(Xây dựng) – Sau khi hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2023, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) tiếp tục tổ chức phát động đợt thi đua “Đại Từ quyết tâm, chung sức xây dựng huyện NTM nâng cao” năm 2024, triển khai thực hiện từ ngày 01/01-31/12/2024, đến nay đạt nhiều kết quả cao.
Bí thư Huyện ủy Đại Từ Nguyễn Thành Minh kiểm tra, động viên nhân dân góp công sức, hiến đất mở đường chung tay xây dựng NTM tại cơ sở. |
Theo đó, đến hết năm 2023, huyện Đại Từ đạt chuẩn huyện NTM với 100% xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Năm 2024, huyện Đại Từ đặt mục tiêu phấn đấu có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay: Xã Vạn Thọ đã được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 và sáp nhập với xã Ký Phú (được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023) thành xã Vạn Phú. 4 xã (An Khánh, Cát Nê, Bản Ngoại và Văn Yên) đã được đoàn thẩm định của tỉnh thẩm định, đánh giá đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM nâng cao; 3 xã (Tân Linh, Phục Linh và Bình Thuận) đã được huyện thẩm tra và trình thẩm định; 4 xã (Mỹ Yên, Tân Thái, Phú Xuyên và Khôi Kỳ) đã được huyện thẩm tra, đang triển khai kế hoạch lấy ý kiến hài lòng của người dân, dự kiến trình thẩm định trong tháng 12/2024; 3 xã (Cù Vân, Phú Lạc và Lục Ba): Dự kiến trình thẩm định trong quý I/2025.
Với những kinh nghiệm đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM, nhiều mục tiêu để ra trong quá trình xây dựng huyện NTM nâng cao đã được Đại Từ triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo hiệu ứng cao nhà nhà, người người xây dựng nông thôn mới trong toàn xã hội. Nhờ đó, mà nhiều nội dung thành phần của chương trình đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đã đảm bảo cơ bản đồng bộ, hiện đại, kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.
Từ các nguồn vốn được phân bổ năm 2024 và nguồn vốn xi măng, các xã đã và đang triển khai thi công xây dựng các công trình để thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí, phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt nhiều tuyến đường tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo nạo vét được trên 320km kênh mương, đảm bảo tỷ lệ diện tích tưới chủ động trên địa bàn huyện đến nay đạt trên 95%.
Để nâng cấp chất lượng lưới điện phục vụ sản xuất, huyện cũng phối hợp với Công ty Điện lực Thái Nguyên rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110KV trên địa bàn đảm bảo cấp điện phục vụ sản xuất ổn định cho các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án tiếp tục cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo phục vụ tốt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, các xã tiếp tục sửa chữa, lắp đặt được 26 hệ thống đường điện chiếu sáng với tổng chiều dài 39,1km tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Riêng thực hiện đợt thi đua “Đại Từ quyết tâm, chung sức xây dựng huyện NTM nâng cao” năm 2024, triển khai thực hiện từ ngày 01/01-31/12/2024. Kết quả trong năm 2024 đã tổ chức 10 đợt ra quân, huy động được 202.729 lượt người; tổng kinh phí huy động xã hội hóa là 448,19 triệu đồng.
Về huy động nguồn lực: Tổng các nguồn lực huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện trong năm đạt 462.155 triệu đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương 58.065,3 triệu đồng; ngân sách địa phương bao gồm ngân sách tỉnh, huyện, xã 272.786 triệu đồng; vốn lồng ghép: 57.403 triệu đồng; vốn huy động của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư 73.901 triệu đồng). Huyện Đại Từ không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình xây dựng NTM.
Sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân là yếu tố quan trọng giúp Đại Từ đạt được các mục tiêu xây dựng NTM đề ra. |
Trong xây dựng, nâng cấp các công trình nhà văn hóa và khu thể thao xã, xóm, trong năm toàn huyện đã xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 nhà văn hóa, sân thể thao xã đạt chuẩn theo tiêu chí NTM; xây mới, cải tạo, nâng cấp 14 nhà văn hóa xóm. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao phát triển, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 95,4%; tỷ lệ xóm, tổ dân phố văn hóa 99,2%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá 96,9%.
Trong phát triển kinh tế, đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, huyện đã triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Cũng trong năm 2024, từ ngân sách, huyện đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (hỗ trợ phát triển cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi, công tác quy hoạch phát triển sản xuất...). Đặc biệt, nhờ chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần tăng giá trị sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, giá trị bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt 143,2 triệu đồng/ha. Năm 2024, huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận 6 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhờ phát triển mạnh sản xuất, toàn huyện cũng đã giải quyết việc làm mới cho 3.609/3.300 người, đạt 109,4% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động 167 người. Các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và đào tạo được 2.770/2.600 người, đạt 106,5% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75%, trong đó tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 35%.
Để công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả cao, trong năm 2024 toàn huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 159 hộ với tổng kinh phí trên 6,4 tỷ đồng. Qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 (thực hiện năm 2025), tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,233%, giảm 1,48% so với năm 2023.
Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn không ngừng được nâng cao. Duy trì 100% trường chuẩn quốc gia. 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học; 100% học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở. Các xã, thị trấn hướng dẫn người dân đăng ký sổ sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 98,5%;
Trong nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam. Đến nay, tỷ lệ hộ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được phân loại, thu gom, xử lý theo quy định trung bình khoảng đạt 95,1%; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 41,14%.
Đại Từ là điểm sáng trong xây dựng NTM của tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đủ tiêu chuẩn trở thành thị xã trước năm 2030. |
Qua lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, tỷ lệ người dân hài lòng đạt trên 99%.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực, chủ động đề ra nhiều giải pháp quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao với 100% các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng 3 xã NTM kiểu mẫu (Hà Thượng, Hoàng Nông, Vạn Phú). Hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh thẩm tra, trình Trung ương thẩm định, xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Việt Hoan
Theo