Thứ sáu 06/12/2024 06:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Hà Nội: Xã Tiến Thịnh thay đổi bộ mặt nhờ phát triển nông thôn mới

15:46 | 04/11/2024

(Xây dựng) – Nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô, huyện Mê Linh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xã Tiến Thịnh là một điểm sáng, đạt được nhiều thành quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

Hà Nội: Xã Tiến Thịnh thay đổi bộ mặt nhờ phát triển nông thôn mới
Xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội.

Xã Tiến Thịnh là một xã thuần nông có diện tích 743ha, trong đó có đến 430ha đất nông nghiệp. Với dân số lên đến hơn 13.000 nhân khẩu chia đều trên địa bàn 7 thôn. Tiến Thịnh có đầy đủ nguồn lực và nhân lực để xây dựng mô hình nông thôn mới và ngày càng thay đổi bộ mặt địa phương trong suốt nhiều năm qua.

Trong những năm gần đây xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều ngành nghề phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hoạt động văn hoá xã hội, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ. Tình tình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ổn định. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và tăng cường, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên.

Với điều kiện kinh tế - xã hội ổn định cùng nhiều thuận lợi khác, năm 2016, xã Tiến Thịnh đã được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến tháng 9/2023 qua việc tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã Tiến Thịnh có đến 17/19 tiêu chí đạt và 2 tiêu chí cơ bản đạt. Phấn đấu đến cuối năm 2024, xã sẽ đạt được nông thôn mới nâng cao.

Hà Nội: Xã Tiến Thịnh thay đổi bộ mặt nhờ phát triển nông thôn mới
Các tuyến đường mới nâng cao bộ mặt cảnh quan xã Tiến Thịnh.

Xã Tiến Thịnh chung tay xây dựng bộ mặt nông thôn mới

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh cho biết: Xã đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 80 triệu đồng/người/năm. Mức sống bình quân tăng cao cùng tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc, được thay da đổi thịt với bộ mặt nông thôn mới. Để có được bộ mặt của nông thôn mới nâng cao, xã cũng được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đầu tư các dự án trên địa bàn như các trục đường giao thông, đặc biệt là các dự án đầu tư về tâm linh như: Chùa Bảo Lâm, đình Đinh Nguyên cùng các khuôn viên nhà văn hóa cho từng thôn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng khung của xã còn được chú trọng đầu tư như: Cải tạo nâng cấp 7 tuyến giao thông nội đồng, cải tạo xây dựng Trạm Y tế xã và trụ sở ban Công an xã; đầu tư xây mới 2 nhà văn hóa thôn Thọ Lão và Trung Hà.

Hà Nội: Xã Tiến Thịnh thay đổi bộ mặt nhờ phát triển nông thôn mới
Trường THCS Tiến Thịnh khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.

Bên cạnh đó, một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng đạt được kết quả cao: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, rải nhựa asphalt; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; Trường học 3 cấp trên địa bàn xã gồm THCS, Tiểu học, Mầm non; trong đó trường Tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường THCS đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 và trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trạm y tế xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đạt danh hiệu thôn “văn hóa”; 96% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Hà Nội: Xã Tiến Thịnh thay đổi bộ mặt nhờ phát triển nông thôn mới
Trạm y tế xã Tiến Thịnh được xây mới, nâng cấp nhiều hạng mục khám, chữa bệnh.

Những con số tích cực trong phát triển kinh tế

Ngoài thay đổi đang kể bộ mặt nông thôn, xã Tiến Thịnh còn đạt được nhiều thành quả kinh tế tích cực như trong nông nghiệp, xã đã tập trung chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh xã Tiến Thịnh giai đoạn 2020-2025”. Kết quả năm 2023 xã còn 390.31ha đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, cây ăn quả, ngô và cây rau màu các loại.

Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trên địa bàn xã có 835 hộ kinh doanh cá thể đều hoạt động có hiệu quả với nhiều lĩnh vực như: Kinh doanh dịch vụ hàng hóa, sản xuất thực phẩm các loại, xây dựng, vận tải, cơ khí, dịch vụ ăn uống. Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổn định có hiệu quả, kinh doanh dịch vụ ngày càng phát triển, góp phần không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.

