Thứ ba 05/11/2024 07:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Vì sao hơn 70% nông thủy sản xuất khẩu không qua các cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long?

09:25 | 03/10/2022

(Xây dựng) – UBND thành phố Cần Thơ cùng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải vừa mới tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

vi sao hon 70 nong thuy san xuat khau khong qua cac cang bien dong bang song cuu long
Quang cảnh Hội nghị.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nông nghiệp lớn nhất nước với 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy hải sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước, và là nơi đóng góp sản lượng xuất khẩu nông thủy sản lớn nhất nước, trong đó: 60% thủy sản, 70% sản lượng trái cây và 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay vận tải thủy khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập, đường thủy chưa thông luồng và có đến hơn 70% hàng hóa xuất khẩu phải thông qua các cảng thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ, tăng chi phí khoảng 10-15USD/tấn hàng xuất khẩu.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết hiện nay theo Quyết định 3383/QĐ-BGTVT, ĐBSCL thuộc Nhóm 6: 12 cảng biển (01 cảng loại I là Cần Thơ, 11 cảng biển loại II là Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Năm Căn, Kiên Giang). Hiện khai thác 12 cảng biển, 73 bến cảng, 6.775m bến cảng.

Hàng hóa qua cảng biển ĐBSCL trong 05 năm qua tăng dần theo hàng năm, riêng năm 2021, do đại dịch Covid-19 bị sụt giảm. Năm 2017 hàng hóa qua cảng biển ĐBSCL là 19,30 triệu tấn, năm 2019 là 22,28 triệu tấn, năm 2020 là 22,91 triệu tấn và năm 2021 sụt giảm xuống còn 20,84 triệu tấn. Trong năm 2021, hàng hóa xuất khẩu qua cảng biển ĐBSCL rất khiêm tốn chỉ 0,43 triệu tấn, chiếm khoảng hơn 2% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa qua cảng. Dự báo đến năm 2030, hàng hóa qua cảng biển ĐBSCL sẽ tăng lên 64 triệu tấn và đến năm 2050 dự báo đến 208 triệu tấn.

Điểm yếu của cảng biển ĐBSCL hiện nay là hạ tầng cảng phân tán, quy mô nhỏ; hiệu suất khai thác cảng chưa cao; thiếu các trung tâm logistics; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế.

vi sao hon 70 nong thuy san xuat khau khong qua cac cang bien dong bang song cuu long
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang phát biểu với Hội nghị.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Phòng Đầu tư Cục Hàng hải Việt Nam, đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực ĐBSCL, là: “Tập trung cải tạo, nâng cấp, bảo trì các luồng tàu biển chính trong khu vực (Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, Luồng của Tiểu, Luồng Định An-Cần Thơ); Khai thác hiệu quả các bến cảng tại cảng biển Cần Thơ, Long An, An Giang, Trà Vinh… để đáp ứng tối đa nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa; Sớm hình thành và đưa vào khai thác trung tâm logistics vùng để hỗ trợ phát triển công nghiệp và tạo các chuỗi giá trị hàng hóa qua cảng biển. Thiết lập và duy trì hiệu quả các tuyến vận tải thủy kết nối Tây và Đông Nam bộ. Kết hợp song hành công tác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho kinh tế khai thác cảng và các lĩnh vực kinh tế gắn với cảng biển, vận tải biển”.

vi sao hon 70 nong thuy san xuat khau khong qua cac cang bien dong bang song cuu long
Ông Phùng Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn nêu 04 nguyên nhân hạn chế ảnh hưởng đến vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ông Phùng Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, là đơn vị tiên phong khai thác tuyến container nội địa Hải Phòng - Hồ Chí Minh - Tân cảng Cái Cui sau khi Cục Hàng hải Việt Nam cho khai thông kênh Quan Chánh Bố (24/10/2016) và hiện tại đã và đang hợp tác, đầu tư, khai thác 05 cơ sở tại khu vực ĐBSCL. Năm 2021, sản lương container thông qua 05 cảng của Tân cảng Sài Gòn đạt 120.000 Teus, chiếm trên 50% thị phần container thông qua các cảng ĐBSCL và 330.00 tấn hàng hóa rời, có đến 04 nguyên nhân, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực ĐBSCL:

