Thứ ba 07/05/2024 00:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Long: Gốm đỏ tài nguyên quý giá để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

19:56 | 11/02/2024

(Xây dựng) – Từ lâu, Vĩnh Long được mệnh danh là “vương quốc” gạch, ngói, gốm đỏ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thời hưng thịnh, Vĩnh Long có hàng nghìn lò gạch, ngói, gốm, thu hút hàng chục nghìn lao động. Cả trăm năm nay, làng nghề gạch, gốm đất sét Vĩnh Long là nguồn vật liệu xây dựng chính cho các công trình và nhà ở khắp ĐBSCL. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đang triển khai xây dựng làng nghề truyền thống gốm đỏ thành sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Vĩnh Long: Gốm đỏ tài nguyên quý giá để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Di sản làng nghề gạch, gốm Mang Thít.

Mang Thít - Đại bản doanh làng nghề truyền thống gốm đỏ 100 năm

Nghề sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, ở khu vực Nam sông Cổ Chiên. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch ngói, tại thời điểm đó có khoảng 600-800 người. Những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.284 miệng lò. Còn nghề gốm mỹ nghệ ra đời từ năm 1983 và phát triển mạnh hưng thịnh từ năm 1997. Gốm mỹ nghệ Vĩnh Long có hàng nghìn mẫu mã khác nhau đã có mặt nhiều châu lục và nhiều nước trên thế giới như: Châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… với sản lượng sản xuất gần 50 triệu sản phẩm/năm, trở thành thương hiệu nổi tiếng “Gốm đỏ Vĩnh Long”. Giá trị sản lượng của ngành nghề sản xuất gạch, gốm chiếm 37,19% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn và chiếm 56,88% giá trị sản lượng nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh Vĩnh Long.

Huyện Mang Thít được xem là đại bản doanh nghề gạch, gốm của tỉnh Vĩnh Long. Toàn tỉnh Vĩnh Long có 07 làng nghề truyền thống gạch, gốm, trong đó huyện Mang Thít chiếm đến 06 làng nghề truyền thống gạch, gốm. Thời vàng son, toàn huyện Mang Thít có 1.057 cơ sở sản xuất gạch, với 2.064 lò, thu hút 11.200 lao động…

Hiện nay, tuy đã qua thời vàng son của nghề gạch, gốm Vĩnh Long nhưng “di sản” làng nghề vẫn còn đó. Dù thời gian đi qua, các lò gạch, gốm đã rêu phong phủ màu thời gian nhưng còn đó những ấn tượng độc đáo. Để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống gạch, gốm, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định 2001/QĐ-UBND thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án di sản đương đại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Theo Quyết định này, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.600ha thuộc 04 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000ha thuộc 02 xã: An Phước và Chánh An làm cơ sở xác định phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án.

Vĩnh Long: Gốm đỏ tài nguyên quý giá để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Du khách tham quan trải nghiệm nghề truyền thống gạch, gốm Vĩnh Long.

Mục tiêu của Đề án là Quy định chính sách hỗ trợ bảo tồn lò gạch, gốm theo phạm vi điều chỉnh của Đề án di sản đương đại Mang Thít là chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ một phần chi phí bảo tồn lò gạch, gốm để đưa ra một mô hình phát triển kinh tế - xã hội sáng tạo, bền vững và nhân văn, dựa trên việc khám phá, thiết kế, khai thác các mô hình sáng kiến về chuyển đổi công năng, quy hoạch không gian cũng như tính khả thi về các chương trình hoạt động đầu tư mang lại sức sống mới để di sản Mang Thít thực sự hội đủ các yếu tố hình – lý - khí để trở thành một điểm đến và điểm dừng mang tầm cỡ quốc tế.

Thực hiện chính sách hỗ trợ để các lò gạch, gốm được bảo tồn và phát triển “vương quốc gạch, gốm” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm trên bản đồ du lịch khu vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa và hệ sinh thái địa phương.

