(Xây dựng) - Sau khi thu hồi đất của các hộ dân, chủ đầu tư dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk – Ealê, là UBND huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, chỉ tiến hành xây dựng một số hạng mục (trong 15 hạng mục) được phê duyệt. Số diện tích còn lại chủ đầu tư đem phân lô bán nền với giá cao ngất ngưởng khiến người dân bức xúc.
Dãy những thửa “đất vàng” mặt tiền Tỉnh lộ 1, nằm tại trung tâm xã Ea Rốk (bên phải) được UBND huyện Ea Súp phân lô bán đấu giá từ năm 2001, có giá từ 20 – 43 triệu đồng, nhưng hiện nay có lô đã lên đến con số vài tỷ đồng. |
Thêm nhiều tình tiết bất thường
Đứng trong đơn tố cáo những sai phạm của UBND huyện Ea Súp (chủ đầu tư dự án xây dựng cụm trung tâm xã Ea Rốk - Ealê) ông Đinh Xuân Tửu (sinh năm 1946, thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) cho rằng, UBND huyện Ea Súp không chỉ gian dối trong việc thực hiện chi trả thiếu diện tích đất, số tiền theo đơn giá của UBND tỉnh mà còn ngang nhiên phân lô bán đấu giá, đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng so với giá đền bù rồi bán lại cho người dân.
Theo ông Tửu, diện tích đất ông bị thu hồi thực hiện dự án khu trung tâm xã Ea Rốk - Ealê là 7.405m2. Tuy nhiên, khi thực hiện đền bù UBND huyện Ea Súp chỉ đền 5.860m2 với giá 1m2 chỉ 150 đồng. (gần 6.000m2 đất được đền bù chênh lệch gần 900.000 đồng - PV). Điều đáng nói, khi thu hồi đất của dân UBND huyện phân lô đấu giá vào năm 2001, với giá cao ngất ngưởng.
Cụ thể: Ông Tửu được mua lại lô đất đấu giá từ chủ đầu tư (năm 2001) với diện tích vỏn vẹn 204m2, nhưng với giá gần 4.3 triệu đồng. Trong danh sách các hộ trúng đấu giá do ông Lê Văn Khâm (Chủ tịch UBND xã Ea Rốk) ký có gần 30 hộ trúng thầu. Với mỗi lô đất diện tích từ 200m2 - 380m2, có giá dao động từ 4 triệu – 43 triệu đồng/1 lô. Điển hình, lô của ông Đinh Minh Thắng, diện tích 244m2 với giá trúng thầu lên đến 40 triệu đồng; Ông Thiều Quang Lâm, diện tích 250m2, giá trúng thầu 42 triệu đồng. Cao nhất trong danh sách đấu giá là của bà Hồ Thị Châu, diện tích 248m2 với giá 43 triệu đồng.
Thửa đất 227b của ông Đinh Xuân Tửu, nằm ngay ngã tư trung tâm, hiện giá trị 1m ngang lên đến 300-400 triệu đồng. |
Cũng theo ông Đinh Xuân Tửu, trong khi thực hiện dự án UBND huyện Ea Súp không có quyết định thu hồi thửa đất 227b của gia đình ông, nhưng 11 năm sau (từ năm 2000 – 2011) mới tự ý đính chính, sau đó cấp tái định cư cho những hộ dân khác. Cụ thể: ngày 19/7/2010, UBND huyện Ea Súp đã ra Quyết định số 958, về việc giao 188m2 đất tái định cư cho ông Võ Thanh Điệp (thôn 7, xã Ea Rốk) trên thửa đất 227b của ông. “Huyện Ea Súp làm việc rất buồn cười, bởi họ tự làm sai, rồi 11 năm sau tự sửa lại cho đúng. 10 năm sau (kể từ khi hoàn thành xây dựng khu trung tâm cụm xã Ea Rốk - Ealê - PV) mới cấp tái định cư, giao đất cho hộ ông Điệp có đúng pháp luật? Gia đình tôi bị thu hồi đất, nhưng không được bố trí lại đất sản xuất, không được bố trí tái định cư dù đã gần 20 năm mòn mỏi đơn thư đi đòi quyền lợi. Còn những hộ dân kia do có quan hệ, nên “chễm chệ” vẫn được cấp đất, vẫn được sở hữu những lô đất vàng” - Ông Tửu thở dài.
Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trong 15 hạng mục được phê duyệt theo Quyết định 1750 của UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay chủ đầu tư chỉ mới thực hiện 10 hạng mục (gồm: Chợ thương mại; Trạm xá; Nhà trẻ mẫu giáo; Bưu điện (vốn ngành dọc); Khuyến Nông; Trường cấp 1+2; Giao thông; Cấp điện; Trụ sở UBND xã; San ủi mặt bằng các công trình). Số hạng mục còn lại bao gồm: Đài phát thanh; Bến xe khu vực; Nước sạch; Cơ sở chế biến; Cửa hàng bách hóa, vẫn chưa được triển khai.
Thêm người dân tố cáo
Không chỉ trường hợp ông Tửu, mà còn rất nhiều hộ dân nằm trong diện giải tỏa đền bù thực hiện dự án cụm trung tâm xã Ea Rốk – Ealê, gửi đơn tố cáo, khiếu nại đến các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk để đòi quyền lợi chính đáng vì những việc làm sai trái của chủ đầu tư.
