(Xây dựng) - Biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến ngày càng khó lường được xem như hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả. Trong số những biện pháp các nước trên thế giới đề ra, công trình xanh chính là lời giải hữu hiệu mang tính hiệu quả, thời đại cho bài toán khó. Đối với riêng Việt Nam, việc các công trình hội đủ những yếu tố về chất lượng, xanh bền vững đã, đang và sẽ là xu hướng trong xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26. |
Nhìn lại về hai lần hội nghị
Tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh cuối năm 2021, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết việc đưa phát thải ròng của Việt Nam về bằng ‘‘0’’ vào năm 2050. Ở kỳ Hội nghị kế tiếp tại Ai Cập (COP27), lại một lần nữa Việt Nam tái khẳng định cam kết của mình trong bối cảnh toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa về an ninh lương thực và năng lượng.
Từ hai lần hội nghị gần nhất cho thấy quyết tâm đầy mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu chung vì môi trường. Tất cả những gì thay đổi và diễn ra những năm gần đây cho thấy lời cam kết của Việt Nam không chỉ là lời nói mà đã đi vào hành động hiệu lực, hiệu quả.
Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2022. |
Đơn cử như trong ngành Xây dựng, chỉ tính riêng đến đầu tháng 7 năm nay, nước ta đã có hơn 250 dự án đạt chứng chỉ công trình xây dựng xanh (LEED) được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC). Con số đáng kỳ vọng này hứa hẹn sẽ còn nhân lên nhiều lần nữa trong tương lai, góp phần không nhỏ vào con đường đi đến phát thải ròng đạt ‘‘0’’ vào năm 2050 của Việt Nam. Việc không ngừng hoàn thành và nâng cao chất lượng những công trình xanh nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp với những tiêu chí như giảm các nguồn tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến môi trường xanh bền vững cho thấy sự nỗ lực không ngừng của ngành Xây dựng Việt Nam dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Xây dựng.
Viettel – Minh chứng cho sự sáng tạo và dẫn đầu xu hướng
Được xây dựng từ năm 2019, đưa vào vận hành chính thức từ năm 2021, tòa nhà trụ sở Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel) được biết đến là một trong những biểu trưng cho sự đổi mới, sáng tạo và xanh hóa không ngừng nghỉ.
Giữa lòng “Thành phố vì hòa bình”, tòa trụ sở Tập đoàn Viettel hiện lên như càng tô điểm thêm cho sự trìu mến, khát vọng hòa bình nơi Thủ đô Hà Nội, tọa lạc tại lô D26, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Đây là công trình được thiết kế dưới bàn tay Công ty Tư vấn thiết kế Gensler của Mỹ.
Những đường cong được tinh tế tạo nên thể hiện ý chí vươn lên của Viettel. |
Tòa nhà được xây dựng với những đường cong ở mọi khía cạnh. Từ chân lên đến đỉnh mái là hình dạng vuốt cong được cách điệu từ chính logo Viettel, thấp ở chân và cao ở đỉnh tạo cảm giác tiến lên không ngừng nghỉ như châm ngôn của chính Tập đoàn. Ngoài ra, toàn bộ phần mái đều được phủ xanh tạo cảm giác mát mẻ, thân thiệt với môi trường. Với 9 tầng nổi, 1 tầng hầm và bằng tư duy xây dựng thông minh, mỗi tầng của tòa nhà đều được thiết kế dành riêng cho đặc trưng, chức năng sử dụng của nó. Trong đó, tầng 1 là nơi sảnh chính dùng để phục vụ cho các buổi triển lãm, trưng bày, nhà ăn và tiếp khách. Tầng 2 là nơi dành riêng cho hội họp, thảo luận. Từ tầng 3 đến tầng 8 là khu vực của các văn phòng làm việc. Còn tầng hầm chính là không gian sử dụng cho các hội nghị.
