Thứ tư 13/11/2024 04:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Những công trình xây dựng để đời trên đất Quảng Ninh

Bài 5: “Cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn

10:18 | 30/05/2023

(Xây dựng) - Thương cảng Vân Đồn, cửa biển quốc tế hưng thịnh trong 3 triều đại của nhà nước phong kiến Đại Việt (Lý - Trần - Hậu Lê). Thời đại Hồ Chí Minh, vùng hải đảo Đông Bắc bộ Việt Nam này lại có thêm công trình xây dựng để đời, đó là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn “cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng, khởi công ngày 27/3/2015, trên diện tích 284ha, tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng. Cảng hàng không quy mô cấp 4E với đường cất hạ cánh dài 3,6km, đón được các máy bay hiện đại như Boeing 777, 787, A350 với công suất 5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, công suất vận tải 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là công trình đầu tư xây dựng lớn nhất trên quần đảo Vân Đồn. Công trình này đã đánh thức tiềm năng hải cảng xưa, khiến cả vùng hải đảo chuyển động theo, đã mở ra tiềm năng mới, thu hút được trên 55.300 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) đầu tư vào quần đảo này.

Nhiều công trình siêu lớn như: Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino quy mô diện tích trên 2.500ha, tổng vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng. Hồ chứa nước Đồng Dọng có dung tích 9,52 triệu m³, tổng vốn đầu tư 498,7 tỷ đồng. Con đường di sản Vân Đồn có diện tích quy hoạch trên 3.300ha, bao gồm 7 phân khu trên núi và phân khu các đảo. Cảng tàu cao cấp Ao Tiên sử dụng đất mặt nước 30ha, vốn đầu tư trên 610 tỷ đồng.

Công trình kinh tế năng động, đánh thức giá trị văn hóa vùng hải đảo này. Qua đây nhiều du khách trong nước và quốc tế hiểu biết thêm về quần đảo Vân Đồn. Quần đảo Vân Đồn có 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 20 hòn đảo có người ở trên vùng thủy diện vịnh Bái Tử Long. Vùng hải đảo dày trầm tích, nơi táng tụng của người nguyên thủy, được xác định là nôi Văn hóa Soi Nhụ có niên đại tương đương với văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn. Văn hóa người Võ Nhai - Thái Nguyên, có nguồn gốc từ 25.000 năm trước.

Tên Vân Ðồn có tích từ tên một ngọn núi cao ở vùng hải đảo này. Ngọn núi vút lên giữa trùng khơi, bốn mùa mây phủ. Người địa phương gọi là Vân Sơn (núi Vân). Dưới chân núi Vân có đồn canh vọng gác vùng biên hải, được xây dựng từ thời tiền Lê (980). Quần đảo này nhiều lần thay tên đổi họ theo triều chính, khi thuộc huyện, khi thuộc châu, thuộc trấn.

Tiền sử, thời Lý năm 1149 vua Lý Anh Tông lập Trang Vân Đồn là một trang ấp nhỏ thuộc đạo Hải Đông, đồng thời xây dựng hải cảng giao thương trong nước và đón thương thuyền các nước lân bang hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa; thời Trần thuộc lộ An Bang, thời Lê Trung Hưng thuộc huyện Hoành Bồ, phủ Hải Đông. Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn bán vùng than Đông Bắc bộ cho Pháp, tư bản Pháp mở mỏ than Kế Bào còn gọi là Kebaomin. Tư bản Pháp xây dựng cảng Kế Bào, cảng biển đầu tiên xuất khẩu than khi tư bản Pháp khai thác thuộc địa lần thứ I (hiện xã Vạn Yên còn nhiều di tích bến cảng Kế Bào). Năm 1948, thời kháng chiến chống Pháp, thành lập huyện Cẩm Phả. Năm 1994, huyện Cẩm Phả được trả lại tên Vân Đồn.

Thương cảng Vân Đồn một thời lừng danh ấy bị lãng quên trong biến cố của lịch sử và sự thay đổi các phương thức giao thông, địa kinh tế. Cửa biển giao thương quốc tế này bị chìm sâu trong giấc ngủ 869 năm, nay vùng đất được đánh thức bởi cơ chế mới. Cơ chế đầu tư theo hình thức BOT, PPP (hợp tác công tư); một cảng hàng không quốc tế do tư nhân đầu tư đầu tiên ở Việt Nam. Vân Đồn đã và đang tỏa sáng tiềm năng kinh tế biển đảo và tiềm năng thắng cảnh vịnh Bái Tử Long được khai thác phục vụ quốc kế dân sinh.

Cảng hàng không, công trình trước nâng bước công trình sau. Vân Đồn hệ thống giao thông phát triển mạnh, trên 20km đường cao tốc Móng Cái - Hải Phòng với 2 nút giao kết nối với đảo Cái Bầu (đảo trung tâm của huyện): Con đường bộ trục chính xuyên đảo nâng cấp, mở rộng, nhiều đoạn rộng 58m 6 làn xe; cảng thủy nội địa Ao Tiên gồm 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m dài 150m, cập cảng được tàu hành khách cỡ 300 chỗ ngồi, qui mô trên 3 triệu lượt khách quá giang năm.

Những con đường mới trên vùng hải đảo Vân Đồn, đường không, đường bộ cao tốc… rút ngắn khoảng cách quốc gia và quốc tế. Triều Lý (1149), mở của biển Vân Đồn giao thương với quốc tế, ngày nay trong cơ chế mới Quảng Ninh mở “cửa trời” Vân Đồn, cánh cửa đường không mở rộng thông thương với thế giới xa hơn, sâu rộng hơn trong xu hướng hội nhập.

Một số hình ảnh “cửa trời” Vân Đồn:

Bài 5: “Cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn
Dân xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn suy tôn Thủ tướng Phạm Minh Chính là tiên công mở cửa trời ở cửa biển Vân Đồn.
Bài 5: “Cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn
Tháng 8/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát thực địa Vân Đồn, để xây dựng sân bay.
Bài 5: “Cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cùng lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hiếu khách, các chuyên bay dịp lễ tết và mở tuyến bay mới thường đón tiếp tặng hoa chúc mừng.
Bài 5: “Cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn
Ông Nguyễn Đức Long khi xây dựng sân bay Vân Đồn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thăm hỏi đời sống nhân dân xã Đoàn Kết đã nhường nhà, nhường đất để xây dựng sân bay tại địa phương.
Bài 5: “Cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn
Sân bay Vân Đồn khi mới xây dựng trong nắng sớm.
Bài 5: “Cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn
Chuyến bay đầu tiên khi mở tuyến đường bay Cần Thơ - Quảng Ninh hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.
Bài 5: “Cửa trời” mở trên cửa biển Vân Đồn
Cháu Nguyễn Thị Ánh Tuyết 2 tuổi, ở phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long là hành khách nhỏ tuổi nhất trong chuyến máy bay khánh thành sân bay Vân Đồn, chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load