Thứ năm 25/04/2024 14:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trấn Yên (Yên Bái): Huyện đầu tiên cán đích nông thôn mới

19:16 | 19/12/2019

(Xây dựng) - Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay, 100% số xã của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là kết quả quan trọng để đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái như mục tiêu đề ra vào đầu năm 2020.

Trấn Yên (Yên Bái): Huyện đầu tiên cán đích nông thôn mới
Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Trấn Yên.

Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có 22 xã và thị trấn với 190 thôn, bản, khu phố; có 4 xã đặc biệt khó khăn; 10 xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Trấn Yên cũng như các địa phương khác trong tỉnh đều có xuất phát điểm thấp, bình quân các xã đều đạt từ 4 - 5 tiêu chí/xã; những xã đặc biệt khó khăn chỉ đạt 1- 2 tiêu chí/xã. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường… cần nhiều nguồn lực đầu tư lớn.

Huyện có 4 xã đặc biệt khó khăn; 46 thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong đó có 05 thôn 100% đồng bào Mông sinh sống; tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30%, thu nhập bình quân thấp dưới 10 triệu đồng/người/năm... Trong sản xuất, phát triển kinh tế chủ yếu theo truyền thống, nhỏ lẻ, phân tán, tự cung tự cấp và dựa vào nền kinh tế “tự nhiên” là chính. Nhưng khó khăn hơn là nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, còn có biểu hiện do dự, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa tích cực, chưa chủ động và tự nguyện tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn huyện; gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể, đồng thời gắn việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, bền vững; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chú trọng thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ và tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Song song là tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên phổ biến các cơ chế chính sách về xây dựng nông thôn mới, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức đoàn thể các xã đã cụ thể hóa các nội dung phong trào thi đua, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng các phong trào: “Học sinh tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Thắp sáng đường quê”, “Tự quản vệ sinh đường làng ngõ xóm”, “trồng hoa ven đường”, “Mỗi gia đình 01 hố thu gom rác thải”…

Đối với các xã đặc biệt khó khăn và các thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống, Trấn Yên phân công, giao nhiệm vụ cho 5 đảng bộ cơ quan trực thuộc Huyện ủy (Đảng bộ cơ quan Đảng, Đoàn thể; Đảng bộ cơ quan chính quyền; Đảng bộ Công an huyện; Đảng bộ Quân sự huyện; Đảng bộ Khối sự nghiệp), mỗi đảng bộ giúp đỡ 1 thôn đồng bào Mông ở 2 xã Hồng Ca và Kiên Thành hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang cùng ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy, đến hết tháng 10/2019, Trấn Yên đã có 100% số xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, hiện đã hoàn thành hồ sơ đánh giá cấp huyện, đang đề nghị các cấp thẩm định theo quy trình và sẽ được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.

Quá trình triển khai từ năm 2011 - 2019 nhân dân đã đóng góp 740,8 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới và đóng góp 217.000 ngày công lao động; hiến 517.870m2 đất để làm đường, làm nhà văn hóa thôn; đóng góp xây dựng 250km đường điện chiếu sáng ở các tuyến đường trung tâm xã và khu vực dân cư.

Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đầu tư đồng bộ, phát triển khá nhanh, đáp ứng với nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, diện mạo nông thôn đổi thay đáng kể.

100% đường trục xã và 81% đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động, kênh mương kiên cố hóa đạt 73,4%; 100% số xã đều có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn; số hộ sử dụng điện an toàn đạt tỷ lệ 98,6%; 100% số trường đạt chuẩn; 100% số xã có nhà văn hóa, sân thể thao trung tâm đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 35,4 triệu đồng/năm (tăng 10 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo còn 5% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là 2,78%); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: Vùng tre măng bát độ gần 3.500ha, vùng quế 16.000ha, chè chất lượng cao 200ha, vùng trồng dâu 700ha, vùng trồng cây ăn quả có múi 750ha, 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa. Sản xuất đã chuyển dần theo hướng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; các hình thức tổ chức sản xuất từng bước được củng cố và phát triển theo hướng tổ, nhóm, hợp tác xã kiểu mới liên kết trong sản xuất nông nghiệp và các chuỗi liên kết.

Có thể khẳng định, để xây dựng nông thôn mới thành công, ngay từ đầu, Trấn Yên đã xác định mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn huyện, là vai trò, trách nhiệm tập thể cấp ủy Thường vụ, Thường trực, Ban chấp hành và chính quyền từ huyện đến các cơ sở, ban, ngành.

Bên cạnh đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, huy động sự tham gia vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế vào xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ với các nguồn vốn khác để xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực huy động vốn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và người dân, trên tinh thần tự nguyện và bàn bạc dân chủ cho việc xây dựng hạ tầng…

Đặc biệt, việc tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền cấp trên, các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp, doanh nhân đã đồng hành, chia sẻ và đóng góp không nhỏ cho thành công của huyện.

Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới đến với các địa phương, mang lại niềm vui, sự tin tưởng khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên. Dẫu vẫn còn nhiều việc phải làm để trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020 nhưng với những đổi thay theo hướng tích cực, với cơ sở vật chất có được và những tư duy mới, cách làm mới trong sản xuất của mỗi người dân là nền tảng quan trọng để Trấn Yên phát triển toàn diện, xứng đáng là ngọn cờ đầu về đích nông thôn mới.

Thái Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load