(Xây dựng) - Theo kế hoạch, thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất, thúc đẩy phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.
Ngày 17/12 vừa qua, huyện Thanh Trì đã tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 đối với 29 sản phẩm thuộc 2 nhóm thực phẩm và thủ công mỹ nghệ.
8 chủ thể tham gia đợt đánh giá lần này gồm: Công ty TNHH chế biến thực phẩm Đông Đô, Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Việt Xanh, Hộ kinh doanh Lê Đình Tuấn, HTX kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan, Hộ kinh doanh Khánh Toàn, Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thanh Tâm, Cơ sở Quang Trung và Cơ sở Thành Đạt thuộc 6 xã Đông Mỹ, Thanh Liệt, Tả Thanh Oai, Duyên Hà, Liên Ninh và Đại Áng.
Các sản phẩm sẽ được lần lượt đánh giá và chấm điểm trên 3 bộ tiêu chí: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị, các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm.
Trong buổi đánh giá, phân hạng các sản phẩm, các thành viên Hội đồng OCOP huyện Thanh Trì đã bám sát quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức đánh giá khách quan, công bằng đối với tất cả sản phẩm.
Sản phẩm OCOP xôi ngũ sắc của huyện Thanh Trì. |
Tại buổi đánh giá, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì khẳng định, trong năm 2025, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cơ chế hỗ trợ, thúc đất phát triển các sản phẩm OCOP. Trong đợt đánh giá lần này, các sản phẩm năm nay khá đồng đều về chất lượng. 29/29 sản phẩm OCOP đều được đánh giá đạt 3 sao trong đó có 10 sản phẩm tiềm năng đạt Hạng 4 sao.
Đầu tháng 10/2024, UBND huyện Thanh Trì cũng tích cực phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ. Sự kiện này gắn liền với sự kiện chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Giải phóng huyện Thanh Trì (6/10/1954 - 6/10/2024) và đón Bằng công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” từ 2019 đến nay, toàn Thành phố Hà Nội đã gây dựng được gần 2.800 sản phẩm. Riêng trong năm 2024, thành phố tiếp tục đánh giá, phân hạng khoảng 500 sản phẩm. Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận; có 1.090 HTX nông nghiệp đang hoạt động; 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc.
Đối với huyện Thanh Trì, đã có 129 sản phẩm được công nhận, trong đó có 64 sản phẩm đạt 4 sao, 65 sản phẩm đạt 3 sao. Bên cạnh đó, Thanh Trì cũng xây dựng được 4 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống còn được lưu giữ, phát triển tại huyện Thanh Trì. |
Huyện Thanh Trì hiện có 8 làng nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu gồm: Miến dong, bánh đa thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa; bánh chưng, bánh dày thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà; dệt Triều Khúc, xã Tân Triều; nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng; mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc; rượu Ngâu xã Tam Hiệp; may Vĩnh Trung xã Đại Áng và sản xuất bánh kẹo thôn Nội Am, xã Liên Ninh.
Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì khẳng định, sự kiện là dịp để Hà Nội nói chung, huyện Thanh Trì nói riêng, đưa các sản phẩm OCOP gần hơn tới tay người tiêu dùng. Trong năm 2024, Thanh Trì cũng tổ chức thành công “Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thanh Trì 2024”.
Lãnh đạo huyện Thanh Trì khẳng định, thông qua các sự kiện, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong nền kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Những năm qua, Trung ương và Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, làng nghề thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương. Điều này đã góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có người dân huyện Thanh Trì.
***
Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội.
Thu Quỳnh
Theo