Thứ hai 07/10/2024 08:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bản án tranh chấp đất đai vi phạm tố tụng nghiêm trọng

09:58 | 22/05/2021

(Xây dựng) – Đất đang sở hữu, đột nhiên sau 15 năm, 1 người bạn cũ xuất hiện cùng với vài tờ giấy viết tay và kiện đòi chia đất vì cho rằng trước đây vay tiền mua chung. Vụ án dở khóc dở cười “Tranh chấp chia tài sản chung là quyền sử dụng đất” giữa 2 người từng có 1 thời là bạn thân như 2 anh em, đang làm “dậy sóng” tại Thành phố Vũng Tàu. Đó là ông Nguyễn Mạnh Tuân (Mạnh Tuân) và ông Nguyễn Văn Tuân (Văn Tuân).

ba ria vung tau ban an tranh chap dat dai vi pham to tung nghiem trong
Ông Nguyễn Mạnh Tuân đau đớn cho rằng bạn cũ cấu kết cướp đất mồ hôi công sức của ông.

Nguồn gốc đất rõ ràng

Theo trình bày của ông Mạnh Tuân, vào cuối năm 2003 đầu năm 2004, ông có nhận chuyển nhượng của vợ chồng bà Đặng Thị Mai 1 khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm có diện tích khoảng 4300m2 thuộc thửa đất số 26536.24.57 (hiện là thửa đất số 16), tờ bản đồ số 24 (hiện là tờ bản đồ số 95) tọa lạc tại phường 10, thành phố Vũng Tàu. Khu đất này bà Mai nhận thừa kế lại từ người cha là ông Đặng Văn Thuận.

Sau đó, ông Mạnh Tuân có thuê 1 công ty thay ông làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất trên. Đến ngày 17/09/2005, UBND Thành phố Vũng Tàu đã cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 553642 cho phần đất này.

Trong quá trình ông Mạnh Tuân làm thủ tục cho lô đất này phát sinh nhiều vấn đề do vợ chồng bà Mai mua bán chồng chéo, tranh chấp khiếu nại về tiền bạc, pháp lý với nhiều cá nhân, đơn vị, ban bồi thường giải phóng mặt bằng… Do đó ông Mạnh Tuân cho biết là 1 mình ông phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đấu tranh giải quyết, bảo vệ và hoàn thiện các thủ tục hợp pháp cho phần đất này.

Cụ thể, sau khi ông hoàn tất thủ tục chuyển nhượng phần đất trên thì thì ngày 06/04/2006 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Quyết định số 1113/QĐ-UB thu hồi toàn bộ diện tích 126.625,8m2 của 70 hộ dân trong đó có lô đất trên mà ông Mạnh Tuân mua của bà Mai để giao cho Công ty TNHH Tư vấn Dịch vụ Thanh Bình sử dụng để thực hiện Dự án Khu biệt thự Thanh Bình.

Không đồng ý với việc thu hồi đất trên, ông Mạnh Tuân đã đại diện cùng với 70 hộ dân phải khiếu nại, tố cáo tới cơ quan chức năng. Ròng rã 3 năm đấu tranh, đến ngày 29/08/2008, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra Quyết định số 2941/QĐ-UBND hủy bỏ điều chỉnh việc thu hồi đất nêu trên trả lại đất của các hộ dân trong đó có đất của ông Mạnh Tuân.

“Trong toàn bộ quá trình mua bán rồi đi làm thủ tục, đấu tranh hoàn thiện thủ tục hồ sơ và giữ đất đều do tôi làm và cũng chẳng có liên quan gì tới ông Văn Tuân, ngay cả việc đứng tên trên sổ đất cũng không có vậy mà giờ ông ấy nhận chung trong này”, ông Mạnh Tuân bức xúc nói.

Đòi không được thì kiện

Và sau đó ông Văn Tuân khởi kiện ông Mạnh Tuân ra tòa chỉ với vài trang giấy viết tay được cho là “chứng cứ quan trọng”. Theo nội dung Bản án Sơ thẩm số 69/2020/DS-ST ngày 28/10/2020 của TAND Thành phố Vũng Tàu thì ông Văn Tuân trình bày phần đất nêu trên được ông và ông Mạnh Tuân cùng nhau hùn tiền mua chung của vợ chồng bà Mai với giá là 494.5 triệu đồng. Trong đó, ông Văn Tuân cho biết là đã góp tổng cộng 125 triệu và 600 USD gồm 3 lần đưa cụ thể: Ngày 19/1/2004 giao 100 triệu đồng (giao cho ông Tứ - chồng bà Mai); ngày 13/4/2004 giao 25 triệu đồng; ngày 4/8/2004 giao 600 USD.

Lý giải về số tiền trên ông Mạnh Tuân cho biết, đúng là ông có nhận của ông Văn Tuân số tiền trên có biên nhận rất rõ ràng nhưng không phải là tiền góp chung mua phần đất trên.

Cụ thể, ông Mạnh Tuân cho biết đối với 100 triệu đồng có biên nhận giao cho ông Tứ - chồng bà Mai là do tại thời điểm phải thanh toán 100 triệu đồng để mua phần đất trên cho vợ chồng bà Mai, ông Mạnh Tuân bận đi công tác nên có nhờ ông Văn Tuân cho vay 100 triệu để giao cho vợ chồng bà Mai và có biên nhận tiền rõ ràng. Sau đó, ông Mạnh Tuân có xác nhận là vay 100 triệu đồng của ông Văn Tuân trên giấy giao tiền này.

Theo hồ sơ vụ việc, trên giấy giao 100 triệu đồng cho vợ chồng bà Mai mà ông Văn Tuân cung cấp cho tòa, trên đó cũng có nội dung thể hiện việc xác nhận của Mạnh Tuân với nội dung: “Biên nhận: Có vay của anh Nguyễn Văn Tuân 100 triệu nói trên để trả cho ông Tứ” có chữ ký và ghi rõ tên ông Mạnh Tuân kèm theo.

