(Xây dựng) - Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bộ Giao thông vận tải cho biết, đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Đánh giá cho thấy, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện. Trong khi đó, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là 2 đô thị lớn, đầu tàu kinh tế và tạo sức lan toả cho cả nước; kinh tế của hai thành phố đều liên tục tăng trưởng nên nguồn lực đầu tư đồng bộ, nhanh chóng các tuyến đường sắt đô thị không còn quá khó khăn.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất cần thiết và cấp bách để giải quyết "điểm nghẽn" về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai Thành phố.
Chính sách về huy động nguồn vốn
Tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Giao thông vận tải đề 06 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gồm: (i) huy động nguồn vốn; (ii) trình tự, thù tục thực hiện đầu tư; (iii) phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng); (iv) phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; (v) chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; (vi) các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, về huy động nguồn vốn, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định:
Cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 8,61 tỷ USD) cho Thành phố Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 8,38 tỷ USD) cho Thành phố Hồ Chí Minh trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục kèm theo Nghị quyết này.
Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho các dự án mà không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện các dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và quy định của nhà tài trợ nước ngoài có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của nhà tài trợ nước ngoài, trừ trường hợp trái với Hiến pháp.
HĐND Thành phố có trách nhiệm cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách địa phương làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục kèm theo Nghị quyết này từ các nguồn sau: Ngân sách địa phương trong các kỳ trung hạn và hằng năm; Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi mà không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự thảo nêu rõ, các dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện từng dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của các dự án sang kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo.
UBND Thành phố được quyết định bố trí vốn từ ngân sách Thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm để triển khai trước một số hoạt động phục vụ cho dự án như sau: Các nhiệm vụ chi của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án; đào tạo nguồn nhân lực của cơ quan nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu; Chi trả các dịch vụ tư vấn; Thực hiện các công việc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Thực hiện công tác truyền thông và các công việc khác phục vụ chuẩn bị đầu tư dự án.
Chính sách về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư
Về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đường sắt đô thị, đự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, theo dự thảo: Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.
UBND Thành phố được tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư và điều chỉnh dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được thực hiện tương tự như dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
UBND Thành phố quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi quyết định đầu tư. Việc phân chia dự án thành phần, tiểu dự án không phải áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không làm tăng tổng mức đầu tư, UBND Thành phố được quyết định gia hạn thời gian thực hiện mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.
UBND Thành phố được quyết định các công trình đường sắt đô thị (nhà ga, nút giao, cầu, các hạng mục công trình liên quan thuộc dự án đường sắt đô thị) không phải thi tuyển phương án kiến trúc.
Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; việc lựa chọn nhà thầu EPC trên cơ sở dự án đâu tư được phê duyệt; chủ đầu tư được quyết định việc phê duyệt đối với các bước thiết kế sau thiết kế FEED…
Theo kế hoạch phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, các dự án đầu tư trước 2035 gồm: Tuyến 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, đoạn Gia Lâm - Dương Xá); tuyến 2: Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài, đoạn kéo dài đi Sóc Sơn); tuyến 2A: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai (đoạn Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác từ 6/11/2021, đoạn kéo dài đi Xuân Mai); tuyến 3: Trôi - Nhổn - Yên Sở (đoạn Nhổn - ga Hà Nội - hiện đoạn Nhổn - Cầu Giấy đã đưa vào khai thác từ 8/8/2024, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở, đoạn Nhổn - Trôi và kéo dài đi Sơn Tây); tuyến 4: Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; tuyến 5: Văn Cao - Hòa Lạc; tuyến 6: Nội Bài - Ngọc Hồi; tuyến 7: Mê Linh - Hà Đông; tuyến 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá; tuyến vệ tinh: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.
Các dự án đầu tư sau năm 2035 gồm: Tuyến 2: đoạn từ Trần Hưng Đạo - Chợ Mơ - Ngã Tư Sở - Hoàng Quốc Việt; tuyến 7: đoạn Mê Linh - Nội Bài; tuyến 1A: Ngọc Hồi - Sân bay thứ 2 phía Nam; tuyến 9: Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá; tuyến 10: Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa; tuyến 11: Vành đai 2 - trục phía Nam - Sân bay thứ 2; tuyến 12: kéo dài tuyến vệ tinh từ Xuân Mai đi Phú Xuyên.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án đường sắt đô thị được đầu tư trước năm 2035 gồm: Tuyến 1: Suối Tiên - Bến Thành - An Hạ (Bến Thành - Suối Tiên đã đưa vào khai thác từ ngày 22/12/2024, Bến Thành - An Hạ); tuyến 2: Củ Chi - Quốc lộ 22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm; tuyến 3: Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ; tuyến 4: Đông Thạnh (Hóc Môn) - Sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước; tuyến 5: Long Trường - Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền – Đề - pô Đa Phước; tuyến số 6: Vành đai trong; tuyến 7: Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - khu công nghệ cao - Vinhomes Grand Park.
Các dự án đầu tư sau năm 2035 gồm: Tuyến 8: Đa Phước - Phạm Hùng - Ngô Gia Tự - ga Sài Gòn - Công viên phần mềm Quang Trung - Hóc Môn - Bình Mỹ (Củ Chi); tuyến 9: An Hạ - Vĩnh Lộc - ga Sài Gòn - Bình Triệu; tuyến 10: Vành đai ngoài.
Ngọc Linh
Theo