Đến với tòa nhà, bạn sẽ choáng ngợp bởi quy mô phủ xanh và cách bày trí vô cùng khoa học của chúng. Một phần ba diện tích tòa nhà được thiết kế dành riêng cho cây xanh và hồ nước. Từ trên mái phóng tầm mắt xuống phía dưới, ta sẽ thấy một thảm xanh ngát của vườn cây và giếng trời được thiết kế vô cùng sáng tạo. Với việc phần lưng tòa nhà được làm toàn bộ bằng kính, điều này không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên mà còn giúp người bên trong tòa nhà có thể chiêm ngưỡng “bức họa xanh” phía ngoài từ bất cứ đâu.
Một góc sảnh hội trường ấn tượng người xem với mảng xanh ngát xung quanh. |
Viettel vươn xa với một “tư duy mới”
Tòa nhà trụ sở Viettel đã được vinh danh giải Vàng hạng mục Kiến trúc Công cộng tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023, sự kiện được tổ chức bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp cùng Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Không dừng lại ở đó, công trình xanh này còn được biết đến rộng khắp và nhận được vô vàng lời khen từ đông đảo bạn bè quốc tế. Đây được xem là tòa nhà đầu tiên ở Hà Nội được USGBC chứng nhận là thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường.
Tòa nhà với sắc xanh đặc trưng như điểm xuyết thêm cho Thủ đô Hà Nội. |
Công trình được xem là “tư duy mới” về mọi mặt không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn hội tụ những yếu tố môi trường. Công trình được xem là một “công viên thu nhỏ” nơi Thủ đô Hà Nội với nhiều loài thực vật đặc trưng bản địa được trồng nơi đây.
Không chỉ góp phần tạo cảnh quan xanh mà những thảm xanh ngời trên mái nhà còn giúp điều hòa nhiệt độ bên trong, từ đó năng lượng điện tiêu thụ cũng được tinh giảm một cách đáng kể. 95% lượng nước mưa trút xuống công trình sẽ được thu gom toàn bộ và sử dụng một cách hiệu quả trong việc tưới cây, làm mát hệ thống điều hòa, cung cấp cho hệ thống vệ sinh để từ đó nguồn nước được tiết kiệm đến mức gần như tối đa.
Khi hệ thống điều hòa làm việc, năng lượng tỏa ra từ vận hành sẽ được thực hiện theo cơ chế “tận dụng”, những nguồn năng lượng “bỏ đi” này sẽ được đưa vào làm nóng nước, phục vụ sinh hoạt cho tòa nhà.
Được biết, công trình xây dựng dùng lên đến 70% vật liệu có khả năng tái chế, không mang chất độc hại và trong quá trình sử dụng không thải chất độc hại ra bên ngoài.
Tòa trụ sở Viettel còn được trang bị hệ thống quản lý đồng bộ (IBMS) giúp kết nối và dễ dàng trong việc điều khiển, quản lý mọi hệ thống kỹ thuật từ hệ thống điện, hệ thống điều hòa, nước sinh hoạt đến cả hệ thống báo cháy, chữa cháy.
Vì một chặng đường dài của Việt Nam
Từ cả hai lần hội nghị gần nhất là COP26 và COP27 đã cho thấy quyết tâm vô cùng to lớn của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết với Liên hợp quốc. Bằng một tình yêu với môi trường và những hành động mạnh mẽ, Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức để hiện thực hóa cam kết.
Công trình xanh không chỉ là một xu hướng mới trong xây dựng, kiến trúc mà còn là một giải pháp vô cùng hiệu quả, được xem như lời giải hay, sáng tạo cho bài toán biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tòa nhà lộng lẫy khi về đêm. |
Trong suốt một thập niên và đặc biệt là những năm trở lại đây, công trình xanh tại Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Những con số thống kê càng cho thấy tín hiệu đáng mừng và một niềm tin “đúng”. Tất cả những gì đạt được trong ngành Xây dựng nói riêng và tất cả lĩnh vực khác nói chung về vấn đề môi trường tạo cho Việt Nam những bước đệm với sức bật vô cùng to lớn.
Mong rằng trong tương lai, ngành Xây dựng sẽ vẫn tiếp tục phát huy những phẩm chất sáng tạo, đổi mới vốn có. Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện những mục tiêu với châm ngôn “dám nghĩ, dám làm” để giúp Việt Nam ngày càng tiến gần hơn đến đích vào năm 2050.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Phan Đảng
Theo