Theo ông Mạnh Tuân thì đối với 2 khoản 25 triệu và 600 USD, ông Mạnh Tuân có biên nhận tiền trực tiếp với ông Tuân. Ông Mạnh Tuân khẳng định toàn bộ số tiền 125 triệu đồng và 600 USD sau đó đã được ông Mạnh Tuân và ông Văn Tuân thống nhất chuyển thành khoản góp mua chung đất tại Gò Găng, Long Sơn mà tiền mua đất do ông Mạnh Tuân đã ứng trước chi trả.

Tuy nhiên, ông Văn Tuân lại cho rằng, giữa ông và ông Mạnh Tuân có thỏa thuận là ông Văn Tuân sẽ được hưởng 1.000m2 của phần đất trên. Đáng chú ý, việc này không có văn bản thỏa thuận mà chỉ là trình bày miệng một chiều từ phía ông Văn Tuân.

Vì lý do đó, đến ngày 20/5/2019 (sau khoảng 15 năm) ông Văn Tuân đã có đơn khởi kiện yêu cầu ông Mạnh Tuân phải chia cho ông 1.000m2 đất của phần đất nêu trên và đã được TAND thành phố Vũng Tàu thu lý.

Cố tình làm sai lệch nội dung chứng cứ

Trong hồ sơ vụ án, phía nguyên đơn có nộp 3 bản tự khai của các nhân chứng cho Tòa án cấp sơ thẩm, đó là: bà Đặng Thị Mai (người bán đất), ông Đặng Ngọc Quý (em trai bà Mai) và ông Nguyễn Văn Hùng (bạn gần nhà của ông Văn Tuân). Tuy nhiên, tất cả các bản tự khai trên đều không có giá trị pháp lý vì không phải do Tòa án trực tiếp lấy lời khai theo thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 99 và Khoản 2 Điều 98 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về việc lấy lời khai của người làm chứng.

Nghiêm trọng hơn, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Văn Tuân đã thừa nhận các bản tự khai của bà Mai, ông Quý là do chính ông Nguyễn Văn Tuân viết. Việc nguyên đơn tự tay viết bản tự khai với nội dung có lợi cho mình để cho các nhân chứng ký rồi nộp cho Tòa án là không đảm bảo tính khách quan, không tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 99 và Khoản 2 Điều 98 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về việc lấy lời khai của người làm chứng.

Vậy mà không hiểu tại sao vẫn được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận? Việc tiến hành tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm có được coi là khách quan, vô tư hay không?

Sau thời gian xét xử chỉ dựa vào “1 nửa chứng cứ” rất sơ sài, ngày 28/10/2020, TAND Thành phố Vũng Tàu đã có Bản án Sơ thẩm số 69/2020/DS-ST tuyên ông Văn Tuân thắng kiện và được chia 1.000 m2 tại thửa đất số 16, phường 10, Thành phố Vũng Tàu.

Ông Mạnh Tuân cho rằng, Tòa chấp nhận rằng ông Văn Tuân góp tiền mua phần đất trên với ông Mạnh Tuân vì ông Văn Tuân có biên nhận về việc giao 100 triệu đồng cho ông Tứ - chồng bà Mai, đó chính là tiền hùn mua đất mà không xem xét thấu đáo, bởi chính tại biên nhận này có nội dung xác nhận của ông Mạnh Tuân về việc đây là khoản ông Mạnh Tuân vay của ông Văn Tuân để chi trả cho ông Tứ.

Trước phán quyết có phần khó hiểu của TAND thành phố Vũng Tàu, ông Mạnh Tuân đã thực hiện thủ tục kháng cáo tới TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Được biết hiện vụ án đang được TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành các thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Cũng tại Tòa cấp sơ thẩm đã không đưa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Vũng Tàu và 2 người có nghĩa vụ liên quan trong việc thế chấp thửa đất, vay vốn có trong vụ án (tính đến thời điểm xét xử còn 18 năm).

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với căn cứ của ông Nguyễn Mạnh Tuân (Bị đơn) trình bày về việc Tòa cấp sơ thẩm có những vấn đề cần được xem xét vì có căn cứ rõ ràng. Cụ thể: Tòa cấp sơ thẩm không lý giải cụ thể và né tránh các nội dung dòng chữ thể hiện vay 100 triệu đồng, đặc biệt xác định “không có nội dung nào thể hiện là ông Nguyễn Mạnh Tuân vay tiền của ông Nguyễn Văn Tuân” là không đúng sự thật tại nội dung tờ Biên nhận.

Đây là vi phạm về dẫn chiếu chứng cứ không đúng và đánh giá sai chứng cứ. Mặt khác, việc nguyên đơn viết lời khai cho người làm chứng ký là không đảm bảo tính khách quan, vi phạm tố tụng trong việc thu thập chứng cứ.

Đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, theo nguyên đơn là có việc góp tiền để nhận chuyển nhượng nhưng được tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, quyền sử dụng đất đang được thế chấp tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội Chi nhánh Vũng Tàu nhưng Tòa cấp sơ thẩm không đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ngân hàng.

Với những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như trên, theo Luật sư Phượng, Tòa cấp phúc thẩm cần hủy án để xác minh làm rõ các tình tiết vụ án để bảo đảm việc xét xử khách quan và đúng quy định pháp luật.

Hy vọng tại Tòa cấp phúc thẩm sẽ được Hội đồng xét xử nghiên cứu kỹ các chứng cứ quan trọng và xét xử thật sự công tâm bảo vệ lẽ phải lấy lại lòng tin của Nhân dân.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thành Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load