Vĩnh Long: Gốm đỏ tài nguyên quý giá để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Du khách thích tự lái, đạp xe tham quan đường gốm đỏ.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù “độc nhất vô nhị”

Theo mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch Vĩnh Long nỗ lực tập trung: Xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án của UBND tỉnh phê duyệt (Du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa). Trong đó, có 02 sản phẩm trọng điểm tập trung xây dựng là sản phẩm du lịch: “Vương quốc lò gạch” ở huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL; đồng thời phát huy di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu. Nghiên cứu xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng cù lao trên địa bàn tỉnh (cù lao An Bình, cù lao Mây, cù lao Dài); bổ sung các sản phẩm gắn liền với các dịch vụ giúp tăng nguồn thu từ du lịch như mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật như sản phẩm “Về Vĩnh Long xem Hát Bội”, nghệ thuật đờn ca tài tử...

Từ khi tỉnh Vĩnh Long xác định nghề gạch, gốm đỏ là tài nguyên quý giá để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, nghề truyền thống gạch, gốm hồi sinh và được vang danh. Này 11/9/2023, trong khuôn khổ Lễ khai mạc Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố Quyết định của VietKings về việc xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam” cho ông Nguyễn Văn Buôi, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Ông là Nguyễn Văn Buôi được mọi người thường gọi là Tư Buôi. Nguyên quán ông Tư Buôi ở làng nghề truyền thống gạch gốm đất sét Vĩnh Long, bên dòng sông Cổ Chiên thơ mộng. Ông Tư Buôi chính là chủ nhân căn nhà gốm đỏ nổi tiếng Vĩnh Long đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam. Căn nhà đó chính là hồn đất sét Vĩnh Long mà ông Tư Buôi đã gửi gắm tâm huyết và thổi hồn vào đó.

Thuở nhỏ, ông Tư Buôi gắn liền với mảnh ruộng, miếng vườn, lớn lên mưu sinh khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng duyên nợ nhiều hơn là nghề gốm đất sét. Ông Tư Buôi cho biết, Vĩnh Long không chỉ có cây lành trái ngọt mà hàng trăm năm nay nổi tiếng là làng nghề truyền thống gốm đỏ, được mệnh danh là “Vương quốc gốm đỏ”.

Vĩnh Long: Gốm đỏ tài nguyên quý giá để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Cổng Đường gốm và hoa mừng xuân Giáp Thìn 2024.

Ngôi nhà gốm Tư Buôi được xây dựng vào giữa năm 2019, chỉ thời gian 3 tháng, đã xây xong căn nhà gốm đỏ có 300m2. Nhà gốm Tư Buôi tọa lạc tại phường 5, thành phố Vĩnh Long. Tường xây bằng gạch mộc, kích thước lớn gấp đôi gạch thường, do chính nghệ nhân Tư Buôi tự sản xuất. Hoa văn, họa tiết trang trí trong ngôi nhà bằng chất liệu gốm được tạo tác công phu, được giới thưởng ngoạn xa gần đánh giá cao, trầm trồ khen ngợi. Ông Tư Buôi không chỉ muốn “thổi hồn” vào căn nhà gốm đỏ của mình mà ông còn là nhà sưu tập “đồ cổ” nổi tiếng của vùng đất phương Nam.

Tết 2024, gốm đỏ Vĩnh Long được vang danh, xác lập kỷ lục quốc gia “Đường gốm đỏ dài nhất Việt Nam”. Đầu năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã tổ chức xây dựng Đường gốm và hoa mừng xuân Giáp Thìn 2024. Đường gốm rộng hơn 9m, dài hơn 700m, với hơn 100 loại của hơn 2.000 sản phẩm gốm đỏ được thiết kế, trình bày đẹp mắt, tại đường nối Võ Văn Kiệt và Phạm Hùng, thuộc phường 9, thành phố Vĩnh Long, đã thu hút hàng chục nghìn khách du xuân. Các cô gái áo dài thướt tha, trẻ em áo mới nô nức tham quan, chụp ảnh đường gốm đỏ “độc nhất vô nhị”. Nhiều du khách thích thú tự đạp xe, tự lái đi vòng quanh đường gốm để ngắm nhìn các tiểu cảnh xinh đẹp của “Đường gốm đỏ”…

