Thứ sáu 21/02/2025 20:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quản lý chất thải rắn theo hướng kinh tế tuần hoàn để phát triển đô thị xanh

08:34 | 20/02/2025

(Xây dựng) – Đó là đề xuất của TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh tại Việt Nam.

Quản lý chất thải rắn theo hướng kinh tế tuần hoàn để phát triển đô thị xanh
Kinh tế tuần hoàn sẽ là giải pháp quan trọng để xây dựng đô thị xanh trong phát triển đô thị. (Ảnh minh họa)

Giải pháp quan trọng để xây dựng đô thị xanh

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với các khủng hoảng lớn về môi trường, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) sẽ là giải pháp quan trọng để xây dựng đô thị xanh trong phát triển đô thị tại các quốc gia.

KTTH có trọng tâm là giảm khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu, từ đó giảm phát sinh chất thải và tác động đến môi trường. KTTH được đánh giá là phương thức để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Do đó, quản lý chất thải rắn theo hướng tuần hoàn là giải pháp quan trọng và cần thiết để phát triển đô thị xanh, bền vững.

Trên thực tế, KTTH đã được triển khai thực hiện ở nước ta từ lâu. Sau Đại hội XIII của Đảng, KTTH đã được quan tâm, đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và các Nghị quyết chuyên ngành về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; năng lượng...

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam với những quan điểm, định hướng và phân công rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện KTTH.

Về quy định pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định khái niệm về KTTH. Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020 quy định chi tiết hơn về tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH.

Như vậy, KTTH đã nhận được quan tâm và chỉ đạo khá toàn diện của Đảng, Nhà nước.

96,6% CTRSH tại đô thị được thu gom, xử lý

Báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết, các thành phố trên thế giới phát thải khoảng 70% khí nhà kính toàn cầu (năm 2022), đồng thời phát sinh khoảng 2,1 tỷ tấn chất thải rắn (CTR) vào năm 2020, dự báo tăng lên 2,7 tỷ tấn vào năm 2030 và 3,7 tỷ tấn vào năm 2050.

Tại Việt Nam, trong năm 2024, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên cả nước là khoảng 67.877 tấn/ngày. Lượng CTRSH đô thị phát sinh hàng ngày tại Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày, tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10.000 tấn/ngày, tại Đà Nẵng khoảng 1.100 tấn/ngày, tại Hải Phòng khoảng 700 - 800 tấn/ngày…

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), trong năm 2023, tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý tại đô thị trung bình khoảng 96,6%, tỷ lệ chôn lấp khoảng 64%. Về phương pháp xử lý, nước ta chủ yếu áp dụng các phương pháp chôn lấp, đốt CTRSH không kết hợp thu hồi năng lượng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng và ủ sinh học xử lý CTR hữu cơ.

Quản lý chất thải rắn theo hướng kinh tế tuần hoàn để phát triển đô thị xanh
Trong năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại đô thị trung bình khoảng 96,6%.

Trước thực trạng phát sinh CTRSH ngày càng tăng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về chủ trương, định hướng quản lý CTR như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 13/06/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 08/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Quản lý CTRSH cũng là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết hơn các yêu cầu về quản lý CTRSH.

Bộ TN&MT cũng ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tiếp tục xây dựng, ban hành 3 Thông tư, 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 1 hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến quản lý CTRSH.

Đánh giá chung về công tác quản lý CTR đô thị tại nước ta, Bộ TN&MT cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật tại nước ta ngày càng được hoàn thiện, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo hướng KTTH, thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Trong đó, hệ thống chính sách pháp luật về chất thải nhựa cũng đã được thiết lập.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được các quy hoạch quản lý CTR cấp quốc gia, vùng và quy hoạch tại các địa phương, làm căn cứ để xây dựng các cơ sở xử lý CTRSH đáp ứng yêu cầu về phân loại CTRSH trên quy mô toàn quốc.

Nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương đã bắt đầu thực hiện phân loại CTRSH ở quy mô lớn hơn. Tính đến tháng 11/2024, tổng cộng 46 địa phương đã ban hành quy định về phân loại CTRSH, hoặc lồng ghép hoạt động này trong quy định quản lý CTR.

Tuy nhiên, công tác quản lý CTR đô thị tại nước ta cũng còn một số hạn chế như hệ thống chính sách, pháp luật vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể và định hướng, lộ trình về áp dụng KTTH ở nước ta; nhiều địa phương chưa ban hành quy định chi tiết về quản lý CTRSH trên địa bàn; hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH còn thiếu và không đồng bộ; công tác quản lý CTRSH còn thiếu sự liên kết, thống nhất giữa các địa phương, vùng, miền; còn nhiều bất cập trong quản lý chất thải nhựa; còn thiếu các quy định để thúc đẩy thực hiện các cơ chế tài chính xanh; việc xã hội hóa và huy động khu vực tư nhân tham gia xử lý CTRSH còn gặp nhiều vướng mắc…

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy tài chính xanh

Để thúc đẩy quản lý CTR đô thị theo hướng KTTH, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã đề xuất 5 giải pháp trọng tâm.

Giải pháp thứ nhất là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế CTRSH, thúc đẩy KTTH. Chính phủ cần ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH; ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Quản lý chất thải rắn theo hướng kinh tế tuần hoàn để phát triển đô thị xanh
Các địa phương cần đầu tư hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, hiện đại theo hướng tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng. (Ảnh minh họa)

Bộ TN&MT cần ban hành các Thông tư hướng dẫn về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sau phân loại; quy định định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, CTRSH sau phân loại và xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh; quy định định mức kinh tế - kỹ thuật vận hành trạm trung chuyển, hoạt động xử lý CTRSH bằng các phương pháp còn lại; lưu trữ, thu gom, vận chuyển và việc áp dụng đơn giá xử lý đối với chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân sau phân loại; quy định phương án lưu trữ, thu gom, vận chuyển riêng so với các loại chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Giải pháp thứ hai là các tỉnh/thành phố cần phải chủ động xây dựng và thực hiện đề án quản lý CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thực hiện tốt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Các địa phương cần sớm xây dựng, triển khai đề án/kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn; đầu tư hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý CTRSH đồng bộ, hiện đại theo hướng tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng; thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý CTR cấp quốc gia, cấp vùng; khuyến khích liên kết, hợp tác liên tỉnh…

Giải pháp thứ ba là xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện tài chính xanh, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thu gom và tái chế CTRSH. Chính phủ cần ban hành các tiêu chí phân loại xanh để thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu xanh; cải cách thủ tục hành chính trong tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình KTTH tại doanh nghiệp; thu hút khu vực tư nhân trong đầu tư và hợp tác để cải thiện hạ tầng quản lý chất thải…

Giải pháp thứ tư là xây dựng và hoàn thiện quy định về thuế, phí và xử lý vi phạm liên quan đến chất thải nhựa. Bộ TN&MT cần nghiên cứu, xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 để bổ sung danh mục túi nilon và các sản phẩm nhựa chịu thuế, quy định mức thuế bảo vệ môi trường phù hợp, góp phần khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; hạn chế việc sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa gây tác động xấu đến môi trường; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại hàng hóa chứa vi nhựa, nano nhựa, túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần…

Giải pháp thứ năm là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý CTRSH, đặc biệt là về phân loại tại nguồn. Các địa phương cần xây dựng và tổ chức thực hiện, nhân rộng các mô hình thí điểm phân loại CTRSH. Bộ TN&MT cần xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh; hướng dẫn các mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn.

Dịch Phong – Hà Trần

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load