(Xây dựng) - Với quan điểm phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Cầu Vĩnh Phú hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực. |
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt năm 2010, điều chỉnh, bổ sung năm 2020, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ (QL) chạy qua tỉnh; đường nội tỉnh và các tuyến đường vành đai.
Cụ thể, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến QL2, tuyến tránh QL2B, QL2C tổng chiều dài gần 160km; 17 tuyến đường nội tỉnh tổng chiều dài hơn 370km; 5 tuyến đường vành đai tổng chiều dài hơn 255km.
Tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải và các quy hoạch khác để kịp thời xem xét, điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành khác.
Lập danh mục các dự án kết cấu hạ tầng giao thông cần đầu tư trong ngắn hạn cũng như chiến lược đầu tư lâu dài, sắp xếp thứ tự ưu tiên để chuẩn bị các quy trình đầu tư; báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi cân đối được nguồn vốn. Xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công cấp tỉnh cho lĩnh vực giao thông vận tải; đôn đốc tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án, công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược.
Sắp xếp, cân đối các nguồn vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác để chuyển sang đầu tư công nhằm có nguồn lực dành cho các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.
Rà soát, đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm và đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; ưu tiên thực hiện trước các dự án, công trình trọng điểm, công trình quan trọng, công trình thuộc hạ tầng khung đô thị.
Tăng cường hơn nữa công tác lập và trình thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình, nhất là việc điều tra, khảo sát về điều kiện địa hình, địa chất, kinh tế-xã hội khu vực lập dự án; từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hồ sơ, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công-dự toán.
Quan tâm, chú trọng chất lượng trong công tác lập, tổ chức lựa chọn nhà thầu; rà soát, đánh giá kết quả quản lý, thực hiện các dự án được giao; thực hiện nghiêm công tác đấu thầu bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng công trình xây dựng trong quá trình tổ chức thi công và sau khi đưa vào khai thác sử dụng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng để đảm bảo các công trình phát huy hiệu quả sau đầu tư…
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc dự kiến bố trí cân đối ngân sách cấp tỉnh cho đầu tư công lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ gần 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương giao hơn 10 nghìn tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đầu tư công địa phương giao bổ sung.
Tính đến nay, tổng vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông do cấp tỉnh quản lý đạt gần 4.200 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương giao gần 3.800 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư công địa phương giao bổ sung.
Năm 2021 đã giao hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 99% tổng nguồn vốn giao; năm 2022 giao hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 98%; năm 2023 giao hơn 1.600 tỷ đồng, dự kiến sẽ giải ngân 100% nguồn vốn.
Nhờ nguồn vốn trên, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, trọng điểm đã và đang được triển khai, đầu tư với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh, thành phố khác.
Trong đó, có thể kể đến đường vành đai 3 đoạn Hương Canh - Yên Lạc; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3; cầu Vĩnh Phú; đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang. Mở rộng cầu Bến Gạo qua sông Phó Đáy trên ĐT.305; xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Bắc)…
Sau hơn 1 năm triển khai thi công, dự án xây dựng cầu Vĩnh Phú với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng đã hoàn thiện và đang thực hiện công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Dự án cầu Vĩnh Phú nối 2 bờ sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã thi công xong, đang thực hiện các công tác nghiệm thu, đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả công trình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Công trình sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 8/2023.
Đến nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, 5 tuyến đường vành đai đã và đang đầu tư đạt gần 75% tổng chiều dài theo quy hoạch; 17 tuyến đường tỉnh đã đầu tư nâng cấp lên chuẩn đường cấp III đồng bằng trên 55% tổng chiều dài, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt gần 80% tổng chiều dài theo quy hoạch…
Văn Nhất
Theo