Thứ sáu 03/05/2024 22:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Phúc: Phúc Yên phát huy lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử văn hóa

21:26 | 21/04/2024

(Xây dựng) - Với lợi thế nhiều tiềm năng thế mạnh về điều kiện tự nhiên, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, thành phố Phúc Yên tập trung khai thác các thế mạnh, đa dạng hóa các loại hình du lịch, tập trung nghiên cứu, cơ cấu lại ngành đảm bảo tính chuyên nghiệp... từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vĩnh Phúc: Phúc Yên phát huy lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử văn hóa
Flamingo Đại Lải - Điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng khi đến với Phúc Yên.

Tăng cường quảng bá, phát triển du lịch

Thành phố Phúc Yên được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tự nhiên với những đồi, núi, hồ nước, thung lũng tươi đẹp. Tận dụng lợi thế, cùng cơ chế "mở", nhiều doanh nghiệp đã khai thác, đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, sinh thái, giải trí, tâm linh…

Đặc biệt, những năm gần đây, các cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp như: Flamingo Đại Lải Resort, Paradise Đại Lải Resort, Đảo Ngọc, sân golf Đại Lải đã thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế.

Riêng Flamingo Đại Lải Resort đã trở thành Top 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh với nhiều giải thưởng quốc tế về kiến trúc, bất động sản… với các dịch vụ đẳng cấp đi kèm như: Nghỉ dưỡng, du lịch hồ, sinh thái, ẩm thực, hội nghị, hội thảo; khu Đảo Ngọc cũng hấp dẫn du khách về du lịch tâm linh, trải nghiệm.

Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nguồn lực gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm công đức hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo vừa thu hút lượng lớn khách du lịch tham quan vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Trên địa bàn thành phố Phúc Yên hiện có 34 di tích lịch sử văn hóa (6 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 28 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh). Năm 2018, loại hình nghệ thuật hát Soọng cô của người dân tộc Sán Dìu, xã Ngọc Thanh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những năm qua, Phúc Yên quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng trên địa bàn thành phố, mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Thành phố đã đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ giao thông kết nối giữa các địa điểm du lịch; Khu du lịch Đại Lải tiếp tục được đầu tư trở thành công trình trọng điểm kết hợp bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với phát triển du lịch tâm linh, hằng năm thu hút hàng nghìn lượt khách về tham quan vãn cảnh.

Đầu tư xây dựng, hoàn thiện các khu du lịch trọng điểm

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Phúc Yên có 19 doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, 1.170 hộ kinh doanh lưu trú và ăn uống; số lượng phòng lưu trú là 1.000 phòng. Lượng khách du lịch giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 02/2023 tăng từ 215 - 240 nghìn người/năm. Dự báo giai đoạn 2025-2030, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt 1,5-2,5 triệu người; số lượng phòng lưu trú tăng thêm khoảng 500 phòng.

Trong đó, nổi bật nhất là Flamingo Đại Lải Resort có hệ thống nhà hàng, dịch vụ và nhiều địa điểm vui chơi giải trí đa dạng với nhiều câu lạc bộ (CLB) nhằm đáp ứng mọi nhu cầu thư giãn, giải trí và thể thao của du khách gồm: Flamingo Club, CLB Golf & Thể thao, CLB Du thuyền, CLB Văn hóa nghệ thuật, CLB Giải trí, CLB Chăm sóc sức khỏe...

Để thực hiện hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, đồng thời đóng góp quan trọng vào mục tiêu “Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững”, tại Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, thu hút 150.000 lượt khách quốc tế, 15,6 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 479 triệu đô la, giải quyết việc làm hơn 25 nghìn lao động.

Đồng thời, định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch bao gồm các vành đai phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc; các trung tâm du lịch như: Thành phố Vĩnh Yên, Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên và Khu du lịch Đại Lải.

Vĩnh Phúc: Phúc Yên phát huy lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử văn hóa
Khu công viên và bãi đỗ xe khu công viên cây xanh 3C được thi công hoàn thành tại điều kiện cho du khách đến với Đại Lải.

Thời gian qua, Phúc Yên đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp Khu du lịch hồ Đại Lải với đường dạo ven hồ chiều dài 1,1km; hoàn thành dự án công viên cây xanh Khu du lịch Đại Lải; đồng thời, tiến hành sửa chữa nhà Ban quản lý Khu du lịch Đại Lải; hoàn thành dự án đường đi thung lũng Thanh Xuân với chiều dài trên 1,7km… tạo bộ mặt mới cho du lịch địa phương.

Tại dự án chỉnh trang Khu du lịch Đại Lải là dự án nhóm C, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV, với tổng mức đầu tư gần 31,5 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Quy mô đầu tư dự án bao gồm khu công viên cây xanh 3C và bãi đỗ xe khu công viên cây xanh 3C, tổng diện tích thực hiện gần 2.100m2. Trong đó, thực hiện phá dỡ toàn bộ công trình hiện trạng, san nền, kè tường, trồng cây xanh, lát đá và đầu tư đồng bộ hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, nhà vệ sinh.

Hiện nay, toàn bộ các hạng mục khu công viên cây xanh 3C và bãi đỗ xe khu công viên cây xanh 3C đã hoàn thành 100% tổng giá trị khối lượng công trình, đang tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng phục vụ dịp du lịch hè năm 2024.

Đối với khu công viên cây xanh bán đảo ngã 3 Đường tỉnh 310 và Đường tỉnh 301, hiện nay nhà thầu chưa thể tiến hành thi công do vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay có một số tổ chức, cá nhân được giao thuê, sử dụng đất tại khu vực này để kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, hầu hết chưa đồng thuận giải phóng mặt bằng.

Thành phố Phúc Yên đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã Ngọc Thanh phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc xác định rõ nguồn gốc đất đai để xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Tuy nhiên, hiện nay, du lịch Phúc Yên chưa có những sản phẩm du lịch chất lượng, các sản phẩm chưa tạo được sự đa dạng cho du khách. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trên địa bàn thành phố vẫn chỉ có sản phẩm là những danh lam thắng cảnh, di tích sẵn có để mời chào du khách, doanh nghiệp. Một số loại hình du lịch như: Du lịch mạo hiểm, du lịch đồng quê chưa tạo được nét độc đáo, hấp dẫn…, do đó, số ngày lưu trú của du khách thường ngắn (bình quân chỉ 1-2 ngày).

Đặc biệt, việc không có sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền, quà lưu niệm riêng biệt không chỉ mất đi nguồn thu, mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố đến với du khách trong và ngoài nước.

Để phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn Phúc Yên tương xứng với tiềm năng sẵn có, thành phố xây dựng chương trình quảng bá phát triển du lịch, dịch vụ nhằm quảng bá về văn hóa, con người, sức sống, tiềm năng, tầm nhìn về sự phát triển, cơ hội mới của thành phố thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là ở các nước châu Á và các nước trong khối ASEAN.

Xây dựng đề án phát triển du lịch, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông thu hút các nhà đầu tư; tăng các tuyến phục vụ du lịch từ Đại Lải kết nối với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Hoàn thiện quy hoạch chi tiết Khu du lịch Đại Lải để thuận lợi cho việc quản lý và tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển Khu du lịch Đại Lải thành vùng dịch vụ, du lịch trọng điểm của thành phố nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Qua đó, đưa ngành dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chương trình hành động số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load