Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu tỉnh Hòa Bình cần có quy hoạch tổng thể về thủy lợi, tài nguyên nước trên địa bàn; đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về an ninh nguồn nước.
Hồ thủy điện Hòa Bình. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 20/7, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Hòa Bình nhằm giám sát về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh nhấn mạnh, được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp sửa chữa để bảo đảm an toàn.
Các địa phương, đơn vị cũng đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trên địa bàn, nhất là các hồ chứa, các đầu mối tưới, tiêu lớn; xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác một số vấn đề như Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn đề đầu tư xây dựng hợp phần đường ống dẫn nước trong giai đoạn 2021-2025 nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư của dự án; xem xét về chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn xây dựng hồ chứa nước Thượng Tiến, huyện Kim Bôi.
Tỉnh Hòa Bình đề nghị được tạo điều kiện để các dự án khu vực hồ Đầm Bài được triển khai các thủ tục đầu tư; được hỗ trợ kinh phí để đảm bảo an toàn cho 48 hồ chứa xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao.
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất và tăng cường trao đổi thông tin tài nguyên nước, dữ liệu liên quan phục vụ giám sát, chỉ đạo quản lý khắc phục, giảm thiểu tác động của tình trạng suy giảm nguồn nước đến đời sống, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, hiện nay toàn tỉnh đã khai thác 257,14 triệu m3 nước/năm. Nông nghiệp là ngành khai thác nước nhiều nhất, 217,66 triệu m3 nước/năm (chiếm 85% lượng nước khai thác).
Nhu cầu sinh hoạt và dịch vụ tỉnh hiện nay được đáp ứng bằng cả 2 nguồn nước mặt và dưới đất với khoảng 52% và 48%. Có khoảng 44.000 hộ dân ở 11/12 đô thị được cung cấp nước sạch.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,5%. Toàn tỉnh có 544 hồ chứa đang hoạt động. Qua kiểm tra các công trình trước mưa lũ, hồ đập được vận hành bình thường ở mức thiết kế 352 công trình. Có một số tồn tại như thấm qua thân và nền đập lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng lưu, hư hỏng, xói lở tràn, rò rỉ cống lấy nước... cần khắc phục, sửa chữa là 192 hồ đập.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao công tác thực hiện an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh; nhấn mạnh trong phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, tỉnh Hòa Bình cần có quy hoạch tổng thể về thủy lợi, tài nguyên nước trên địa bàn; đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về an ninh nguồn nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Tỉnh cần quản lý tốt các khu, cụm công nghiệp; chú trọng phát triển rừng, trong đó quan tâm đến các loại cây bản địa, hạn chế những loại cây không sinh thủy. Tỉnh Hòa Bình cần lưu ý phân cấp quản lý các hồ đập để đảm bảo có hiệu quả.
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tỉnh Hòa Bình cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện sửa chữa ngay 48 hồ chứa bị hư hỏng, mất an toàn; khoanh vùng các diện tích có nguy cơ bị hạn hán; ưu tiên lượng nước cung cấp cho sinh hoạt, gia súc và cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.
Đối với Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy quá trình giải phóng mặt bằng, đầy nhanh tiến độ đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Nhà máy nước sạch Sông Đà (thành phố Hòa Bình) và hiện trường Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (huyện Lạc Sơn)./.
Theo Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)