(Xây dựng) - Công an tỉnh Quảng Ninh vừa bắt quả tang một doanh nghiệp có thâm niên khai thác đất đồi trái phép với quy mô lớn và bán đất trôi nổi trên thị trường vật liệu xây dựng mà Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin. Qua đó, “lộ tẩy” các dự án có sử dụng đất phần nào không “mặn mà” với chủ trương lớn của địa phương dùng đất thải mỏ để san nền.
Khoảng 17.500m3 đất khai thác trái phép, nghịch lý lại nằm trong ranh giới mỏ đất được cấp phép khai thác san nền cho Dự án Hạ Long xanh. |
Quảng Ninh có trữ lượng đất thải mỏ vô cùng lớn, bởi các mỏ than mỗi năm khai thác từ 40-45 triệu tấn thì thải ra khoảng 150 triệu m3 đất đá phế liệu, qua nhiều năm tồn đọng lại khoảng 2 tỷ 165 triệu m3. Bãi thải mỏ hiện chiếm dụng khoảng 4.000ha đất đai và hiểm họa về môi trường, song nó lại là tiềm năng lớn về nguồn đất vượt thổ san nền, khi mà Quảng Ninh mỗi năm cần khoảng 130 triệu m3 san nền, dự tính đến năm 2030 cần khoảng 1,02 tỷ m3 thì hoàn toàn cân đối được cung cầu mà không cần phải san đồi phá rừng.
Chính vì thế, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương vận hành kinh tế tuần hoàn tận dụng tối đa đất đá thải mỏ để san nền, hạn chế cấp mỏ đất cho các dự án có nhu cầu sử dụng đất san nền. Quảng Ninh và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thống nhất kế hoạch báo cáo Thủ Tướng Chính phủ và các Bộ, ngành lập quy hoạch, xin cấp phép tái khai thác chất thải rắn trong quá trình khai thác-sàng tuyền than vào mục đích làm vật liệu xây dựng san nền.
TKV đã quy hoạch 8 khu vực khai thác bãi thải mỏ vào mục đích làm vật liệu san nền trong phạm vi từ thành phố Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và thị xã Đông Triều khai trường cũ gần nơi có nhu cầu sử dụng đất san nền, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã nhất trí cấp 4 điểm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt. TKV đã giao cho Công ty chế biến than Quảng Ninh làm đầu mối cung ứng nhu cầu đất thải mỏ cho các dự án có nhu cầu sử dụng, trên tinh thần hợp đồng kinh tế bình đẳng theo luật định.
Sở Xây dựng cũng đã công bố đơn giá đất thải mỏ cho các vị trí bãi thải gồm các loại giá như: Đất nguyên khai từ chân bãi thải mỏ, đất thải mỏ đã qua sàng sẩy chế biến, giá thành vận chuyển đến chân công trình và giá bán tại khai trường khi bốc xúc lên phương tiện… hài hòa và hợp lý. Theo mặt bằng chung thì giá mua đất thải mỏ để san nền rẻ hơn đất mà dự án tự tổ chức khai thác nếu tính đủ hết các chi phí từ cấp phép, bồi thường hoa lợi, giải phóng mặt bằng, cắt tầng khai thác…
Từ khi TKV chính thức ra mắt doanh nghiệp làm dịch vụ đất thải mỏ san nền và khởi động dự án khai thác đất thải mỏ san nền, một không khí ảm đạm diễn ra với nhiều nguyên nhân mà ngay chính người trong cuộc là TKV cũng như “nói ra sợ mất lòng nhau” nên không ai lên tiếng.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận thấy cơ chế quản lý hiện còn có vướng mắc, đất thải mỏ chưa thoát được định danh khoáng sản, mà Công điện số 1079/CĐ-TTg đồng ý với đề nghị của Quảng Ninh danh định lại đất đá thải mỏ là chất thải rắn đi kèm trong quá trình khai thác và chế biến than, làm vật liệu xây dựng thông thường. Ngày 16/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Đào Thế Vinh về hành vi tổ chức khai thác, vận chuyển đất trái phép với quy mô lớn tại tổ 3 khu Cầu Trắng, phường Đại Yên, thành phố Hạ Long càng vỡ lẽ ra, các dự án có sử dụng đất không “mặn mà” với chủ trương lớn của địa phương dùng đất thải mỏ san nền có phần là do mua đất trôi nổi.
Bởi tại hiện trường, lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng có hành vi khai thác, tập kết, vận chuyển đất trái phép, tạm giữ 9 phương tiện gồm: 6 ôtô tải, 2 máy xúc, 1 tàu vận tải thủy và thu giữ khoảng 17.500m3 đất nguyên khai. Kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt, Đào Thế Vinh (nguyên Giám đốc Công ty DV & VTTM Vũ Đại Vỹ) đã tổ chức khai thác, vận chuyển trái phép số lượng lớn đất tại khu vực đồi thuộc tổ 3, khu Cầu Trắng, phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, để bán cho những nơi có nhu cầu mua đất san lấp mặt bằng.
Công an tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang trên bãi đất đang tiêu thụ là khoảng 17.500m3, vậy từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt (trung tuần tháng 12/2022) thì 5 năm sản lượng nó là bao nhiêu? Người bán ắt phải có người mua. Vậy ai và dự án có sử dụng đất nào đã mua khối lượng đất trôi nổi này để san nền.
Nhà nước yêu cầu dự án có sử dụng đất san nền phải có hóa đơn chứng từ khối lượng đất đá đã sử dụng, nhưng tình trạng mua bán hóa đơn giả đang diễn ra phức tạp do buông lỏng quản lý của cơ quan thẩm quyền. Thành phố Hạ Long từng bị xử lý vi phạm sử dụng hàng vạn m3 cát, mua một nơi hóa đơn cấp ra một nẻo.
Tình trạng mua bán đất san nền đang diễn ra phúc tạp, dải đồi thuộc tổ 3, khu Cầu Trắng, phường Đại Yên, thành phố Hạ Long đang như một chợ trời bán đất quy mô lớn, núp danh nghĩa mỏ đất được cấp phép khai thác đất san nền cho Dự án Hạ Long xanh, cơ quan chức năng cần làm rõ về ranh giới mỏ, khối lượng đất được cấp phép, sự man trá trong lập mỏ khai thác đất đồi và các dự án có sử dựng đất san nền trên địa bàn toàn tỉnh được kiểm tra siết chặt, thì chủ trương lớn của địa phương dùng đất thải mỏ san nền mới đi vào cuộc sống.
Vũ Phong Cầm
Theo