(Xây dựng) - Lâu nay, vấn đề an ninh, an toàn trong việc cấp nước cho Thủ đô cũng được đặt ra, nhưng cũng chỉ là câu chuyện trên giấy, còn những biện pháp hữu hiệu đối với từng nhà máy thì lại chưa được đặt ra đúng mức. Tình trạng nước cấp cho dân cư bị nhiễm bẩn đã xảy ra nhiều lần ở một số khu dân cư, nhà cao tầng...
Hành vi đổ dầu thải vào đầu nguồn nước sông Đà cũng đã rộ lên. Sự vụ đang được Bộ Công an cùng Công an Hòa Bình điều tra. Sớm muộn thì động cơ do cạnh tranh thị trường cấp nước hay vô tình gây ô nhiễm nguồn nước của kẻ phạm tội có ai đạo diễn hay không cũng sẽ được cơ quan Công an cùng tai mắt nhân dân làm rõ.
Công nhân đang nỗ lực vớt dầu thải trả lại sự trong lành cho dòng sông Đà (Nguồn ảnh Internet). |
Đối với những nhà máy cấp nước cho thành phố, đặc biệt những nhà máy nước có công suất lớn như: Nhà máy nước sông Đà, nhà máy nước sông Đuống, ngoài những biện pháp bảo vệ nguồn nước cấp thông thường thì hệ thống nhà máy phải có hệ thống tự động báo động và ngừng cung cấp nước khi nguồn nước bị nhiễm bẩn khác thường. Đây là những yêu cầu bắt buộc bởi liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân thủ đô, bởi các nguồn nước mặt lấy từ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống và các nguồn nước khác kể cả nước ngầm đều có khả năng bị nhiễm bẩn, nhiễm độc do nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể có nguyên nhân do kẻ thù phá hoại làm rối loạn lòng dân, cũng không loại trừ những nguyên nhân có thể do sự cạnh tranh không lành mạnh của các nhà máy nước.
Việc xây dựng nhiều nhà máy nước để cung cấp nước sạch cho một thành phố cũng là chuyện bình thường và cần thiết nhằm tiết kiệm hệ thống đường ống dẫn chính. Để đảm bảo lưu lượng nguồn nước cấp. Trong hệ thống cấp nước, tùy theo quy mô và nhu cầu cấp nước, người ta có thể thiết kế hệ thống cấp nước thành một hoặc nhiều mạch vòng để nối nguồn nước cấp từ các nhà máy, nhằm mục đích bổ sung cho nhau khi có nhà máy gặp sự cố. Hiện tượng trong thời gian qua, hàng triệu người dân Thủ đô sử dụng nguồn nước sạch sông Đà đã không có nước sinh hoạt khi nguồn nước sông Đà bị nhiễm bẩn, từ đó chứng minh hệ thống cấp nước của TP Hà Nội không tuân thủ yêu cầu kỹ thuật khi thiết kế hệ thống cấp nước cho thành phố.
Mặt khác, trong Quyết định số 499/QĐ-TTD ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thì trong quy hoạch này mới chỉ đặt ra về số lượng nhà máy nước, công suất thiết kế kèm theo; đồng thời phân định phạm vi cấp nước cho từng nhà máy. Qua nghiên cứu phạm vi cấp nước của nhà máy sông Đà và nhà máy sông Đuống thì ngay trong Quyết định đã có sự chồng chéo 4 quận, huyện. Sự chồng chéo này sẽ dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột về lợi ích của các nhà đầu tư trong việc cung cấp nước cho các địa bàn.
Mặt khác, với nguồn nước có cùng tiêu chuẩn, chất lượng như nhau nhưng giá mua nước của nhà máy nước sông Đuống gần gấp đôi giá nước của nhà máy nước Sông Đà. Cụ thể giá bán buôn trong phương án giá của nước sạch sông Đà là 5.070 đồng trong khi giá nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng. Với giá nước này liệu có tạo nên một sự bất bình đẳng đối với các nhà máy nước? Đành rằng nhà máy nước sông Đà đã được xây dựng và cấp nước nhiều năm, việc khấu hao tài sản cố định đã được khấu hao nhiều dẫn đến giá nước sẽ rẻ hơn. Đặc biệt, ngày 10/4/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP “Về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên”. Theo đó, lĩnh vực nước sạch đô thị không còn nằm trong “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu”. Như vậy, cấp nước đô thị không thuộc lĩnh vực được trợ giá. Với các quy định này thì giá mua nước đối với các nhà máy thành phố cần sớm xem xét để đảm bảo tính cạnh tranh và bình đẳng đối với các nhà đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố đang được các nhà đầu tư đầu tư xây dựng mà không dùng vốn ngân sách Nhà nước. Điều đó là phù hợp với tình hình và đúng hướng của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Với các dạng đầu tư này theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thì Nhà nước không quản lý nguồn vốn đầu tư nhưng phải quản lý chặt chẽ về chất lượng công trình: Hệ thống đường ống kỹ thuật cũng như công nghệ xử lý của nhà máy nước để đảm bảo việc cấp nước an toàn cho nhân dân và đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch theo quy định của pháp luật.
