(Xây dựng) - Dự án xây dựng trung tâm cụm xã Ea Rốk – Ealê huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được UBND tỉnh này phê duyệt từ năm 1999. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chủ đầu tư dự án là UBND huyện Ea Súp, dính nhiều sai phạm nghiêm trọng khiến người dân khiếu nại, tố cáo gần 20 năm nay...
Ông Đinh Xuân Tửu (thứ 2 bên trái) cung cấp thông tin, tài liệu về những sai phạm của UBND huyện Ea Súp, cho các phóng viên, nhà báo |
Những hạng mục của dự án
Trong Quyết định số 1750 /QĐ-UB (ngày 21/07/1999) về việc phê duyệt dự án cụm Trung tâm xã Ea Súp – Ealê (thuộc huyện Ea Súp) nêu rõ, 15 hạng mục được triển khai trong dự án gồm: Chợ thương mại; Trạm xã; Nhà trẻ mẫu giáo; Khuyến nông; Bến xe khu vực; Cửa hàng bách hóa; Bưu điện (vốn ngành dọc); Phát thanh; Trường cấp 1+2 (bán trú); Giao thông (đường cấp phối); Trạm biến áp; Nước sạch; Cơ sở chế biến; Trụ sở UBND xã; San ủi mặt bằng.
Những hạng mục trên được xây mới hoàn toàn, UBND tỉnh Đắk Lắk, giao cho UBND huyện Ea Súp làm chủ đầu tư với tổng mức 3,9 tỷ đồng (trong hơn 3,4 tỷ tiền ngân sách, số còn lại liên doanh liên kết, huy động sức dân) thời hạn thực hiện dự án trong 3 năm (1999-2001).
Mục tiêu của dự án là thực hiện chương trình đầu tư cụm xã miền núi cao theo Quyết định 35/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm tạo ra hệ thống đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; Quản lý mọi hoạt động xã hội, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc xây dựng vùng nông thôn mới.
Dân “tố” huyện Ea Súp dính nhiều sai phạm nghiêm trọng
Dự án xây dựng trung tâm cụm xã Ea Rốk – Ealê, được thực hiện là bước ngoặt đánh dấu cho sự phát triển mới, tạo được sự phấn khởi đồng thuận của toàn dân địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai dự án chủ đầu tư là UBND huyện Ea Súp đã dính nhiều sai phạm, khiến người dân bức xúc, đẫn đến việc khiếu nại, tố cáo hàng chục năm qua nhưng chưa có cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra xử lý dứt điểm.
Đứng trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng và Báo điện tử Xây dựng, ông Đinh Xuân Tửu (sinh năm 1946, thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của UBND huyện Ea Súp, liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng của gia đình ông và hơn 70 hộ dân trên địa bàn xã.
Cụ thể, theo Quyết định 1750 của tỉnh Đắk Lắk, số đất thu hồi thực hiện dự án là 25ha. Tuy nhiên, khi triển khai Dự án UBND huyện Ea Súp đã tự ý thu thêm 7ha nằm xung quanh vành đai dự án đất thu hồi, nâng tổng diện tích thu hồi lên 32ha. Ngoài việc thực hiện một số hạng mục trong dự án thì chủ đầu tư đã tự “vẽ” dự án phân trên 300 lô đất để bán nền gây bức xúc cho người dân địa phương.
Thửa đất 227b, không nằm trong quyết định thu hồi số 05 (năm 2000) nhưng đến 11 năm sau UBND huyện Ea Súp, tự ý điều chỉnh thu hồi, cấp cho 3 hộ dân khác trên đất của ông Đinh Xuân Tửu gây bức xúc |
Không chỉ thực hiện thu hồi thêm 7ha đất ngoài dự án, việc đền bù cho 75 hộ dân cũng vướng nhiều bất cập, cụ thể: Sau khi có Quyết định 518 của UBND tỉnh phê duyệt phương án đền bù. UBND huyện Ea Súp đã thực hiện việc chi trả cho 75 hộ dân có trong danh sách. Tuy nhiên, điều đáng nói là số tiền chi trả cho người dân theo danh sách mới không đủ như quyết định nêu trên. “75 hộ dân chúng tôi bị lừa, bởi sau khi có quyết định đền bù của UBND tỉnh thì ông Y Sáo - Phó Ban dự án huyện Ea Súp (nay là Phó Bí thư huyện Ủy Ea Súp -PV) cùng UBND xã Ea Rốk mời 75 hộ về hội trường UBND xã phổ biến nội dung đền bù. Ông Y Sáo nói tiền đền bù đã có nhưng Ngân hàng huyện Ea Súp không cho rút, đề nghị người dân phải ký xác nhận vào danh sách để Ngân hàng làm chứng từ mới cho rút. Khoảng một tuần sau đó chúng tôi nhận tiền thì mới tá hỏa, số tiền nhận đền bù không đủ, số diện tích đất trong danh sách đền bù “mới” cũng thiếu so với danh sách ông Y Sáo đưa trước đó. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại đền bù thiếu, họ chỉ nói là mới đền đợt một, đợt sau sẽ đền bù thêm. Nhưng chờ cả hơn 20 năm nay, số tiền đền bù còn lại của hơn 70 hộ dân vẫn bặt vô âm tín. Thậm chí chúng tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi “ăn chặn” tiền đền bù và nhiều nội dung tố cáo khác đến các cơ quan chức năng liên quan vẫn không xử lý…”, ông Đinh Xuân Tửu bức xúc.
