Thứ sáu 06/12/2024 17:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Điểm danh những dự án “ung nhọt” cần được “giải phẫu”:

Bài 16: Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa “đổi chủ” nhiều lần vẫn hẩm hiu, hoang phế

19:56 | 13/04/2022

(Xây dựng) – Dù qua nhiều lần “đổi chủ”, từ UBND huyện Hoằng Hóa chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó sáp nhập về Trung tâm Tư vấn quy hoạch, thị trường và chiến lược phát triển nông thôn. Nhưng đến nay, Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa vẫn hoạt động không hiệu quả, cả cơ sở gần như bỏ không.

bai 16 trung tam phat trien nong thon thanh hoa doi chu nhieu lan van ham hiu hoang phe
Nhà kho của Trạm chưa đưa vào sử dụng.

Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa được đầu tư xây dựng năm 2009 (tổng mức đầu tư 17 tỷ đồng) bằng nguồn vốn tài trợ của tổ chức JICA, do UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư. Do hoạt động không hiệu quả, tháng 5/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định chuyển giao Trung tâm từ UBND huyện Hoằng Hóa về cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Sau khi tiếp nhận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức bộ máy mới của trung tâm (gồm 6 cán bộ, nhân viên) với nhiệm vụ được giao là phục vụ sự phát triển ngành Nông nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là tổ chức kết nối cung – cầu giữa các doanh nghiệp và người sản xuất, nhằm giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua được sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như: Mô hình hoạt động của trung tâm không phù hợp với công năng sử dụng của tòa nhà (bởi mục tiêu của dự án, theo chương trình tín dụng chuyên ngành của JIKA là thử nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, được thực hiện đồng bộ từ định hướng quy hoạch sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua, sơ chế, bảo quản và đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng); vị trí trung tâm cách khá xa thành phố, xa khu dân cư, không phù hợp cho tổ chức triển lãm, hội chợ; khó khăn, bất cập trong công tác kết nối, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế và chất lượng cao cung cấp cho thị trường nên Trung tâm hoạt động chưa hiệu quả.

bai 16 trung tam phat trien nong thon thanh hoa doi chu nhieu lan van ham hiu hoang phe
bai 16 trung tam phat trien nong thon thanh hoa doi chu nhieu lan van ham hiu hoang phe
Tòa nhà trung tâm của Trạm vẫn gần như bị bỏ không, chưa phát huy được hiệu quả.

Năm 2018, sau khi Trung tâm Tư vấn quy hoạch, thị trường và chiến lược phát triển nông thôn (trực thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) được thành lập, Trung tâm Phát triển nông thôn được sáp nhập về đơn vị này, đổi tên thành Trạm kết nối cung cầu và Hội chợ triển lãm tỉnh.

bai 16 trung tam phat trien nong thon thanh hoa doi chu nhieu lan van ham hiu hoang phe
Mặt bằng khu sản xuất mọc đầy cỏ dại.

Theo Trạm trưởng Lê Văn Quyền: Sau khi “thay áo mới”, về cơ bản tình hình của Trạm hiện nay cũng như Trung tâm trước kia vẫn chưa có thay đổi lớn, hầu hết mặt bằng, cơ sở vật chất vẫn trong tình trạng lãng phí, chưa phát huy được hiệu quả. Trong điều kiện khó khăn, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do Trung tâm giao, anh em vẫn cố gắng đi cơ sở, tự tìm nguồn thu bằng cách giới thiệu, đấu mối giữa các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân sản xuất, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư…

Để tháo gỡ khó khăn, từng bước hạn chế tình trạng lãng phí, phát huy hiệu quả của cơ sở vật chất được đầu tư tới 17 tỷ đồng. Vào tháng 8/2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, sau khi được UBND tỉnh cho phép đã giao cho Trung tâm lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết với Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia (tại Trạm kết nối cung cầu và Hội chợ triển lãm). Mục đích để kết nối cung - cầu, cung ứng nông sản, thực phẩm chất lượng cao cho thị trường.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay, Đề án liên kết giữa Viện Nông nghiệp và Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia đã được xây dựng xong, gửi đến các sở, ngành chức năng để tham vấn, xin ý kiến trước khi hoàn thiện, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Không rõ đề án được phê duyệt đi vào hoạt động có khắc phục tình trạng lãng phí tiền của, lãng phí cơ sở vật chất của Trạm, nhưng chắc chắn một điều để lập được đề án, ngân sách Nhà nước lại mất một khoản tiền không hề nhỏ.

Một dự án được thực hiện bằng vốn tài trợ của tổ chức nước ngoài nhưng gần như “thất bại” có đáng bị mang tiếng xấu? Dự án “thất bại” do tư duy yếu kém của các cơ quan, cá nhân liên quan hay do bất kỳ một nguyên nhân nào thì cũng đáng bị lên án, bị “truy” trách nhiệm để làm “gương” cho các dự án khác. Dư luận đang chờ UBND tỉnh giải quyết và trả lời thỏa đáng.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load