Tình trạng như nhà máy nước sông Đuống vừa qua, trong khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu để đưa vào sử dụng mà đã cung cấp nước cho nhân dân sử dụng là điều không thể chấp nhận. Cụ thể trong nghiệm thu phải nghiệm thu áp lực đường ống ở mức độ cao nhất theo thiết kế từ khi chưa được chôn lấp; ống để khắc phục những đường ống có thể bị phá hủy. Tiến hành thau rửa đường ống, kiểm tra chất lượng toàn bộ hệ thống đường ống như: Chiều dày đường ống, một số chỉ tiêu cơ lý của vật liêu sản xuất ống… trong trường hợp này cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu phải thuê một tổ chức có đủ năng lực hành nghề kiểm tra đánh giá chất lượng, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra của mình theo tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định, sau đó mới được chôn lấp ống và đưa vào vận hành. Đối với nhà máy xử lý nước, phải tiến hành các biện pháp thau rửa, vận hành và kiểm tra chất lượng nước theo tiêu chuẩn mới được đưa vào vận hành sử dụng. Tất nhiên nhà máy nước sông Đuống cũng phải tuân thủ các quy định về chất lượng nêu trên để làm cơ sở tổ chức nghiệm thu trước khi cấp nước cho nhân dân.
Cũng cần nói thêm, ở một số trường hợp có thể xảy ra khi thiết kế trong dự án thì công nghệ xử lý nước là công nghệ tiên tiến của châu Âu, nhưng trong thi công có thể sử dụng công nghệ Trung Quốc hoặc một nước nào khác; Trong thiết kế quy định có thể là đường ống thép hoặc ống gang để đảm bảo áp lực cao nhất theo thiết kế, nhưng trong thực tế thi công có thể sử dụng ống nhựa hoặc ống gang, thép kém chất lượng. Tất cả những hiện tượng trên nhằm mục đích là giảm giá thành xây dựng nhưng vẫn được tính giá nước theo công nghệ và đường ống với dự án được duyệt ban đầu.
Ngày 20/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2055/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cấp nước thủ đô năm 2030, tầm nhìn 2050. Ngày 6/6/2018, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần cấp nước AQUA ONE thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần tuyến ống truyền tải và trạm bơm tăng áp công suất 120.000 m3/ngày đêm. Như vậy nguồn nước sạch cấp cho thành phố tiếp tục được bổ sung.
Một số vấn đề đặt ra là: UBND thành phố phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ra soát lại hệ thống cấp nước của thành phố. Trước tiên cần phải đấu nối các nhà máy cấp nước thành một mạch vòng để đảm bảo an toàn cấp nước; thậm chí với quy mô thành phố như Thủ đô thì phải có tới 2 đến 3 mạch vòng cấp nước trong khi thành phố đang mở rộng, đồng thời phải tiến hành mở rộng hệ thống nhánh cấp nước để cung cấp cho nhân dân; nếu không năm 2025 hoặc xa hơn một chút thành phố sẽ thừa nước sạch mà nhân dân lại không được sửa dụng. Trong khi người dân nông thôn thuộc thành phố Hà Nội năm 2018 chỉ trên 55% hộ dân được sử dụng nước sạch cấp từ mạng thành phố.
Ngoài ra các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá chất lượng của từng hạng mục công trình và toàn bộ công trình trong quá trình thi công, nghiệm thu đưa vào vận hành cấp nước cho nhân dân. Việc quản lý chất lượng công trình phải đảm bảo chặt chẽ như đối với những công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Mặt khác trong quá trình cấp nước chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thường xuyên kiểm tra, thí nghiệm nước sinh hoạt và công bố cho nhân dân biết. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo việc an toàn cấp nước cho nhân dân thành phố.
Duy Nguyên
Theo