉnh Quảng Trị ở đâu, khi người dân tiếp tục phải mỏi mòn đợi chờ trong “tuyệt vọng”?
Được biết, ngày 28/2, UBND huyện Cam Lộ cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đề nghị chấm dứt hoạt động dự án vì nhiều năm chây ì, không chịu triển khai như kế hoạch.
Qua điều tra của phóng viên cho thấy nguyên nhân chính dự án này bị bỏ không là do năng lực của chủ đầu tư. Dư luận cũng cho biết nhà đầu tư này xin dự án ở nhiều tỉnh với quy mô lớn, thậm chí nhiều dự án nằm ở những nơi trọng yếu của an ninh quốc phòng… nhưng đa phần sau khi dự án được bàn giao thì đều rơi vào tình trạng nêu trên.
Việc lấy đất của người dân để cấp cho một nhà đầu tư, nhưng dự án không được triển khai ngoài việc ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. UBND tỉnh Quảng Trị có “làm ngơ” cho sự chậm trễ này hay không? Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức này đối với nhân dân như thế nào? Dư luận yêu cầu các ngành chức năng của cơ quan Trung ương sớm vào cuộc làm rõ để trả lời cho công luận.
Hữu Tiến
Theo