Thứ bảy 27/04/2024 05:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Văn Yên (Yên Bái): Mỏ đá Đại Phác – mong đợi ngày hoạt động trở lại

11:18 | 11/09/2019

(Xây dựng) - Mỏ đá Đại Phác tại thôn Đại thắng, xã Đại Phác, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, là nơi cung ứng phần lớn nhu cầu vật liệu xây dựng của huyện Văn Yên nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung, góp phần không nhỏ vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay đi đôi với mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, về phía đơn vị khai thác luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho người lao động, các hộ dân xung quanh và bảo vệ môi trường.

Mỏ đá Đại Phác – mong đợi ngày hoạt động trở lại.

Mỏ đá Đại Phác trước kia là của Đội Giao thông Vận tải Văn Yên, do hoạt động sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, không trả được lương cho công nhân, không có khả năng thanh toán các khoản nợ khách hàng, cho nên vào tháng 7/2007, Cty CP Khai thác sản xuất và xây dựng huyện Văn Yên đã nhận lại mỏ đá Đại Phác và thanh toán toàn bộ số nợ mà Đội Giao thông Vận tải Văn Yên không có khả năng thanh toán là trên 1,1 tỷ đồng.

Cty đã lập dự án và đầu tư cho mỏ đá Đại phác hơn 10 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 40 lao động của xã có thu nhập ổn định 7triệu đồng/tháng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Mỏ đá Đại Phác hoạt động trên cơ sở Giấy phép khai thác khoáng sản số 545/GP-UBND ngày 20/4/2011 do UBND tỉnh Yên Bái cấp. Cty CP Khai thác sản xuất và xây dựng huyện Văn Yên được phép khai thác trên tổng diện tích là 2,6ha, trữ lượng được phép 203.990m3, công suất khai thác 12.500m3/năm…

Trong những năm qua, doanh nghiệp khai thác phục vụ cho các công trình theo đúng tiến độ thi công, các tuyến đường trọng điểm quốc gia, của tỉnh như: Tuyến đường Yên Yái - Khe Sang, các tuyến đường kết nối các xã, thôn, các công trình dân dụng, dân cư trên địa bàn huyện Văn Yên. Tạo công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước, hàng năm nộp thuế từ 3 - 4 tỷ đồng cho ngân sách. Góp phần làm giảm chi phí đầu tư công, đẩy nhanh chương trình xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Qua tìm hiểu thực tế tại mỏ đá Đại Phác cho thấy, mặc dù thiết bị máy móc đã thay thế sức người ở một số công đoạn, nhưng việc trèo lên vách đá để khoan đặt mìn phá đá thì chưa có máy móc thay thế người thợ.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho người lao động và người dân sinh sống quanh khu vực mỏ trong khi khai thác Cty đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn lao động.

Theo đó, các công nhân vào làm việc tại mỏ đều được trang bị bảo hộ lao động gồm quần áo, mũ, giày, khẩu trang và dây an toàn đối với người làm việc ở trên cao theo định kỳ hàng tháng.

Đối với người lao động làm việc được Cty phổ biến nội quy an toàn, được cử đi tập huấn an toàn vệ sinh lao động, đào tạo, cấp chứng chỉ cho công nhân có nhiệm vụ sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Trên cơ sở các nguồn gây ra cháy nổ Cty đã tiến hành lắp các biển báo khu vực cấm lửa, hiệu lệnh, nội quy phòng cháy, chữa cháy… Vì vậy, nhiều năm qua, phân xưởng không xảy ra mất an toàn vệ sinh lao động hoặc tai nạn lao động.

Với trường hợp đá văng ra đường giao thông đã được lãnh đạo mỏ chỉ đạo tổ chức san gạt để bà con đi lại thuận tiện, đồng thời phối hợp với thôn sở tại tu sửa lại đường nội thôn cho nhân dân.