Hà Nội: Xã Tiến Thịnh thay đổi bộ mặt nhờ phát triển nông thôn mới
Bánh đa nem Trung Hà là sản phẩm OCOP nổi bật của xã, đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường.

Chia sẻ với Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã làng nghề bánh đa nem Trung Hà cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước, trực tiếp từ UBND huyện Mê Linh, Phòng Kinh tế huyện và đặc biệt là UBND xã đã hỗ trợ cho hợp tác xã về nhiều mặt, trong quá trình sản xuất đến những khâu định vị thương hiệu. Đến nay, hợp tác xã đã có trên 300 hộ sản xuất, bánh đa nem Trung Hà cũng đã được dự thi OCOP của huyện Mê Linh năm 2023 và có 2 sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP.

Ông Đỗ Xuân Tuấn, một hộ gia đình thuộc làng nghề bánh đa nem Trung Hà cho biết: Trước kia, các sản phẩm của làng nghề sản xuất hiện diện manh mún, không tập trung. Nhưng từ sau khi chuyển sang đổi mô hình sản xuất hợp tác xã, các hộ gia đình tự làm thô sơ, nhỏ lẻ tiến tới sản xuất tập trung, năng suất của cả làng nghề được tăng cao. Ông Đỗ Xuân Tuấn cho biết, các hộ sản xuất trong hợp tác xã có những hộ tăng gấp 4-5 lần năng suất, cho ra lò từ 200-500kg bánh đa nem mỗi ngày. Thu nhập của các lao động trong hợp tác xã đạt mức từ 8-10 triệu đồng mỗi lao động/tháng.

Về làng nghề bánh đa nem ở xã, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh cũng cho biết: Nghề làm bánh đa nem truyền thống của làng Trung Hà, xã Tiến Thịnh đã có lịch sử hơn 30 năm, làng nghề bắt đầu phát triển từ năm 2014, năm 2022 đã hình thành hợp tác xã, đến năm 2023 đã có sản phẩm OCOP. Hiện nay với quy mô tổng số 300 hộ, thu nhập bình quân từ làng nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại này đạt mức hơn 133 tỷ đồng/năm với mức bình quân thu nhập cao, đẩy mặt bằng chung về thu nhập bình quân đầu người toàn xã tăng cao. Hiện nay, hợp tác xã làng nghề đang trên đà phát triển về mặt thương hiệu cũng như quảng bá sản phẩm rộng rãi đến với người tiêu dùng trong và xa hơn là ngoài nước.

Hướng đến nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay

Để đạt được những kết quả trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã nghiêm túc quán triệt và nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Do đó, ngay sau khi có sự chỉ đạo của Thành phố và huyện, xã đã khẩn trương triển khai công tác xây dựng Đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, xã còn nhận được sự quan tâm đúng lúc, đúng chỗ của các Sở, ngành, Thành phố, phòng, ban chuyên môn của huyện ở mọi mặt.

Hà Nội: Xã Tiến Thịnh thay đổi bộ mặt nhờ phát triển nông thôn mới
Nhân dân xã Tiến Thịnh chung tay xây dựng nông thôn mới.

Phát huy từ thế mạnh và thành quả hiện có của địa phương, xã Tiến Thịnh đề ra các phương hướng, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao như: Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; đồng thời thực hiện các giải pháp để đạt các chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính phường theo quy định.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và quản lý giám sát… Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP đối với sản phẩm an toàn.

Tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới. Phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lực. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tích cực cải thiện chất lượng môi trường. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xây dựng hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch xã Tiến Thịnh cũng cho biết, xã đang kêu gọi các nhà đầu tư để chuyển đổi nền kinh tế xanh, kinh tế sạch, kinh tế tuần hoàn vào nền kinh tế nông nghiệp và kinh tế sinh thái. Bên cạnh đó, xã cũng phấn đấu số hóa việc quản lý hành chính trong tương lai để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Vũ Trung – Tuấn Nghĩa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load