(Xây dựng) - Tỉnh Tiền Giang đang tập trung tháo gỡ các khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1. Với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, tỉnh đang tập trung hoàn tất các thủ tục để cung ứng nguồn vật liệu san lấp cho dự án, làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thi công.
Máy móc thiết bị thi công Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. (Ảnh: KC) |
Dự án thành phần 2 do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản, đã được động thổ ngày 12/8/2024, khởi công xây dựng ngày 27/8/2024, dự kiến hoàn thành tháng 7/2026.
Dự án thành phần 2 có điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, có tổng chiều dài khoảng 11,43km; trong đó, thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,8km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,63km. Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc gồm 4 làn xe hạn chế, với chiều rộng nền đường 17m. Giai đoạn phân kỳ chưa bố trí làn dừng khẩn cấp, có bố trí đoạn dừng khẩn cấp, trung bình 4 - 5 km/1 đoạn dừng khẩn cấp có chiều dài 170m…
Hiện liên danh nhà thầu Dự án thành phần 2 đã hoàn thành khảo sát bổ sung và đang tiếp tục lập thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục tiếp theo. Liên danh nhà thầu đang triển khai 34 mũi thi công. Trong đó, phần tuyến đã phát quang tuyến đạt 100%, đang tiến hành đào bóc hữu cơ, thi công đường công vụ... và những công tác khác trước khi thi công các hạng mục chính. Phần cầu đã tiến hành đóng cọc thử và đang đóng cọc đại trà. Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang đã cấp phép thi công nút giao Trung Lương - Mỹ Thuận. Giá trị thi công hoàn thành đến nay đạt khoảng 6% giá trị xây lắp.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban QLDA), Dự án thành phần 2 có tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn giao đến nay là 2.031 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 99,11%. Trong đó, vốn giao năm 2024 là 1.572 tỷ đồng, đã giải ngân 98,85%. Dự án thành phần 2 được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội. Theo đó, đối với vật liệu xây dựng thông thường, Dự án thành phần 2 được cấp 2 mỏ cát (1 mỏ thuộc tỉnh Tiền Giang, 1 mỏ thuộc tỉnh Đồng Tháp) để nhà thầu khai thác phục vụ thi công dự án. Tổng nhu cầu cát đắp nền và gia tải cho Dự án thành phần 2 khoảng 1,571 triệu m3.
Thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết liệt, trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục để cung ứng nguồn cát cho Dự án thành phần 2. Hiện nay, mỏ cát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được UBND tỉnh cấp bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác. Nhà thầu đang khẩn trương thực hiện 2 công việc còn lại gồm: Thủ tục thuê đất mặt nước; thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Dự kiến, trước ngày 24/12/2024, nhà thầu sẽ khởi công khai thác mỏ cát để phục vụ thi công Dự án thành phần 2.
Qua đó, khu vực khai thác khoáng sản cát san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền của nhà thầu thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có diện tích hơn 12,5ha. Tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác phục vụ cho Dự án thành phần 2 là 656 nghìn m3. Mức sâu khai thác đến mức -20m, phương pháp khai thác lộ thiên. Thời gian khai thác là 9 tháng, kể từ ngày cấp bản xác nhận. Trường hợp khai thác đủ khối lượng cho dự án trước thời gian 9 tháng thì phải dừng khai thác theo quy định. Thời gian thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ là 3 tháng.
Cát được khai thác phục vụ cho dự án. |
Theo Ban QLDA, về nguồn cung vật liệu san lấp cho Dự án thành phần 2, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản thống nhất cung ứng cát cho Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (đoạn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp) là 0,3 triệu m3. Trên cơ sở thống nhất của liên danh nhà thầu tại biên bản làm việc ngày 15/8/2024, đối với mỏ cát thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đại diện cho liên danh nhà thầu thực hiện thủ tục tiếp nhận và khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công Dự án thành phần 2. Hiện nay, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục hồ sơ liên quan (cọc đường bờ, biển báo, phao), xáng cạp, thiết bị vận chuyển cát... Khi có bản xác nhận phê duyệt khu vực khai thác, nhà thầu sẽ triển khai ngay công tác khai thác cát về phục vụ dự án.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp đã trình các thủ tục về phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ cũ, quyết định đóng cửa mỏ, quyết định phê duyệt trữ lượng... đến UBND tỉnh Đồng Tháp.
Nhằm đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo trình tự thủ tục thực hiện theo đúng quy định, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp quan tâm sớm phê duyệt các hồ sơ liên quan để sớm đưa mỏ cát vào khai thác, đáp ứng tiến độ chung của dự án.
Theo bà Phương, trong thời gian tới, Ban QLDA sẽ phối hợp với nhà thầu thi công khẩn trương hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế đặc thù để sớm khai thác các mỏ cát được giao phục vụ thi công.
Để thực hiện Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, có 665 hộ dân thuộc 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang (Đồng Tháp 188 hộ, Tiền Giang 477 hộ) cần thu hồi đất với diện tích hơn 83ha. Trong đó, tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 477 hộ dân ở Tiền Giang bị ảnh hưởng với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Dự án thi công có tổng nhu cầu cát đắp nền và gia tải cho dự án khoảng 0,95 triệu m3; trong đó, phía tỉnh Đồng Tháp cung cấp 300.000m3 cát để thi công (đoạn thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp). Phần khối lượng cát đắp còn lại khoảng 650.000m3 dự kiến sử dụng nguồn cát từ các mỏ trên địa bàn huyện Cái Bè, Tiền Giang.
Giang Sơn – Phạm Hổ
Theo