(Xây dựng) - Từ một doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả bỗng chốc phá sản, chủ doanh nghiệp lao đao vì công nợ, hàng trăm lao động thất nghiệp, là tình cảnh mà Cty TNHH Yên Phú (huyện Yên Bình, Yên Bái) đã và đang phải đối mặt suốt 5 năm nay. 5 năm trời ròng rã đội đơn kêu cứu khắp nơi, nhưng mọi cánh cửa đều lần lượt khép lại với Cty TNHH Yên Phú, bởi nguyên nhân gây thiệt hại cho doanh nghiệp này là việc thi công một công trình giao thông mà chủ đầu tư hiện không còn tên trên hệ thống các cơ quan, đơn vị đang hoạt động của tỉnh Yên Bái.
Khu vực nhà xưởng của Cty TNHH Yên Phú thấp hơn so với mặt đường cảng Hương Lý - Ga Văn Phú trên 50cm.
Đường lên, nhà xuống
Theo ông Nguyễn Duy Vượng - Giám đốc Cty TNHH Yên Phú, Cty được thành lập năm 2001 tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, chuyên sản xuất bao bì và ống nhựa. Ngày 21/8/2006, Cty được UBND huyện Yên Bình cấp giấy phép số 41 ghi rõ được xây dựng nền nhà xưởng cao hơn 45cm so với cốt mặt đường. Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Cty TNHH Yên Phú luôn hoạt động kinh doanh tốt, năm nào cũng hoàn thành nộp thuế vượt mức kế hoạch giao, giải quyết nhiều công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Đến năm 2010, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 1575 giao Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp (KCN), trực thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh Yên Bái là chủ đầu tư thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp đường cảng Hương Lý - Ga Văn Phú có tổng chiều dài 8,2km (trên nền đường cũ đang sử dụng từ năm 2001) với tổng kinh phí đầu tư dự toán được duyệt là 73,9 tỷ đồng. Năm 2013, UBND tỉnh lại ra Quyết định số 1506 điều chỉnh bổ sung tăng vốn lên 104,9 tỷ đồng. Đến năm 2015, UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục ra Quyết định số 2509 điều chỉnh dự án xuống còn 87,6 tỷ đồng. Việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là làm đường giao thông luôn là chủ trương được Nhà nước ưu tiên đi trước một bước để phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, riêng với tuyến đường này, song song với những hiệu quả mang lại, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của các hộ dân hai bên đường.
Từ khi con đường được thi công, mặt đường được nâng cao hơn hẳn, đồng nghĩa với việc nền nhà của các hộ dân lọt thỏm xuống. Nhà nào ít thì thấp hơn khoảng 20 - 30cm, nhưng cũng có những nhà thấp hơn hàng nửa mét so với mặt đường. Sau mỗi trận mưa, nước từ đường chảy tràn vào nhà dân, gây hư hại tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt. Riêng khu vực nhà xưởng của Cty TNHH Yên Phú, trận mưa lớn đầu năm 2016 khiến nước mưa ồ ạt tràn vào, gây ngập phân xưởng vỏ bao bì.
Doanh nghiệp kêu cứu, chính quyền đùn đẩy trách nhiệm
Thời điểm đó, Cty TNHH Yên Phú đã có văn bản gửi UBND huyện Yên Bình, Sở Giao thông vận tải Yên Bái, Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp đề nghị ngừng thi công và xem xét lại thiết kế để không ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Nhưng tiếng kêu cứu của doanh nghiệp dường như chưa đủ sức nặng để các các cấp chính quyền nhìn nhận, xem xét một cách nghiêm túc. Những trận mưa lớn tiếp theo, nước mưa từ rãnh thoát nước ven đường tràn vào khiến ngập phân xưởng dệt và văn phòng làm việc. Đặc biệt, trận mưa vào đêm 28/6/2016, Cty TNHH Yên Phú cầu cứu qua điện thoại đến Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, mới được phản hồi bằng việc UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra.
Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra đến thì mưa đã tạnh, đoàn đã lập biên bản tại hiện trường ghi nhận đang có nước gây ngập trong nền nhà xưởng 15cm, làm ướt số lượng lớn bao bì và nguyên liệu là hạt nhựa. Tuy nhiên, về nguyên nhân và giá trị thiệt hại cụ thể không hề được xác định. Bản thân ông Vượng cũng không được ký hoặc xem biên bản làm việc, cũng không nhận được thông tin trả lời nào. Hoang mang và bế tắc, ông Vượng tiếp tục gửi nhiều đơn đến các cơ quan trong tỉnh. Đơn cứ đi “lòng vòng” từ Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển đơn, HĐND và UBND tỉnh yêu cầu giải quyết, nhưng phía chủ đầu tư cứ phớt lờ, khiến sự việc trôi vào im lặng.
Theo hồ sơ và tài liệu ông Vượng cung cấp, Sở Giao thông vận tải Yên Bái nhiều lần có văn bản yêu cầu Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp với vai trò là chủ đầu tư xem xét giải quyết dứt điểm tồn đọng. Ngày 23/5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khi đó là bà Phạm Thị Thanh Trà (nay là Bí thư Tỉnh ủy) có Công văn số 1004 yêu cầu Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp “khẩn trương rà soát những ảnh hưởng của dự án đến các tổ chức, hộ gia đình dọc tuyến đường thi công, có phương án xử lý thoát nước đối với khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với Cty TNHH Yên Phú, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/7/2016”. Nhưng phải đến tháng 12/2016, Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp mới tiến hành giao cho nhà thầu thi công thêm gói thầu số 8 trị giá hơn 100 triệu đồng để đào thêm 1 rãnh thoát nước nữa chạy dọc trước cửa Cty TNHH Yên Phú và đặt cống tròn đường kính D50. Tuy nhiên, hạng mục này chỉ thêm tốn công, hao của vì sau khi được thi công không có hiệu quả, nước mưa vẫn tràn vào xưởng gây ngập như lúc chưa làm.
