(Xây dựng) – Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn bản số 10993/VPCP-VI ngày 02/12/2019 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến nội dung phản ánh của báo chí về tình trạng đường ống truyền tải nước sạch sông Đà bị rò rỉ tại Km số 25+500 Đại lộ Thăng Long, ngày 16/12/2019, Bộ Xây dựng đã cử đoàn kiểm tra và có Báo cáo số 2954/BXD-HTKT gửi Văn phòng Chính phủ.
Hệ thống đường ống của nhà máy này nước sạch sông Đà đã có hơn 20 lần gặp sự cố như bị vỡ, rò rỉ do chất lượng ống và việc thi công không đảm bảo yêu cầu. |
Nội dung văn bản cụ thể như sau: Về sự cố xảy ra ngày 20/11/2019: Đường ống truyền tải nước sạch sông Đà do Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà quản lý, cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội trung bình khoảng 250.000 – 280.000m3/ngày.
Hiện chỉ có 01 tuyến ống truyền tải nước sạch có đường kính DN1500 đến DN1800mm, bằng vật liệu tổng hợp cốt sợi thủy tinh từ nhà máy nước sông Đà, công suất thiết kế 300.000m3/ngày (giai đoạn 1).
Từ khi vận hành, khai thác (tháng 4/2009) đến nay đã nhiều lần bị sự cố rò rỉ, vỡ ống (khoảng 30 lần) gây mất nước trên diện rộng cho các khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Công ty đã thông báo đến các khách hàng sử dụng việc ngừng cấp nước từ 17h ngày 20/11/2019 đến 3h ngày 21/11/2019 để sửa chữa và đã cấp nước trở lại ngay sau khắc phục sự cố.
Nguyên nhân gây nên sự cố vỡ ống là do sự kết hợp bất lợi của một số yếu tố trong giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống. Trong đó, nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa), các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt độ cứng vòng, bề mặt bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu.
Đối với trách nhiệm của các chủ thể liên quan đã được thể hiện trong Kết luận Giám định tư pháp hoạt động đầu tư xây dựng dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai – Miếu Môn - Hà Nội – Hà Đông, tháng 4-2015. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà phải chịu trách nhiệm bảo đảm cấp nước an toàn trong công tác khai thác, vận hành hệ thống cấp nước này.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp khắc phục. Cụ thể là, đối với giải pháp trước mắt, đề nghị Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tiếp tục chủ động quản lý, theo dõi và phát hiện hiện tượng rò rỉ trên toàn tuyến ống (bằng kiểm soát áp lực trực tuyến kết nối với trung tâm điều hành của Công ty); Tăng cường công tác tuần tra, phát hiện sớm các vị trí sự cố rò rỉ, vỡ ống.
Trường hợp có sự cố, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cần thực hiện ngay một số giải pháp đồng thời như thông báo tới khách hàng dùng nước được biết để có biện pháp tích trữ và sử dụng tiết kiệm nước; thành lập Đội ứng phó sự cố, chuẩn bị sẵn vật tư, phụ kiện, máy móc thiết bị thi công, nhân công kỹ thuật tập trung thi công sửa chữa trong thời gian nhanh nhất (không được quá 24 giờ); báo cáo UBND thành phố Hà Nội tổ chức và phối hợp với các công ty cấp nước khác điều tiết mạng lưới đường ống cấp nước hỗ trợ từ các nguồn nước khác bổ sung nhằm duy trì lượng nước tối thiểu cung cấp cho nhân dân.
Về lâu dài, Bộ Xây dựng đề nghị Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 Nhà máy nước Sông Đà, trong đó ưu tiên cho đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải giai đoạn 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật) đặt cùng hướng với tuyến ống giai đoạn 1, bổ sung phương án đấu nối với tuyến ống hiện nay hỗ trợ khi có sự cố. Rút kinh nghiệm về lựa chọn tuyến ống giai đoạn 1, loại vật liệu ống giai đoạn 2 cần nhằm đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật (áp lực đường ống, độ ăn mòn, độ bền...), các yêu cầu về chất lượng, các tác động trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt, xử lý nền móng và thuận lợi trong công tác quản lý, khai thác, vận hành.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện ký kết Thỏa thuận dịch vụ cấp nước với những nội dung cơ bản như phân vùng phục vụ cấp nước, định hướng kế hoạch phát triển cấp nước, giá nước, các điều kiện dịch vụ (chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục) theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
Để có thể chấm dứt tái diễn việc xảy ra sự cố đường ống nước sông Đà, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện để thực hiện theo giải pháp khắc phục nêu trên đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố Hà Nội.
Trước đó, ngày 05/11/2019 UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 2453/QĐ-UBND về việc tạm ngừng hiệu lực Quyết định chủ trương đầu tư số 01/QĐ-UBND ngày 12/01/2017 và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 70/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình. Điều 1: Tạm ngừng hiệu lực của Quyết định chủ trương đầu tư số 01/QĐ-UBND ngày 12/01/2017 và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 70/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình đến khi Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà có giải pháp lấy nguồn nước từ sông Đà cung cấp trực tiếp vào nhà máy xử lý (không sử dụng hồ Đầm Bài), đảm bảo an toàn, kiểm soát được ô nhiễm nguồn nước. |
Khánh Hòa – Huyền Trang
Theo