Quá trình khai thác không tránh khỏi gây ô nhiễm môi trường tại mỏ như nước thải, chất thải sinh hoạt, bụi không khí do phá đá, nghiền đá... Song Cty đã nhanh chóng nhận thấy được những tồn tại đó, do vậy, để khắc phục tình trạng này về phía mỏ đã có hệ thống nước tưới, phun thường xuyên trong quá trình thi công giảm mức độ bụi ra môi trường, xây dựng hệ thống thoát nước, chất thải rắn, chất thải sinh hoạt được thu gom xử lý, quy định nghiêm ngặt giờ nổ mìn bảo đảm an toàn cho người dân khi qua lại.

Với trường hợp đá văng ra đường giao thông đã được lãnh đạo mỏ chỉ đạo tổ chức san gạt để bà con đi lại thuận tiện, đồng thời phối hợp với thôn sở tại tu sửa lại đường nội thôn cho nhân dân.

Hoạt động khai thác đá nói chung có những tác động đối với môi trường là điều khó tránh khỏi nhưng với những tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường nên hoạt động này của Cty được người dân và chính quyền xã Đại Phác ghi nhận.

Ông Hoàng Việt Chung – người dân sống gần khu mỏ đá Đại Phác cho biết: “Thời gian đầu hoạt động, mỏ đá cũng có những ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Nhưng ngay sau đó, phía Cty đã có nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nên đời sống và sản xuất của người dân gần mỏ đá được đảm bảo. Những rung chấn do nổ mìn gần như không còn và bụi do nghiền sàng đá đã giảm đến hơn 90% rồi đấy. Chúng tôi thấy yên tâm nhiều rồi”.

Khu vực sản xuất nằm cách xa khu dân cư ít nhất 500m và được tưới phun hàng ngày đảm bảo hạn chế tối đa bụi phát tán.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hoàng Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: “Trước kia, đoạn đường 4km vào mỏ đá chỉ là đường đất, rất khó khăn trong quá trình đi lại. Từ khi Cty đi vào hoạt động sản xuất đã xây dựng công trình đường đi vào mỏ đá giúp cho quá trình đi lại của người dân rất thuận tiện. Không những thế, nhờ có Cty mà người dân xung quanh mỏ có việc làm và 100% đã xây được nhà góp phần văn minh nông thôn. Ngoài ra, Cty đã làm tốt công tác từ thiện chung tay cùng chính quyền giúp đỡ, ủng hộ các gia đình chính sách, do đó người dân trong xã luôn gắn bó và coi cán bộ công nhân của mỏ như những người láng giềng thân thiện và tin tưởng. Xã rất mong mỏi mỏ đá tiếp tục hoạt động để tạo việc làm người dân địa phương góp phần xây dựng hạ tầng của xã”.

Tuy nhiên, thực hiện Văn bản số 3127/UBND-TNMT ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh Yên bái, từ ngày 01/01/2019, Cty đã dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá Đại Phác do vấn đề về thủ tục việc thuê đất chưa đúng theo quy định. Vì thế, do việc dừng khai thác, sản xuất đá xây dựng đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh của mỏ đá, khiến cho hơn 40 công nhân không có việc làm; Cty không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; không thực hiện nộp Ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra; không có hàng hóa cấp cho các công trình của Nhà nước và dân cư trên địa bàn của huyện Văn Yên, khiến cho chi phí đầu tư công tăng (do các công trình phải lấy vật liệu ở nơi khác phải chịu chi phí vận chuyển rất cao và chậm tiến độ...). Đến nay, Cty đã thực hiện hoàn tất xong các thủ tục về thuê đất theo đúng quy định.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cty khẩn thiết đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện báo cáo UBND tỉnh Yên Bái cho phép mỏ đá Đại Phác hoạt động trở lại không chỉ giúp cho Cty hoạt động trở lại bình thường mà còn giúp cho người dân địa phương có công ăn việc làm, đáp ứng vật liệu cho các công trình trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Thái Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load