Bức xúc, bất lực nhìn tài sản bị hư hại, Cty TNHH Yên Phú vẫn giữ nguyên hiện trạng, đành làm công văn báo cáo lên Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)... nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp. Đồng thời, ngày 5/4/2017, Cty TNHH Yên Phú nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự lên Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền trên 4,4 tỷ đồng, bị đơn là Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp.
Từ những nội dung tố cáo của Cty TNHH Yên Phú, cùng với khảo sát thực tế cho thấy toàn bộ khu vực nhà xưởng vẫn giữ nguyên hiện trạng ngập úng, hư hỏng hệ thống máy móc, thiết bị và sản phẩm, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với các cơ quan liên quan của tỉnh Yên Bái để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này.
Về phía UBND huyện Yên Bình, ông Nguyễn Văn Trọng – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện có nắm được sự việc liên quan đến Cty TNHH Yên Phú do ông Nguyễn Duy Vượng làm Giám đốc. Thời điểm năm 2016, huyện cũng đã cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra của tỉnh, xác nhận có việc nhà xưởng bị ngập úng và hư hỏng. Tuy nhiên, về nguyên nhân gây ngập nhà xưởng và mức độ thiệt hại thì huyện không có thẩm quyền xác định. Trách nhiệm của huyện chỉ dừng lại ở việc nắm bắt và báo cáo thông tin để tỉnh tiếp nhận, giải quyết.
Về phía chủ đầu tư là Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các KCN, hiện đã sáp nhập lại cùng 1 đơn vị khác thành Trung tâm Phát triển hạ tầng và Dịch vụ KCN, trực thuộc Ban Quản lý KCN tỉnh Yên Bái. Khi được hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư thực hiện dự án này, ông Nguyễn Hữu Hiền – Trưởng Ban Quản lý cho biết: “Dự án này của chủ đầu tư cũ, nhưng khi sang đây, sáp nhập vào nhau thì vai trò làm chủ đầu tư không chuyển giao lại cho đơn vị mới nữa mà chuyển về cho Ban làm nhiệm vụ của chủ đầu tư. Đồng chí Giám đốc Cty trước đây hiện đang là phó Ban, chúng tôi vẫn phân công nhiệm vụ, việc gì cần thì vẫn tiếp tục thực hiện. Vụ việc liên quan đến Cty TNHH Yên Phú, chúng tôi là bị đơn, trước là Tòa án nhân dân thành phố, sau là đến Tòa án nhân dân tỉnh, chúng tôi đã trả lời với người ta rồi. Dự án này đã hoàn thành và đã được quyết toán. Còn khi làm dự án thì bao giờ cũng sẽ có câu chuyện phía sau là các đơn vị, các nhà bị ảnh hưởng. Thế nhưng ảnh hưởng ở mức độ nào thì tòa đã xem xét rồi. Họ kiện là do nước ngập vào, nhưng kể cả nước ngập vẫn có thể chảy ra được, vẫn thoát nước bình thường được. Việc tỉnh chỉ đạo xem xét, giải quyết ảnh hưởng của dự án đối với các hộ chúng tôi cũng đã có báo cáo rồi”.
Hiện trạng nhà xưởng bị ngập cùng toàn bộ máy móc thiết bị, hàng hóa vẫn được giữ nguyên.
Cơ quan Tư pháp có làm hết trách nhiệm?
Về vụ việc khởi kiện chủ đầu tư ra tòa, ông Vượng cho biết: Hành trình đến với công đường khiến ông gặp phải nhiều tính huống, câu chuyện dở khóc, dở cười: Tòa cố tình làm khó cho nguyên đơn và kéo dài thời gian tố tụng; bị đơn thì không còn, khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do việc thi công đường gây ngập nước thì Tòa án thu tiền thẩm định, nhưng không thẩm định giá trị thiệt hại mà lại đi thẩm định con đường. Ngoài ra, ông Vượng còn tố cáo thẩm phán Đỗ Thị Thanh nhận tiền sai quy định, đang trong thời gian bị tố cáo vẫn được bổ nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân huyện Yên Bình…
Theo khoản 1, Điều 4, Luật Xây dựng 2014, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng là: “Đầu tư xây dựng công trình phải bảo đảm theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Căn cứ theo khoản 7, Điều 3, Nghị định 80/2014 của Chính phủ quy định về thoát nước và xử lý nước thải: “Các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến hệ thống thoát nước phải có phương án bảo đảm sự hoạt động bình thường, ổn định hệ thống thoát nước”.
Như vậy, việc thi công đường giao thông làm ngập nhà dân, doanh nghiệp là do thực hiện không đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật và điều kiện tự nhiên (so với cốt nền hiện hữu của nhà dân và doanh nghiệp), là vi phạm pháp luật về xây dựng và lỗi thuộc về chủ đầu tư dự án.
Trong trường hợp này, cho dù chủ đầu tư có làm đúng cốt nền theo thiết kế được duyệt, nhưng được thực hiện sau thời điểm cấp phép cho Cty TNHH Yên Phú xây dựng thì không chỉ chủ đầu tư mà cơ quan phê duyệt quy hoạch cũng cần phải liên đới trách nhiệm. Việc làm đường cao hơn cốt nền của Cty TNHH Yên Phú đã được cấp phép trước đó, gây ngập nhà xưởng mỗi khi trời mưa, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Cty TNHH Yên Phú đã nhiều năm liền làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xem xét bồi thường, nhưng các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái vẫn “nợ” câu trả lời chính thức.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thu Quân
Theo