Thứ sáu 26/04/2024 16:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xung quanh vụ “phá giếng cổ” tại đền thờ Lê Văn Hưu – Thanh Hóa: Ai chịu trách nhiệm về sự mất mát “không thể đo đếm”?

22:05 | 25/03/2022

(Xây dựng) - Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc “giếng cổ” tại đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) bị nhà thầu phá bỏ để làm mới. Đáng chú ý, việc phá bỏ “giếng cổ”, xây giếng mới, mặc dù bị dư luận phản đối, nhưng theo chủ đầu tư thì được làm theo đúng hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt?

xung quanh vu pha gieng co tai den tho le van huu thanh hoa ai chiu trach nhiem ve su mat mat khong the do dem
Chiếc giếng mới đã tạm dừng thi công, được che bạt phía ngoài.

Theo đó, thi công cải tạo giếng cổ, còn được gọi là giếng Ngọc là hạng mục thuộc giai đoạn 3 của Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lý giải về vụ việc này, chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa khẳng định, dự án này về hồ sơ, thủ tục được lập rất chặt chẽ, đúng quy trình, quy định và đã được thống nhất qua biên bản lấy ý kiến nhân dân sở tại. Cũng theo chủ đầu tư, việc thu nhỏ giếng từ đường kính 10m xuống 6m theo thiết kế là để có mặt bằng làm con đường nối giữa chùa Hương Nghiêm với đền thờ Lê Văn Hưu và tạo diện tích xây dựng nhà bia. Qua đó, tạo cảnh quan hài hòa, phù hợp, đẹp mắt hơn cho di tích.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng như người dân địa phương, việc phá bỏ giếng cổ, được cho là có tuổi đời hàng nghìn năm để thay thế bằng một giếng mới là một việc làm bỏ qua yếu tố lịch sử, tâm linh, nhất là nguyện vọng của người dân thôn 3. Phát biểu với báo chí, nhiều người dân thôn 3 đều tỏ ra bức xúc và nuối tiếc. Theo họ, giếng cổ đã bị đập bỏ, dù có bỏ ra bao nhiêu kinh phí cũng không thể nào khôi phục lại như nguyên trạng.

Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận quá trình thi công tại khu di tích vẫn đang được tiếp diễn, trừ hạng mục giếng cổ được che bạt, tạm dừng thi công. Bước vào bên trong khuôn viên khu di tích, một chiếc giếng mới đường kính khoảng 6m đã được làm gần xong, chiếc giếng này nằm lệch về một phía trong lòng “giếng cổ”. Mặc dù đã bị phá dỡ gần như hoàn toàn, nhưng vẫn có thể nhìn thấy những lớp đá nhuốm màu thời gian qua đoạn thành giếng cũ còn sót lại. Qua đó, có thể hình dung ra chiếc giếng cũ, còn được gọi là giếng Ngọc to đẹp, luôn đầy ắp nước trong xanh. Theo người dân thôn 3, chiếc giếng này đã gắn bó với bao thế hệ người dân làng Kẻ Rị, là chứng nhân của lịch sử từng chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu, giờ đã gần như biến mất, thay vào đó là một chiếc giếng nhỏ mới toanh đang xây dang dở.

Qua phản ánh của dư luận, ngày 20/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã có văn bản chỉ đạo, nội dung nêu: “Dự án Tu bổ đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (tại thôn 3, xã Thiệu Trung) giai đoạn 3 đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân, nhà nghiên cứu, người am hiểu văn hóa, lịch sử khi chính quyền cho phá bỏ giếng cổ để xây giếng mới nhỏ hơn. Cách tu bổ như trên là không tôn trọng yếu tố lịch sử, tâm linh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Về nội dung trên... giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan, kịp thời kiểm tra làm rõ nội dung, có biện pháp xử lý đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử thực hiện theo đúng quy định và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích”.

xung quanh vu pha gieng co tai den tho le van huu thanh hoa ai chiu trach nhiem ve su mat mat khong the do dem
Hiện trường chiếc giếng mới đang xây dở, đã tạm dừng thi công.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngày 23/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo gửi Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Theo đó, về nguồn gốc giếng được cho là cổ, báo cáo nêu: “Trước kia, đền thờ Lê Văn Hưu (còn gọi là chùa Ông Hưu) có quy mô lớn, cây cối um tùm, có hồ, có giếng…”. Qua đây, có thể khẳng định lý lịch di tích đền thờ Lê văn Hưu có giếng, nhưng không được gọi là giếng Ngọc.

“Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đền thờ Lê Văn Hưu, có hạng mục giếng trong đền thờ, nằm trong khu vực một (khu bất khả xâm phạm) bao gồm: Đền thờ; sân gạch (A – vị trí nhà tiền đường cũ); Nhà khách (B - nhà thờ Tổ cũ và sân); Vườn cây của xã (khu vực chùa Hương Nghiêm cũ và giếng của đền thờ). Như vậy, căn cứ vào hồ sơ khoa học đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn (nay là Thiệu Hóa), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích quốc gia năm 1999, có hạng mục giếng. Tuy nhiên, chưa có tài liệu chứng minh đây là giếng cổ nghìn năm”.

Cùng với trích dẫn tài liệu trên, Báo cáo cũng nêu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tổ chức hội nghị và kiểm tra thực tế tại đền. Nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều, chưa thống nhất về “giếng cổ”. Do đó, Sở đề nghị Cục Di sản văn hóa sớm tổ chức kiểm tra thực tế tại Di tích để có ý kiến chỉ đạo địa phương và Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa triển khai thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo đúng quy định.

Như vậy, thực tế cho thấy, trong khu di tích đền thờ Lê Văn Hưu có giếng và chiếc giếng này (nếu không phải giếng cổ) cũng đã tồn tại qua nhiều năm, gắn bó với nhiều thế hệ người dân nơi đây, do đó cần được giữ gìn nguyên trạng trong quá trình thi công, tu bổ di tích. Đáng tiếc, chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa đã “bỏ qua” khuyến cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như Cục Di sản văn hóa. Theo đó, ngày 29/12/2021, Cục Di sản văn hóa đã có Văn bản số 1104/DSVH-DT về việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 3). Trong đó, lưu ý “Điều chỉnh vị trí thiết kế giếng Ngọc để hạn chế tối đa việc dịch chuyển giếng theo lưu ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1840/BVHTTDL-DSVH, ngày 13/6/2001”. Trên cơ sở đó, ngày 30/12/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có công văn gửi UBND huyện Thiệu Hóa về việc tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 3). Tuy nhiên, bất chấp sự lưu ý của cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư vẫn không tiến hành điều chỉnh thiết kế, dẫn đến sự việc đáng tiếc, cho phá giếng trong quá trình thi công. Gây bức xúc trong dư luận nhân dân và các nhà nghiên cứu, người am hiểu lịch sử, văn hóa địa phương.

xung quanh vu pha gieng co tai den tho le van huu thanh hoa ai chiu trach nhiem ve su mat mat khong the do dem
Các hạng mục khác của di tích vẫn được thi công hoàn thiện.

Thiết nghĩ, không chỉ đối với các di tích lịch sử, văn hóa, mà ngay cả trong phạm vi mỗi cộng đồng làng, xã Việt Nam, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đã trở thành hồn cốt quê hương, gắn bó, gần gũi, thân thương với bao thế hệ người dân địa phương, nhất là với những người con xa quê. Trở lại vụ việc “giếng cổ” tại đền thờ Lê Văn Hưu, dù cho tới đây vụ việc được khắc phục, xử lý bằng cách nào, kể cả khôi phục giếng cũ tại vị trí cũ thì vẫn không thể nào trả lại hình ảnh và nguyên trạng ban đầu, những hình ảnh đã trở thành kỷ niệm êm đềm của bao thế hệ người dân làng Kẻ Rị nói riêng và xã Thiệu Trung nói chung.

Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước sự mất mát to lớn về văn hóa và tinh thần “không thể đo đếm”, cùng nguồn kinh phí không nhỏ để phục hồi “giếng cổ” (nếu phương án khôi phục được thông qua)?

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load