Cũng theo ông Tửu, trong Quyết định 05/QĐ UBND huyện Ea Súp (ngày 06/01/2000) thu hồi 4 thửa đất của ông (gồm: thửa 196;182;190 tờ bản đồ số 9 và thửa 121a). Tuy nhiên, những thửa này đều nằm ngoài vành đai (nằm ngoài bản đồ quy hoạch 25ha theo Quyết định 1750 của UBND tỉnh - PV) nhưng vẫn bị thu hồi trái pháp luật.
Điều đáng nói thửa đất 227b của ông là đất gia đình tự khoai hoang, được cấp sổ đỏ năm 1998, sử dụng ổn định không có tranh chấp, không nằm trong Quyết định thu hồi số 05. Tuy nhiên, đến 11 năm sau (từ năm 2000 đến năm 2011) UBND huyện Ea Súp tự ý đính chính và ngang nhiên lấy thửa đất 227b của ông để cấp tái định cư cho các hộ dân khác gây bức xúc dư luận.
Hàng loạt lô đất “vàng” nằm ở trung tâm xã Ea Rốk, mặt tiền đường Tỉnh lộ 1, được UBND huyện Ea Súp phân lô bán nền trên diện tích đất thu hồi của người dân gây bức xúc cho dư luận. |
“Việc làm của huyện Ea Súp có dấu hiệu tham nhũng bởi không chỉ đền bù thiếu cho hơn 70 hộ dân mà bản thân tôi là minh chứng cụ thể: Theo danh sách quyết định đền bù, tổng diện tích bị thu hồi 7.405 m2 x 180 đ/m2 = 1.320.00đ, nhưng thực tế chỉ được nhận 5.860m2 x 150đ/m2 = 897.00đ. Số tiền chênh lệch đền bù so với quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk là 432.00đ. Số đất còn thiếu chưa đền bù 1.545 m2. Bản thân gia đình tôi bị thu hồi hơn 4ha đất (cả đất canh tác, lẫn đất ở nông thôn – PV) nhưng lại không được bố trí tái định cư. Tôi có tới 7 người con, đã lập gia đình nhưng giờ không có một miếng đất nào để cho con làm nhà ở. Cách làm của UBND huyện Ea Súp thật vô lý, vi phạm pháp luật nhưng tôi thật sự bất lực, hàng tá xấp đơn trong gần 20 năm đi đòi công lý của tôi vẫn là con số không tròn trĩnh…”, ông Đinh Xuân Tửu thở dài.
Điều nghiêm trọng hơn là những hệ lụy sau đó, khi UBND huyện Ea Súp tự ý đính chính, thu hồi trái pháp luật thửa đất 227b của gia đình ông Đinh Xuân Tửu, sau đó cấp tái định cư cho 3 hộ dân khác. Đáng nói hơn, sau khi nhận “đặc ân” của UBND huyện Ea Súp, 2/3 hộ dân này ngang nhiên làm đơn kiện ngược, tố cáo ông Đinh Xuân Tửu, chiếm dụng đất trái phép của những hộ này, gây phẫn nộ trong nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp, đôi mắt của người đảng viên (55 tuổi Đảng -PV) ở cái tuổi “gần đất, xa trời” vẫn ánh lên niềm hy vọng, bởi cuộc đời ông đã trải qua bao nhiêu sóng gió cả trên chiến trường, lẫn cuộc sống đời thường khó khăn. Ông vẫn mong các cấp lãnh đạo nhìn thấy được những sai phạm của các cá nhân, tập thể liên quan để đưa ra ánh sáng, nhằm đem lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hơn 70 hộ dân và gia đình ông. Gần 80 tuổi nhưng ông Tửu vẫn anh minh, nhanh nhẹn bởi người đảng viên ấy vẫn đang phải gánh trên vai nhiệm vụ đi tìm công lý: “Tôi không phải tìm quyền lợi riêng cho bản thân, gia đình mình, mà cho 70 hộ dân. Hơn thế nữa những gì tôi đang làm là tìm lại danh dự cho một người đảng viên, một người luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước”.
Ngọc Giang
Theo