Thứ sáu 26/04/2024 18:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Thủ Đức cần cơ chế đặc thù để phát triển

07:35 | 21/04/2023

(Xây dựng) - Thủ Đức là thành phố được giao sứ mệnh xây dựng thành trung tâm tài chính của khu vực, trở thành đô thị thông minh. Để làm được điều này, thành phố Thủ Đức cần cơ chế đặc thù, mang tính vượt trội nhằm thu hút nhà đầu tư lớn mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Thủ Đức cần cơ chế đặc thù để phát triển

Khai thác tiềm năng phát triển

Sau khi nhập quận Thủ Đức, quận 2, 9, hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức được mở rộng, có tính liên kết vùng với Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu rất cao. Từ Quốc lộ 1, đến các tuyến đường vành đai được đẩy mạnh triển khai, tuyến metro kết nối các trường đại học, khu công nghệ cao vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng.

Đặc biệt, thành phố Thủ Đức còn có khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Thành phố Thủ Đức trở thành nơi hội tụ đầy đủ về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính để phát triển. Từ những nền tảng quan trọng, thành phố Thủ Đức hướng đến việc xây dựng đô thị tương tác cao, thành phố thông minh trong đổi mới sáng tạo.

Hiện thành phố Thủ Đức có diện tích hơn 21.000ha, với dân số 1,2 triệu người. Tuy nhiên tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của thành phố Thủ Đức không khác gì một quận, huyện, nên chưa thể đột phá. Điều này rất khó tạo lực đẩy cho một thành phố được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 GRDP và là cực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, thành phố Thủ Đức cần được trao cơ chế đặc thù vượt trội hơn, đặc biệt là cơ chế phân cấp, phân quyền để phát triển.

Với định hướng như trên, thành phố Thủ Đức đang triển khai Đề án “Đô thị thông minh và Chuyển đổi số tại thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021 – 2025”. Từ đây, Thủ Đức được kỳ vọng trở thành đô thị thông minh, là hạt nhân thúc đẩy cả vùng Đông Nam bộ phát triển kinh tế tri thức, là trung tâm đổi mới sáng tạo.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch thành phố Thủ Đức cho biết: “Thủ Đức hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để biến tiềm năng trở thành hiện thực cần quá trình nỗ lực, phấn đấu của toàn bộ hệ thống chính trị. Điều kiện tiên quyết phải có cơ chế phân cấp, phân quyền, sau đó phải có nguồn lực đầu tư lớn nhằm đảm bảo tài chính để phát triển. Việc này cần có sự chung tay của cả Thành phố Hồ Chí Minh và sự đồng thuận của Trung ương”.

Xây dựng đô thị thông minh theo cách riêng

Việc xây dựng đô thị thông minh nên theo mô hình, điều kiện mà Thủ Đức hiện có chứ không thể giống Châu Âu, hay Nhật Bản, Hàn Quốc được. Ở nước ngoài, họ xây dựng đô thị thông minh trên một đô thị hiện đại. Tức là đô thị đã có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, họ rất dễ dàng phát triển, nâng cấp lên đô thị thông minh.

Hiện nay, ở thành phố Thủ Đức hạ tầng kỹ thuật như giao thông, xã hội, môi trường… còn thiếu và yếu đang là hạn chế lớn nhất trong quá trình xây dựng mô hình đô thị thông minh. “Để xây dựng thành phố thông minh, ngoài cơ chế đặc thù thì phải cần có nguồn lực tài chính mạnh đầu tư các dự án như: các tuyến đường, các đô thị ven sông, trung tâm tài chính và cả những khu vui chơi tầm cỡ quốc tế… Có như vậy, chúng ta mới kỳ vọng Thủ Đức đóng 30% vào ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh và 7% vào ngân sách Quốc gia. Việc tập trung ưu tiên nguồn lực cho Thủ Đức là cần thiết”, ông Phùng nhấn mạnh.

Xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Thủ Đức cần cơ chế đặc thù để phát triển

Thủ Đức đang từng bước triển khai đề án đô thị thông minh và chuyển đổi số, tạo một khung tổng thể cho định hướng phát triển chung. Phần còn lại sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, chung tay cùng hưởng lợi. Trong năm 2023, thành phố Thủ Đức sẽ tập trung xây dựng mô hình tổng thể ứng dụng GIS. Đây là nền tảng công nghệ cho phép tích hợp, chia sẻ dữ liệu với kho dữ liệu dùng chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc xây dựng kho dữ liệu và chuẩn hoá dữ liệu, nhằm chuẩn hoá quá trình xử lý, cập nhật dữ liệu, phân công công việc, chia sẻ, tích hợp, vận hành hệ thống…nhằm hướng đến phát triển xã hội số toàn diện.

Chuyên gia góp ý xây dựng đô thị thông minh

Tiến sĩ Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám Đốc Chương Trình cao học IDT, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chi sẻ: “Trên thế giới, người ta dựa vào 5 tiêu chí là: Sức khỏe, an toàn, di chuyển, hoạt động, cơ hội và quản trị để xây dựng đô thị thông minh. Ở thành phố Thủ Đức, xây dựng đô thị thông minh dựa trên: Chính quyền điện tử, cư dân, môi trường, cuộc sống, kinh tế và di chuyển thông minh để phát triển đô thị bền vững. Trong đó, tiêu chí cư dân và di chuyển thông minh, sáng tạo, an toàn cần ưu tiên phát triển trước. Để đáp ứng nhu cầu di chuyển thông minh, thành phố Thủ Đức cần trở thành trung tâm trung chuyển, kết nối cho toàn bộ khu vực đô thị vùng Đông Nam bộ. Trong đó có hệ thống dự báo tình trạng ách tắc giao thông thông minh, hệ thống giao thông công cộng tự động…Còn tiêu chí cư dân thông minh, thì thành phố Thủ Đức đã kế thừa chính quyền điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh đủ chiều sâu phát triển.

Ông Huỳnh Lương Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển 2 của VNPT, đô thị thông minh là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu chính xác và đồng bộ với nhau. Về quản trị đô thị thông minh, phải theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Trong đó, việc sử dụng công nghệ là để giải quyết vấn đề của đô thị thông minh. Để dự án đô thị thông minh thành công, cần phải có dữ liệu thời gian thực và online phục vụ chỉ đạo điều hành kịp thời; sự tương tác giữa chính quyền với người dân; ứng dụng di động chỉ đạo mọi nơi, mọi lúc.

Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam: Muốn xây dựng thành phố thông minh thì phải có dữ liệu. Dữ liệu là cơ sở đầu tiên để xây dựng đô thị thông minh, không có dữ liệu thì không thể xây dựng được thành phố thông minh. Dữ liệu càng đầy đủ, data càng lớn thì càng phục vụ cho việc xây dựng xã hội số phát triển.

Lê Thuận - Thiên Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load