Thứ bảy 23/11/2024 11:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Điểm danh những dự án “ung nhọt” cần được “giải phẫu”:

Bài 5: Dự án gần trăm triệu đô thi công… “rùa bò” tại Quảng Bình

21:56 | 25/03/2022

(Xây dựng) – Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới và Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới triển khai rất chậm, gây bức xúc cho người dân và có khả năng không hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2022 theo Hiệp định được ký.

bai 5 du an gan tram trieu do thi cong rua bo tai quang binh
Thi công xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp ba tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.

Bất cập khi triển khai

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới có tổng mức đầu tư 58,11 triệu USD (gồm 18 gói thầu) và Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD (gồm 11 gói thầu); đều có thời gian thực hiện từ năm 2017-2022.

Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới (đơn vị được UBND tỉnh giao phụ trách quản lý các dự án) cho biết: Thời gian thực hiện 2 dự án này chỉ còn khoảng 9 tháng, kết thúc vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, việc thực hiện 2 dự án này tiến độ đang rất chậm. Không ít nhà thầu gây bức xúc cho người dân trên địa bàn khi triển khai dự án.

Bởi nhiều hộ dân sống trên địa bàn thành phố Đồng Hới, đặc biệt là ven tuyến đường Lê Lợi, Lý Thái Tổ trong năm 2021 đã chịu ảnh hưởng bởi tình trạng nhà thầu thi công ẩu, cho đào đất lên rồi để đó, chậm hoàn trả lại mặt bằng…

Báo cáo của Ban Quản lý dự án: Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới, mới giải ngân được hơn 12,16 triệu USD trên tổng số 29,22 triệu USD vốn vay đã được ký kết trước ngày 12/11/2021. Toàn bộ 18 gói thầu thuộc các hợp phần của dự án đã được ký kết hợp đồng và thi công. Nhìn chung, tiến độ thực hiện dự án còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch đề ra.

Đối với Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới gồm 11 gói thầu với tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD. Hiện, toàn bộ các gói thầu đã được triển khai thực hiện nhưng cũng chậm so với kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu; ảnh hưởng của dịch bệnh; chồng lấn giữa các dự án cũng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Điển hình như gói thầu DH/W5, 3 tuyến đường ngang địa phận xã Bảo Ninh, hợp đồng ký ngày 16/10/2019 với Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng (có trụ sở ở Hà Nội) có giá trị 57,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện 24 tháng, khởi công ngày 11/11/2020. Đến nay, gói thầu này mới chỉ thực hiện khoảng 20% khối lượng công việc.

Xử lý mạnh tay

Xuyên suốt năm 2021, UBND tỉnh Quảng Bình thường xuyên đôn đốc và yêu cầu nhà thầu huy động nhân lực, vật tư, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định. Trong trường hợp không hoàn thành, Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới cần đưa ra biện pháp xử lý mạnh tay, như: Thu hồi tạm ứng, báo cáo UBND tỉnh và nhà tài trợ để tịch thu bảo lãnh, chấm dứt hợp đồng.

Tháng 11/2021, Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới đã có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Bình xin chủ trương chấm dứt hợp đồng với liên danh 03 nhà thầu thực hiện gói thầu DH-1.2: Kè nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, cải tạo năng lực thoát nước cầu Cống Mười, thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới và tổ chức đấu thầu lại nhằm tuyển chọn nhà thầu mới đủ năng lực thi công.

Cùng đó, ký ban hành văn bản tịch thu gần 2 tỷ đồng tiền bảo lãnh gói thầu của liên danh 3 công ty, gồm: Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại 343 và Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu 75 đã vi phạm nghĩa vụ của nhà thầu quy định tại Hợp đồng DH-1.2.

Ngày 10/3/2022, ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khi kiểm tra một số dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan phối hợp hoàn thiện hồ sơ và tiến hành cưỡng chế đối với các hộ đã đủ điền kiện thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Đối với các vướng mắc liên quan đến cơ chế thuộc thẩm quyền của tỉnh thì kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ.

bai 5 du an gan tram trieu do thi cong rua bo tai quang binh
Gói thầu DH-1.2: Kè nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, nham nhở tại thời điểm nhà thầu vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Đối với tình hình thi công tuyến đường Lê Lợi, Lý Thái Tổ (gói thầu DH-1.7 và DH-1.8) thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới, hiện gặp rất nhiều vướng mắc làm chậm tiến độ thi công như: Chồng lấn mặt bằng thi công phải điều chỉnh thiết kế; mực nước ngầm cao phải thay đổi kết cấu nền đường hoàn trả; mật độ giao thông đông đúc nên gây khó khăn cho quá trình thi công; thời tiết không thuận lợi...

Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án tích cực giải quyết các vướng mắc, thống nhất phương án thi công, điều chỉnh thiết kế phù hợp, tập trung thi công những công việc cuối cùng để sớm bàn giao mặt bằng cho Sở Giao thông vận tải thi công nâng cấp mặt đường.

“Các đơn vị liên quan tập trung sớm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các hạng mục dự án, không để chậm trễ, kéo dài làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân” - ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ quan điểm trong buổi kiểm tra thực tế.

Mặc dù chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình đã rất quyết liệt, nhưng việc chậm trễ do các nhà thầu gây ra cũng khiến dư luận cũng đặt câu hỏi về công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu có công khai, minh bạch, đúng pháp luật hay không mà lại dẫn đến tình trạng nêu trên? Đây có phải là bài học cho UBND tỉnh rút kinh nghiệm cho các dự án sau?

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load