Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học không bao giờ cũ; luôn được Đảng đặc biệt coi trọng như là nhân tố tăng cường sức mạnh, bản lĩnh chính trị Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử quan trọng, là kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Suy ngẫm, tìm hiểu, vận dụng những bài học kinh nghiệm sau 55 năm thực hiện Di chúc sẽ giúp chúng ta vận dụng thiết thực hơn tư tưởng của Người, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Nét đặc trưng rất Hồ Chí Minh
Di chúc trở thành một công trình tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, về Đảng, về dân, về nước, về quốc tế, về việc riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển của đất nước trong tương lai.
Thời gian càng lùi xa, với những thành quả của sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã và đang đạt được, chúng ta càng thấy rõ thiên tài Hồ Chí Minh, mà cụ thể hơn là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Người mãi tỏa sáng rực rỡ.
Độc lập, tự chủ, sáng tạo là nét đặc trưng không chỉ trong tư duy mà còn cả trong hành động cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong xây dựng đất nước, là nét đặc trưng rất Hồ Chí Minh.
Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học không bao giờ cũ. Ảnh: Vũ Minh Quân |
Độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, không rập khuôn, giáo điều. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm về hành động của mình trước dân, trước nước. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù.
Đồng thời, sáng tạo cũng là tìm tòi, đề xuất những cái mới mà có thể trả lời được những câu hỏi của cuộc sống đặt ra. Sáng tạo còn là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn.
Sinh ra trong hoàn cảnh của một dân tộc thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến và thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của người dân mất nước, phải chịu làm nô lệ. Do vậy, đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân luôn là khát vọng, động lực và mục đích lớn nhất trong suốt cuộc đời của Người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng và bao quát tinh thần đổi mới, phát triển như là hạt nhân cốt lõi của phương pháp hành động biện chứng và cũng là nét đặc trưng trong phong cách tư duy của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng đổi mới là một tất yếu để phát triển.
Bản thân thực tiễn cách mạng, cuộc sống lao động, sản xuất và chiến đấu của nhân dân luôn luôn đổi mới và phát triển, cho nên trong tư duy và hành động của con người, nhất là của tầng lớp lãnh đạo phải có hai phẩm chất này.
Tuy nhiên, Bác cũng chỉ rõ công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp là công việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Bài học không bao giờ cũ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 55 năm, cũng là 55 năm chúng ta thực hiện Di chúc của Người, những sáng tạo lý luận và phong cách tư duy Hồ Chí Minh vẫn là bài học không bao giờ cũ.
Đất nước và thế giới có nhiều đổi thay nhưng công cuộc đổi mới muốn thắng lợi vẫn phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, tiến hành dưới ánh sáng cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sải bước cùng thế giới và thời đại, hướng tới mục tiêu của Việt Nam và phù hợp với mục tiêu thời đại.
Học và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên trong các thời kỳ đã phát huy phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo trong sự phát triển của đất nước.
Có thể kể ra đây tấm gương của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc - người được coi là “cha đẻ” của chủ trương “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc từ những năm 1966-1968. Những chủ trương này chính là tiền đề của Chỉ thị 100 (1981) và Nghị quyết 10 (1988) của Bộ Chính trị - những quyết sách đã tạo ra bước phát triển kỳ diệu của nền nông nghiệp Việt Nam.
Ngày 28/12/1989, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 8 đã thông qua Nghị quyết về việc miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp theo, quan trọng hơn và thực sự có ý nghĩa hơn nữa là chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước đã góp phần làm chuyển hóa tư duy của những người nông dân Việt Nam vốn quen với nếp sản xuất truyền thống.
Sự có mặt của các nhà đầu tư, sự hiện diện của các ngành công nghiệp đem theo những tiến bộ khoa học-công nghệ đã khiến người nông dân Việt Nam có dịp suy nghĩ, so sánh trên từng luống cày, từng mét vuông mặt nước, để từ đó chọn ra cách làm hiệu quả nhất. Trí tuệ con người thổi hồn sáng tạo vào từng con nước, từng tấc đất để đồng ruộng Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn.
Kinh nghiệm thời kỳ Đổi mới đất nước cho thấy, để thành công, Đảng ta phải thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, đặc biệt phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu khó khăn, thử thách để đổi mới và tiến bộ.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được khánh thành dịp 2/9 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: VGP |
Trong đó, vẫn sáng mãi tấm gương của những người lãnh đạo đã dám đi đầu trong việc vạch ra và thực hiện các chính sách mới. Đó là nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh - “kiến trúc sư” của sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam.
Đó là nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - nhà đổi mới kiên định và sáng tạo, là tấm gương sáng trong nhiều lĩnh vực nhân sinh với những quan điểm hết sức đúng đắn.
Đó là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, táo bạo, có ý nghĩa chiến lược thời kỳ đổi mới đất nước như Chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình thủy điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, đường dây tải điện 500 KV Bắc – Nam, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận...
Quyết liệt hành động vì lợi ích chung
Nối tiếp những thành tựu của các kỳ Đại hội Đảng trước, Đại hội 13 của Đảng được coi là đại hội đổi mới sáng tạo với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Đại hội 13 cũng xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Động lực phát triển mà Đại hội 13 xác định thực chất là sự kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới.
Trong đó, nguyên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với công lao to lớn đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, đổi mới, phát triển nhận thức của Đảng ta về đường lối đổi mới, về mô hình chủ nghĩa xã hội riêng có của Việt Nam.
Những thành tựu lý luận của ông đã đóng góp to lớn trong xây dựng cơ sở khoa học - thực tiễn cho quá trình hoạch định đường lối, chủ trương xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, và sẽ còn có ý nghĩa lâu dài trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, của dân tộc.
Đảng ta đặc biệt coi trọng tư duy độc lập, tự cường, tự chủ, đổi mới, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo. |
Mới đây nhất, trong bài phát biểu họp báo sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh đến việc phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; gắn kết tư tưởng và hành động, ý đảng và lòng dân; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh; vì nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Điều này một lần nữa cho thấy, Đảng ta đặc biệt coi trọng tư duy độc lập, tự cường, tự chủ, đổi mới, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo.
Bởi vì, hơn lúc nào hết, thực tiễn phát triển nhanh, bền vững, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người có đủ đức, đủ tài, có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải hội đủ những phẩm chất dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt hành động vì lợi ích chung.
Đó chính là nhân tố quan trọng tăng cường sức mạnh và bản lĩnh chính trị Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết “Tài liệu tuyệt đối bí mật” (Di chúc) vào 9h ngày 10/5/1965 và hoàn thành bản thảo đầu tiên gồm 3 trang do chính Người tự đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Sau đó, vào các năm 1966, 1968, 1969, từ ngày 10 - 20/5, mỗi ngày Người đều dành thời gian từ 9h - 10h để bổ sung và chỉnh sửa lại (riêng ngày 10/5 Bác viết và sửa chữa Di chúc từ 9h30 - 10h30 và ngày 12/5 do buổi sáng dự hội ý Bộ Chính trị nên Bác chuyển sang buổi chiều, từ 15h - 16h). Ngày 20/5/1969, Bác xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi. |
Ths Vũ Thị Kim Yến
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/bai-hoc-khong-bao-gio-cu-va-ban-linh-chinh-tri-viet-nam-2317836.html