(Xây dựng) - Mặc dù, gặp nhiều khó khăn khách quan trong quá trình thi công tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thế nhưng với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “thi công 3 ca, 4 kíp” các đơn vị đã hoàn thành, đảm bảo đưa dự án vào khánh thành ngày 28/4.
Công nhân “vượt nắng, thắng mưa” trên công trường, đưa tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo về đích. |
Bộ Giao thông Vận tải vừa cho biết, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ khánh thành vào ngày 28/4, tại khu vực phía Bắc hầm núi Vung (tỉnh Ninh Thuận). Dự án do liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Cổ phần Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194 (Công ty Đầu tư Xây dựng 194) thực hiện.
Dự kiến sau khi khánh thành, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ đưa vào vận hành; giúp người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Nha Trang (Khánh Hoà) chỉ còn 5 giờ.
Theo ông Trần Nam Trung - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng 194, trong quá trình triển khai thực hiện tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đơn vị thi công đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên tập thể lãnh đạo và đội ngũ công nhân viên của các đơn vị từ chủ đầu tư cho đến nhà thầu đều đã nổ lực vượt qua. Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành, đảm bảo đưa tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo vào vận hành.
Đơn cử, khi triển khai thi công dự án đúng vào thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Thời điểm này, tại hầu hết các địa phương đều tiến hành phong tỏa trên diện rộng nên đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.
Đến cuối tháng 2/2022, chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, vô tình làm giá các loại nguyên vật liệu xây dựng chính như sắt thép, xăng, dầu… biến động mạnh theo chiều hướng tăng so với giá tại thời điểm dự thầu. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch triển khai dự án của đơn vị thi công.
Bên cạnh đó, từ tháng 9/2022 đến cuối tháng 1/2023, thời tiết mưa nhiều cũng đã gây khó khăn trong quá trình vận chuyển và thi công do đường sá lầy lội. Đồng thời, trên công trường có một số sai khác về địa chất, địa hình so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế. Do đó, phải bổ sung thiết kế nút giao ĐT.709, trạm thu phí… Tất cả các yếu tố khách quan nói trên đã ảnh hưởng lớn đến thời gian thi công dự án.
Đơn vị thi công phải thay thế phương pháp lao dầm để rút ngắn thời gian thi công cho những cây cầu cấp I trên tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo. |
Trước những khó khăn phải đối mặt, tập thể lãnh đạo và đội ngũ công nhân viên của Công ty Đầu tư Xây dựng 194 đã nổ lực vượt qua. Cụ thể, đội ngũ kỹ sư, công nhân đã sử dụng biện pháp lao dầm bằng phương pháp dùng cần cẩu 300 - 400 tấn thay cho phương pháp lao dọc cho cây cầu cấp I của dự án, giúp rút ngắn thời gian thi công một cách đáng kể. Ông Trần Lệnh Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Xây dựng 194 cũng kịp thời đầu tư vào dự án hệ thống trạm trộn bê tông nhựa nóng 120 tấn (hơn 1 triệu USD) để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ngoài ra, Công ty Đầu tư Xây dựng 194 đã đồng loạt tổ chức 40 mũi thi công với trên 600 kỹ sư, công nhân; huy động tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị “thi công 3 ca, 4 kíp” với hàng nghìn kỹ sư, công nhân và hàng trăm máy móc, phương tiện làm việc ngày đêm, xuyên lễ.
“Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, kỹ sư, công nhân viên của Công ty Đầu tư Xây dựng 194 đã vượt mọi khó khăn, điều kiện khắc nghiệt của thời tiết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đó là "vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiến cường, làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ" để sớm đưa công trình vào sử dụng, góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội”, ông Trần Nam Trung chia sẻ.
Trước đó, đoàn công tác của Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa đi kiểm tra tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác.
Tại buổi kết luận nghiệm thu, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định độc lập, cơ quan thường trực hội đồng... đều đồng ý với báo cáo của chủ đầu tư, đề nghị Hội đồng nghiệm thu chấp thuận, đưa dự án vào khai thác vận hành. Về phía địa phương, đại diện 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận cũng khẳng định dự án đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng.
Được biết, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ái Nhi
Theo