Một là do đặc điểm mặt hàng-các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khu vực ĐBSCL (trái cây, thủy sản, giấy, may mặc, gạo, thức ăn gia súc) có yêu cầu cao về các tác nghiệp logistics xuất nhập khẩu, do đó, trên 70% lượng hàng hóa xuất khẩu ĐBSCL được chuyển tải bằng đường bộ và các ghe hàng lên khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Cái Mép để tiếp tục tập kết, đóng container, xuất tàu. Hệ quả là chi phí logistics tăng thêm khoảng 10-15USD/tấn hàng xuất khẩu, làm giảm tính cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Hai là cơ sở hạ tầng cho vận tải đường thủy nội địa chưa được quan tâm đầu tư kịp thời, đúng mức (tuyến luồng sông Hậu chưa thực sự thông, tĩnh không các cầu luồng sông Tiền, sông Hậu thấp, mức độ bồi lắng cao, nạo vét chưa kịp thời…).

Ba là các trang thiết bị, điều kiện, cơ sở phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu còn thiếu, nhất là hệ thống kho lạnh, sà lan chuyên dùng chở container lạnh, chưa có depot rỗng-hầu hết container rỗng đều tập kết tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và xa hơn là khu vực Cái Mép, do đó doanh nghiệp xuất khẩu cần thời gian 1-3 ngày và phương tiện chuyển rỗng về các cảng ĐBSCL, chưa kể tình trạng không đủ container rỗng hoặc rỗng hư hỏng nhiều, chưa được sửa chữa kịp thời để khi cấp, khiến cho doanh nghiệp bị động trong bố trí kế hoạch đóng hàng.

Bốn là chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan: doanh nghiệp cảng, các hãng tàu, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

vi sao hon 70 nong thuy san xuat khau khong qua cac cang bien dong bang song cuu long
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ, kiến nghị những vấn đề đề thúc đẩy phát triển vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa ĐBSCL.

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ, kiến nghị: “Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam duy trì độ sâu ổn định và hướng tới có luồng 2 chiều cho tàu trên 10.000 tấn ra vào an toàn. UBND thành phố Cần Thơ có chính sách hỗ trợ chi phí cho các hãng tàu phát triển các tuyến sử dụng tàu lớn hơn 10.000 DWT trở lên vào luồng sông Hậu. UBND thành phố Cần Thơ và các sở ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt đông lưu thông hàng hóa đi, đến cảng, cũng như quỹ đất và chính sách quản lý để phát triển các cảng biển chính trên địa bàn thành phố. Có chính sách hỗ trợ và điều tiết để các chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong vùng đưa hàng hóa về các cảng biển đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ.”

Phát biểu với Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thông tin cho biết: “Bộ Giao thông Vận tải đang giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển Cần Thơ. Trong quy hoạch này chắc chắn sẽ đề cập đến quy hoạch các bến cảng hàng hóa, bến tàu, làm cơ sở cho thành phố Cần Thơ cập nhật vào quy hoạch chung của địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thành phố Cần Thơ quan tâm việc xúc tiến, ưu đãi, kêu gọi đầu tư và cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào cảng biển đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Song song với triển khai đầu tư là việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện tại. Khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại để vận chuyển hàng hóa, hành khách, trên địa bàn Cần Thơ cũng như đi đến các địa bàn lân cận...

Chúng tôi kỳ vọng vào các nỗ lực tâm huyết của các doanh nghiệp trong Hội nghị hôm nay để có thể tự mình phối hợp với nhau. Từ đó gây dựng, phát triển những tuyến vận tải. Sau Hội nghị là các bước triển khai tiếp theo. Quá trình thực hiện, nếu vướng gì, bất cập, phát sinh hiện tượng tiêu cực, các doanh nghiệp cứ gọi cho đường dây nóng, sẽ được giải quyết. Bộ Giao thông vận tải cam kết luôn hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp…”.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load