Vĩnh Long: Gốm đỏ tài nguyên quý giá để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Đường gốm đỏ xác lập kỷ lục quốc gia “Đường gốm đỏ dài nhất” Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long chia sẻ: “Tết này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long được giao hai nhiệm vụ là: Tổ chức xây dựng đường gốm và đường hoa. Tuy là lần đầu tiên tổ chức xây dựng đường gốm nhưng Sở đã tích cực nỗ lực và quyết tâm đầu tư thiết kế xây dựng đường gốm đẹp và ấn tượng cho khách đến du xuân. Khi khai mạc “Đường gốm và hoa mừng xuân Giáp Thìn 2024” du khách gần xa rủ nhau đến du xuân đông đúc và chụp ảnh lưu niệm với đường gốm. Lượng du khách đến tham quan ngoài dự báo của Ban tổ chức, đêm 30 Tết, lượt khách tăng lên gấp đôi ngày thường (khoảng 5.000 lượt khách tham quan đêm 30 Tết). Ban tổ chức quyết định là sau Tết “Đường gốm đỏ” sẽ giữ lại đến lễ 30/4-01/5/2024, để du khách có dịp tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Vĩnh Long quyết tâm đầu tư xây dựng nghề truyền thống gốm đỏ thành sản phẩm du lịch đặc thù của Vĩnh Long. Đây là sản phẩm không nơi nào có được như Vĩnh Long. Với đà này, tới đây, tỉnh Vĩnh Long sẽ tổ chức Festival gốm đỏ, chắc hẳn sẽ thu hút du khách đến hơn nhiều...”.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
  • Kon Tum: Quy hoạch Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045

    (Xây dựng) - HĐND tỉnh Kon Tum vừa thông qua Nghị quyết về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045, mở ra triển vọng mới cho ngành Du lịch của vùng Tây Nguyên.

  • Vân Đồn - Top điểm đến có lợi thế du lịch đường bộ

    (Xây dựng) - Trong khi kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch nước ta ngày càng cải thiện, hình thức du lịch bằng đường bộ đến Việt Nam đang trở thành xu hướng thu hút lượng lớn du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm.

  • Bài 3: Cẩm Phả “đụn vàng” chưa khai thác đến

    (Xây dựng) - Thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) nổi danh trong nước và thế giới đã hàng trăm năm nay với vựa than Antraxit, theo đó là cảng biển giao thương quốc tế sản phẩm than đá; Cẩm Phả còn ẩn chứa “đụn vàng” ngành kinh tế du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, đặc biệt là nguồn lợi du lịch vịnh Bái Tử Long còn ít người biết.

  • Gia Lai đón gần 90.000 lượt du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5

    (Xây dựng) - Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, tỉnh Gia Lai đã có sự bùng nổ trong lưu lượng du khách, với khoảng 88.290 lượt khách đổ về. Theo báo cáo mới nhất từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, doanh thu du lịch ước đạt mức 20,6 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

  • Hơn 54 nghìn lượt khách đến Phú Yên trong dịp nghỉ lễ

    (Xây dựng) – Trong 5 ngày nghỉ lễ (27/4 – 01/5), Phú Yên đón 54.750 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

  • Đắk Lắk đón số lượng khách nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tăng mạnh

    (Xây dựng) - Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tỉnh Đắk Lắk đã chứng kiến sự tăng đột biến trong lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, với tổng cộng 125.000 lượt khách, đánh dấu một kỷ lục mới. Trong số này, có hơn 1.500 lượt khách quốc tế, một con số đáng chú ý so với tổng số lượng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load