Thứ hai 06/05/2024 22:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Kạn: Tái diễn tình trạng đổ thải làm đường bừa bãi

21:34 | 31/03/2023

(Xây dựng) - Mặc dù đã có bài học từ việc đổ thải bừa bãi khi thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh ĐT 254, nhưng thời gian qua, tại một số công trường làm đường ở Bắc Kạn tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Bắc Kạn: Tái diễn tình trạng đổ thải làm đường bừa bãi
Doanh nghiệp đổ thải vào đất rừng tự nhiên tại thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn (Ảnh: TN).

Mấy năm trước, Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh ĐT254 đã “dậy sóng” tại tỉnh Bắc Kạn bởi các vi phạm liên quan đến công tác quản lý, đặc biệt là đổ thải xây dựng không theo quy định. Vụ việc đã khiến nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - đơn vị chủ đầu tư phải chịu án kỷ luật từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Hậu quả là dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay, nhưng Dự án ĐT254 vẫn chưa thể quyết toán do liên quan đến vấn đề đổ thải bừa bãi, không xác định được khối lượng cũng như cự ly vận chuyển.

Những tưởng câu chuyện làm đường đổ thải bừa bãi tại địa phương này sẽ được rút kinh nghiệm sâu sắc thì thời gian gần đây, tại một số dự án đang triển khai, tình trạng trên đã tiếp tục tái diễn, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái và môi trường.

Tuyến đường lâm nghiệp tại thôn Bản Cuôn 1, xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn) được khởi công cuối năm 2022. Dự án được triển khai, người dân thôn Bản Cuôn 1 vô cùng phấn khởi, kỳ vọng việc đi lại, vận chuyển nông lâm sản sẽ thuận lợi. Nhưng niềm vui chưa được hưởng thì một số hộ dân ở đây đã phải gánh chịu hậu quả, bởi ngay ở đầu tuyến, để mở đường, đơn vị thi công đã đào hàng nghìn m3 đất đá, nhưng thay vì chở đi đổ, họ đã đổ tràn lan xuống phía taluy âm. Hậu quả là một dải rừng cây mỡ từ 2 đến 4 năm tuổi dưới taluy âm của người dân bị vùi lấp.

Không chỉ ảnh hưởng đến cây cối, đất lâm nghiệp của người dân, việc đổ đất đá tràn lan còn tác động nghiêm trọng đến môi trường. Một số vị trí đổ thải khối lượng lớn xuống taluy âm đã lấp khe suối nhỏ phía dưới. Nhiều khả năng mùa mưa đến, nước tràn về đất, đá sẽ cuốn theo dòng nước về phía cánh đồng của thôn Bản Cuôn 1 cách đó chỉ vài trăm mét.

Tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn được khởi công từ tháng 4/2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Thế nhưng, ở dự án trọng điểm này tình trạng đổ thải trái quy định cũng đã diễn ra bất chấp những nhắc nhở của chủ đầu tư và chính quyền địa phương.

Cụ thể: Tại thôn Nà Bây, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, doanh nghiệp thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể đã đổ 3 bãi đất thải vào phía đồi bên trên, ước lượng lên tới hàng chục ngàn m3, trở thành những quả bom đất treo trên đầu những hộ dân sinh sống bên dưới.

Việc đổ thải trái phép đã diễn ra từ tháng 6/2022, chính quyền xã đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện Chợ Đồn nhiều lần lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt hành vi đổ thải trái phép.

Thực tế, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được duyệt gồm 10 bãi đổ thải. Tuy nhiên, 01 bãi đổ thải đã tiến hành đổ còn lại 9 bãi các đơn vị thi công trên tuyến chưa tiến hành đổ do địa hình không phù hợp, không có đường giao thông để thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển. Một số vị trí bãi đổ thải có thể vận chuyển đến đổ được nhưng lại chưa thực hiện công tác thống kê, đền bù thu hồi đất theo quy định.

Bắc Kạn: Tái diễn tình trạng đổ thải làm đường bừa bãi
Thi công, đổ thải tại công trường Dự án xây dựng đường thành phố Bắc Kạn -hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang).

