(Xây dựng) – Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang triển khai phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bắc Giang) |
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 139 vùng sản xuất lúa tập trung, diện tích 18.446ha; 78 vùng sản xuất rau, diện tích 7.254ha; 8 vùng sản xuất lạc, diện tích 1.460ha; 42 vùng sản xuất vải thiều, diện tích 21.186ha; 9 vùng sản xuất cam, diện tích 2.750ha; 15 vùng sản xuất dược liệu, chè, hoa cây cảnh, diện tích 2.500ha; 16 vùng sản xuất bưởi, diện tích 4.052ha; 15 vùng sản xuất cây ăn quả khác, diện tích 5.460ha.
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được 21 vùng chăn nuôi lợn tập trung; 31 vùng chăn nuôi gà; 21 vùng chăn nuôi trâu, bò; 18 vùng chăn nuôi dê; 4 vùng chăn nuôi ngựa; 12 vùng chăn nuôi ong; 36 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung...
UBND tỉnh lập danh mục xác định 7 sản phẩm chủ lực (lợn, gà, vải thiều, lúa - gạo, rau các loại, mỳ gạo, chè) và 15 sản phẩm đặc trưng (mật ong, cam, bưởi, na dai, rau cần Hoàng Lương, lạc giống, củ sâm Nam núi Dành)... nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 48.748ha diện tích đất trồng lúa tập trung, duy trì ổn định và phát triển đàn lợn dao động từ 1 - 1,2 triệu con với sản lượng thịt hơi ước đạt 180 nghìn tấn, 55 nghìn ha cây ăn quả chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với trung tâm là các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế, Sơn Động, Hiệp Hòa...
Việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tạo cơ sở cho các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, định hướng quy hoạch cơ sở chế biến nông sản. Từ đó, giúp các địa phương xây dựng lộ trình đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất. Đồng thời từng bước tạo các ngành hàng, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục xác định các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của các địa phương trong tỉnh.
Để phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả “Bản đồ số hóa vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tập trung chỉ đạo các địa phương hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2030 Bắc Giang là trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc.
Thảo Phương
Theo