Thứ ba 24/12/2024 10:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Hưng Yên: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đa Lộc

12:38 | 04/11/2024

(Xây dựng) – Vốn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ân Thi (Hưng Yên), bằng sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đa Lộc, sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, xã Đa Lộc đã và đang hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hưng Yên: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đa Lộc
Hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đem lại diện mạo hoàn toàn mới cho xã Đa Lộc.

Hoàn thiện các tiêu chí

Xã Đa Lộc nằm phía Nam huyện Ân Thi, diện tích tự nhiên gần 578ha, dân số khoảng 5.700 người. Là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Ân Thi, kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thời gian gần đây, trên địa bàn xã đã xuất hiện các hoạt động sản xuất tiểu, thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Giảm, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc: Thời điểm bắt đầu Chương mục tiêu quốc gia trình xây dựng nông thôn mới cách nay hơn chục năm, kinh tế của địa phương còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, thu ngân sách của xã không đáng kể. Đây là khó khăn, trở ngại lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Đa Lộc. Khi thu nhập của người dân còn thấp việc, việc huy động sự đóng góp của người dân sẽ khó khăn. Đồng thời, ngân sách địa phương hạn chế nên chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn... Một khó khăn khách quan trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở Đa Lộc là cốt đường ngõ xóm, đường nội đồng rất thấp, dễ xảy ra hiện tượng ngập úng đã gây không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, xây dựng nông thôn mới ở địa phương này lại có rất nhiều thuận lợi như: Nhân dân trong xã cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương. Người dân luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, luôn năng động, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.

Năm 2017, xã Đa Lộc hoàn thành nhiện vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ đó đến nay, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đa Lộc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao hướng tới hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, căn cứ vào các kế hoạch, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành và của tỉnh, Đảng ủy, UBND xã Đa Lộc đã ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. UBND xã Đa Lộc đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Đa Lộc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, đoàn thể và các thôn để tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Giảm, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định công tác tuyên truyền, quán triệt trong hệ thống chính trị và triển khai tới nhân dân để người dân hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân được nâng lên. Người dân đã hiểu rõ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nâng cao đời sống của người dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội được phát triển và người dân có vai trò là chủ thể quan trọng.

Nhiều phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu đã được phát động như: Phong trào xây dựng “Khu dân cư 3 không” với các nội dung “Không có tệ nạn xã hội, không ô nhiễm môi trường, không áp dụng hủ tục trong việc cưới, việc tang”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Hội viên nông dân thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”…

Tập trung phát triển kinh tế

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, lãnh đạo xã Đa Lộc triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, ngành nghề nâng cao thu nhập cho người dân. Bà Cao Thị Tân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ân Thi cho biết: Lãnh đạo UBND xã Đa Lộc đã tập trung thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề nông thôn và bảo vệ môi trường nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm. Người dân trong xã đã đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Nông dân xã Đa Lộc đã chuyển đổi các loại giống cây trồng có năng xuất ao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Tham gia nhiều lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, nông dân trong xã đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Hưng Yên: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đa Lộc
Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao đã được xây dựng thành công ở xã Đa Lộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Văn Giảm, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Ân Thi chia sẻ: Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, mở rộng thị trường, đặc biệt là các loại hình kinh doanh thương mại, khuyến khích các hoạt động cung ứng vật tư cho xây dựng, sản xuất nông nghiệp và dịch vụ vận tải, mở rộng các điểm trao đổi mua bán hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trong xã, toàn xã đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nên thu nhập và đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 76,11 triệu đồng/năm.

Khi kinh tế phát triển, việc huy động nguồn lực cho các chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cũng thuận lợi hơn. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, tổng kinh phí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đa Lộc lên tới gần 83 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã lên tới 66 tỷ đồng, số còn lại từ ngân sách tỉnh, huyện.

Một người dân xã Đa Lộc cho biết: “Các chương trình phát triển kinh tế của xã đều phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương cũng như khả năng canh tác của người dân. Vì thế, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Người dân đã hiểu và luôn ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới do xã triển khai như hiến đất làm đường, ủng hộ kinh phí xây dựng đường ngõ xóm, đường nội đồng cũng như tham gia phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Theo ông Nguyễn Văn Giảm, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, hiện nay, xã đã đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và đang chờ các Sở, ngành tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, công nhận. Thời gian tới, để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài việc huy động tối đa nguồn lực tại địa phương và sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân để hoàn thiện cơ sở vật chất, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, hướng nghiệp cho người dân chọn và học đúng nghề theo nhu cầu từ đó vận dụng tốt kiến thức được trang bị, tập huấn vào thực tế sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. “Quyết tâm của xã là giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu”, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc khẳng định.

Vị Thủy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load