Trước thực tế khó khăn về việc đổ thải, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, ngày 7/4/2022, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Văn bản số 2108/UBND-NNTNMT chỉ đạo: “Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công, đơn vị giám sát chủ động thực hiện đổ thải tại các vị trí đã được duyệt, trường hợp đổ đất tại các vị trí khác để cải tạo mặt bằng, cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất thì phải được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và tổ chức, người dân có đất… Trong quá trình đổ thải cho dân cải tạo mặt bằng, cải tạo đất ở vị trí cụ thể, chủ dự án phối hợp với các hộ dân và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát, chỉ đạo đơn vị thi công có văn bản cam kết trong quá trình đổ thải đảm bảo an toàn, không để xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường, đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ công tác đổ thải của đơn vị thi công. Chính quyền địa phương và sở, ban ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện".

Quan sát của phóng viên thời gian gần đây cho thấy: Trên tuyến xuất hiện nhiều vị trí đổ thải không có trong quy hoạch, như: Tại vị trí thi công cây cầu bắc qua suối Khuổi Én thuộc xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông), nhiều đất, sỏi tràn xuống suối, tác động đến dòng chảy. Cũng tại khu vực công trường này, diện tích cây rừng đã bị phát quang khá rộng. Đất, sỏi tràn xuống suối trong quá trình thi công dự án.

Nhìn từ trên cao, con đường này chạy song song với suối Khuổi Én, tại một số vị trí suối đã bị tác động bởi đất thải trong quá trình thi công. Không những thế, việc thi công dự án tại một số vị trí tác động đến những cánh rừng tự nhiên tại huyện Bạch Thông.

Tại gói thầu số 15: Đổ thải tại Thôm Luông, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. Tại gói thầu số 17 có 8 vị trí đơn vị thi công thỏa thuận với người dân để đổ thải đất đá có xác nhận của chính quyền địa phương là xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn. Tương tự, tại gói thầu số 19 có 4 vị trí đơn vị thi công thỏa thuận với người dân để đổ thải đất đá có xác nhận của chính quyền địa phương là xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể; tại gói thầu số 20 có 2 vị trí đơn vị thi công thỏa thuận với người dân để đổ thải đất đá có xác nhận của chính quyền địa phương là xã Quảng Khê, huyện Ba Bể… Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, qua xem xét văn bản thỏa thuận và chấp thuận cải tạo đất của UBND các xã trên tuyến thì việc thỏa thuận vị trí đổ thải và việc xác nhận của chính quyền địa phương chưa đúng theo quy định tại Điều 9, Luật Đất đai năm 2013.

Khảo sát thực tế cho thấy một số vị trí đổ thải có nguy cơ sạt lở, đá lăn xuống taluy gần khu vực đường Tỉnh lộ 257B gây mất an toàn cho nhà ở, đường dân sinh phía dưới các bãi đổ thải an toàn trong lao động.

Mặt khác, một số vị trí đổ thải có nguy cơ ảnh hưởng hành lang sông, suối; đất, đá, bùn tràn sang phần đất của các hộ lân cận, ảnh hưởng tới việc trồng trọt, gây thiệt hại mùa màng.

Cơ quan chức năng cũng nhận định: Việc UBND cấp xã cho phép các hộ dân có đơn xin cải tạo đất nhưng không thực hiện cắm mốc ranh giới và giám sát kiểm tra việc thực hiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện, tranh chấp đất đai, gây mất an ninh trật tự và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như: Phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, tiền cấp quyền đối với khoáng sản tận dụng sau khi cải tạo đất và thực hiện các biện pháp bào vệ đất…

Ngày 14/3/2023 Công an tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh về việc chỉ đạo tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Ngày 24/3/2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Văn bản số 1739/UBND- NNTNMT gửi các sở, ngành, địa phương, Ban Quản lý dự án theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý, tăng cường chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thi công… thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, xử lý chất thải, đổ thải đúng nơi quy định.

Chưa biết hiệu qủa của chỉ đạo đến đâu, bởi cần có thời gian và thực tế trả lời. Tuy nhiên, trong ghi nhận của nhiều người tại Dự án nâng cấp và cải tạo đường ĐT254 cách đây chưa lâu, những chỉ đạo tương tự đã được đưa ra.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load