Cụ thể, đứng trong đơn hộ ông Đinh Xuân Báo cho biết, trong Quyết định số 05/QĐ-UB (ngày 6/1/2000) của UBND huyện Ea Súp, đã ra quyết định thu hồi đất của ông với các thửa: 56a, 185, 227a, 229a, 230a, 231a, 236a, 245a với tổng diện tích 8.565m2 (trong đó có 400m2 đất ở, 8.165m2 đất nông nghiệp).
Điều đáng nói trong Quyết định 518/2000/QĐ-UB (ngày 29/3/2000) của UBND tỉnh Đắk Lắk về kinh phí đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình thuộc dự án đã quá rõ ràng. Với 8 thửa đất bị thu hồi trên gia đình ông Báo được đền bù thiệt hại gần 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi triển khai chi trả UBND huyện Ea Súp, lại đưa ra một danh sách đền bù khác với diện tích không đủ như quyết định và thống kê thu hồi đất. Cụ thể: Diện tích đền bù theo danh sách mới 5.985m2 đất nông nghiệp, với số tiền nhận được gần 898 ngàn đồng. “Gia đình tôi còn hơn 2.000m2 đất chưa đền bù nhưng không được giải quyết, thậm chí thửa đất gần 250m2 được cấp tái định cư và diện tích cấp đất nông nghiệp tại khu Tháp Chàm (thôn 5, xã Ea Rốk) của tôi đến nay vẫn chưa được cấp quyền chứng nhận sử dụng đất theo quy định, dù đã có quyết định của UBND tỉnh trước đó. UBND huyện Ea Súp làm bìa phân lô bán nền thì nhanh chóng chỉ trong vòng “1 nốt nhạc” nhưng đất cấp tái định cư, đất sản xuất nông nghiệp cho tôi thì đã 23 năm trôi qua vẫn chưa làm nổi…” - ông Báo ngao ngán thở dài.
Không chỉ đất mặt tiền Tỉnh lộ 1 được chủ đầu tư thu hồi của dân đem phân lô bán nền, mà những trục đường xương cá, vùng ven dự án vẫn được bán công khai. |
Với những đơn thư khiếu nại của ông Đinh Xuân Báo, ngày 28/01/2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 323/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại. Trong quyết định nêu rõ yêu cầu UBND huyện Ea Súp giao 8.165m2 đất nông nghiệp tại Tháp Chàm (thôn 5, xã Ea Rốk), đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Đinh Xuân Báo. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được bất kỳ chứng nhận nào liên quan đến thửa đất. Liên quan đến những sai phạm về khiếu nại của ông Báo, trong quyết định nêu rõ “Tổ chức kiểm điểm ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch Hội đồng đền bù giải tỏa dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk và ông Lê Văn Khâm, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk đã có khuyết điểm như kết luận trên để có biện pháp xử lý” - trích Quyết định 323.
Theo ông Đinh Xuân Báo, nguyên nhân dẫn đến việc đền bù thiếu diện tích đất và tiền là do người dân “cả tin” vào những người thực hiện công tác đền bù. Những cán bộ này cố tình lươn lẹo, lừa người dân sập bẫy. “Khi có phương án đền bù, thì ông Y Sáo, cùng UBND xã Ea Rốk mời 75 hộ dân nằm trong diện đền bù về hội trường UBND xã để thông báo nội dung đền bù. Ông Y Sáo nói người dân phải ký vào danh sách đền bù trước để ngân hàng làm chứng từ giải ngân. Nhưng khoảng 1 tuần sau khi nhận tiền họ lại đưa cho chúng tôi một danh sách khác chưa hề ký nhận. Trong danh sách này số diện tích đất, đơn giá đền bù, số tiền đền bù đều bị thiếu hụt. Khi chúng tôi thắc mắc về vấn đề nêu trên và quyết không nhận đền bù thì những người chi trả tiền trấn an rằng đây chỉ mới chi trả lần 1 do thiếu tiền, đợt sau sẽ trả tiếp. Đã 23 năm trôi qua, lời hứa trả tiếp của những người thực thi công vụ đó vẫn là nỗi ảm ảnh trong mỗi người dân chúng tôi” - Ông Báo cay đắng.
Cũng theo ông Báo, không chỉ bản thân ông mà còn rất nhiều hộ dân nằm trong diện đền bù bị “ăn chặn tiền” rất bức xúc, nhưng không biết phải làm sao. Bởi ông Báo là minh chứng. Cụ thể, khi ông Đinh Xuân Báo và ông Đinh Xuân Tửu cùng làm đơn khiếu nại, tố cáo về nội dung trên thì đều được UBND tỉnh, huyện phúc đáp rằng trong danh sách (theo Quyết định 518/2000/QĐ-UB (ngày 29/3/2000) của UBND tỉnh Đắk Lắk -PV) các hộ dân đã nhận đủ số tiền theo quy định nên không giải quyết và việc làm “lươn lẹo” của những người trong Hội đồng đền bù vẫn đúng theo quy định của pháp luật?
Ngọc Giang
Theo