(Xây dựng) - Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã bám sát Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày. Hòa mình vào kỷ nguyên mới mà Trung ương phát động, nhiều quận, huyện chủ động tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hành chính để tạo động lực vươn mình.
Nông nghiệp Thủ đô 70 năm bứt phá
Năm 2024, 70 năm ngành Nông nghiệp Thủ đô được thành lập, ngành Nông nghiệp phát triển vượt bậc, với nhiều thành tựu bứt phá, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới của Thủ đô Hà Nội. Năm 1954, Sở NN&PTNT Hà Nội, tiền thân là Sở Canh nông Hà Nội, được thành lập theo Nghị định số 10-CN/ND ngày 30/11/1954 của Bộ Canh nông. Trải qua quá trình hoạt động, các giai đoạn lịch sử, Sở Canh nông Hà Nội đổi tên và nhiều lần chia tách, hợp nhất để phù hợp với thực tế. Đến tháng 8/2008, Sở NN&PTNT Hà Nội được thành lập lại, trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng với Sở NN&PTNT Hà Nội - Hà Tây (cũ).
Sau 70 năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp, nông thôn Thủ đô có nhiều thành tựu quan trọng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư lớn từ các chương trình của thành phố, với số vốn hàng nghìn tỷ đồng, hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân.
Sau gần 15 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn. Tới tháng 9/2024, Thanh Trì là huyện đầu tiên của thành phố được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ngoài ra, thành phố còn có các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín đã và đang hoàn tất các điều kiện để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao các năm 2023 và 2024. Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Nội dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nông nghiệp bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, với năng suất và giá trị thu nhập cao, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cam canh, bưởi diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Mê Linh…
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp về giống, kỹ thuật canh tác, áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, nhất là trong sản xuất lúa, đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung cho năng suất, chất lượng cao, góp phần cơ bản ổn định đời sống và bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn thành phố, là cơ sở vững chắc thúc đẩy tích cực quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hiện tại, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội chủ yếu tập trung vào khâu làm đất (đạt 100% diện tích); khâu thu hoạch (đạt hơn 90%). Đến nay, thành phố có đàn trâu 29.500 con; đàn bò 125.300 con; đàn lợn 1,48 triệu con; đàn gia cầm 42,2 triệu con với hơn 6.700 trang trại chăn nuôi.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, với lợi thế và tiềm năng của Hà Nội, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019, đến nay, thành phố đã có 2.756 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.491 sản phẩm 4 sao và 1.247 sản phẩm 3 sao. Năm 2024, thành phố tiếp tục đánh giá, phân hạng gần 500 sản phẩm nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều làng nghề tại Hà Nội được hồi sinh, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. |
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn không ngừng tăng, năm 2023 đạt 66,01 triệu đ/người/năm. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 75 triệu đ/người/năm… Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; các thiết chế văn hóa, giáo dục khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư… góp phần nâng cao đời sống người dân.
Gìn giữ giá trị truyền thống trong kỷ nguyên mới
Bên cạnh phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cũng đề cao giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tự nghìn đời ông cha để lại. Cùng với các làng nghề, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được khôi phục, bảo tồn… Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Một số vùng ngoại thành như xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), những năm qua, người dân đang tích cực chung tay bảo tồn, phát triển bộ môn hát ca trù truyền thống của địa phương. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam - người có công sức lưu giữ và truyền dạy đến nhiều thế hệ trẻ địa phương cho biết, ở xã Thượng Mỗ có nhiều người biết hát ca trù, hiện đang duy trì Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ có 45 hội viên. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, hội làng, ca trù là món ăn tinh thần không thể thiếu ở Thượng Mỗ. Hiện môn nghệ thuật này vẫn đang được bảo lưu và phát triển.
Hay như tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì), dù dòng chảy hiện đại từng ngày hiện hữu, nhưng truyền thống văn hóa xứ Mường nơi đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Các thôn xóm đều lưu giữ, trang bị những bộ cồng, chiêng - là “linh hồn” xứ Mường. Các thôn thành lập đội chiêng để tập luyện và biểu diễn. Sau nhiều năm mai một, đến nay, cồng chiêng đã tham gia vào tất cả các sinh hoạt của người Mường, như hát sắc bùa, lễ cưới, lễ dựng nhà, Tết cơm mới, tang lễ như truyền thống xa xưa người Mường…
Theo Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới từng bước đáp ứng được nhu cầu về văn hóa của người dân, ngày càng thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân và hướng đến xây dựng nông thôn vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc.
Tiếp nối những giá trị quá trình nông thôn mới đem lại, các địa phương của Hà Nội đã và đang hòa mình vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Như tại huyện Gia Lâm, đến giữa tháng 12/2024, địa phương này đã đi đầu và hoàn thành xong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Gia Lâm đã sắp xếp 10 xã thuộc diện sáp nhập, bao gồm: Phù Đổng, Trung Mầu, Dương Hà, Đình Xuyên, Bát Tràng, Đông Dư, Kim Lan, Văn Đức, Kim Sơn và Phú Thị. Quá trình xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính được huyện Gia Lâm thực hiện khoa học, toàn diện. Lịch sử hình thành, bản sắc văn hóa và điều kiện tự nhiên của các đơn vị hành chính đã được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm sự tương đồng và phù hợp.
Chia sẻ với báo chí, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà khẳng định, việc thực hiện giảm đơn vị hành chính cấp xã, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước không chỉ giúp tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, mà còn là bước quan trọng chuẩn bị mọi điều kiện để Gia Lâm xây dựng huyện thành quận, xã thành phường trong năm 2025.
Thu Quỳnh
Theo