Thứ ba 12/11/2024 17:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nam: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

21:47 | 30/10/2024

(Xây dựng) – Với cách làm sáng tạo, Hà Nam trở thành điểm sáng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, tính đến hết tháng 09/2024, tỉnh Hà Nam công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có thêm 38 sản phẩm OCOP được công nhận hạng 3 sao.

Hà Nam: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam có nhiều cuộc họp triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình NTM.

Chung sức, đồng lòng

Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hà Nam những tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết: Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy năm 2024 với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã và các xã tiếp tục chỉ đạo thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đảm bảo bền vững.

Nhờ ý chí quyết tâm, sự chung sức đồng lòng, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo sự hài lòng của người dân.

“Nhiều mô hình phát triển sản xuất gắn với liên kết chuỗi đạt hiệu quả được xây dựng và nhân rộng, thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn được nâng cao. Cảnh quan môi trường được tạo và giữ gìn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp…”, ông Ngô Mạnh Ngọc chia sẻ.

Hà Nam: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Lãnh đạo một số Sở, ngành thăm quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, trong 09 tháng đầu năm 2024, tỉnh Hà Nam công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đến nay có 100% số xã (83/83 xã) được công nhận đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện (6/6 huyện, thành phố) đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện 15 xã đăng ký đạt chuẩn nâng cao và 02 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024 đang tích cực thực hiện hoàn thiện đạt chuẩn chỉ tiêu, tiêu chí và hồ sơ tự đánh giá của xã. Phấn đấu năm 2024 có thêm 10 - 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Hà Nam có thêm 38 sản phẩm OCOP được công nhân đạt hạng 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 130 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên.

Phát triển hạ tầng, thay đổi diện mạo nông thôn

Thực tế đáng ghi nhận trong việc thay đổi diện mạo NTM Hà Nam là việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông, chợ dân sinh và hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Điều này đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam: Các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, cải tạo, làm mới đã đáp ứng được yêu cầu đi lại thuận tiện cho nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Đặc biệt thời gian qua, nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam đã quy hoạch các tuyến đường giao thông nông thôn rộng từ 7m trở lên, nhất là các khu dân cư đấu giá quyền sử dụng đất ở, có vỉa hè và hệ thống cống thu gom nước thải, bảo đảm kết nối với hệ thống kênh mương trong khu vực, hướng tới thuận tiện thực hiện các biện pháp xử lý, không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và hướng tới phát triển đô thị.

Hà Nam: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông, chợ dân sinh và hệ thống thủy lợi góp phần thay đổi diện mạo NTM Hà Nam.

Cùng với đó, hệ thống thủy lợi được đầu tư, nâng cấp đã góp phần nâng cao năng lực phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp của các công trình thủy lợi, đặc biệt là chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp đòi hỏi yêu cầu tiêu gấp trên 3 lần so với đất lúa. Hệ thống thủy lợi đồng bộ cũng tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cải tạo môi trường, giảm ô nhiễm môi trường nước tại công trình thủy lợi và các sông nội tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt, bão, úng, hạn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây mới và cải tạo cơ sở hạ tầng chợ nông thôn, tổ chức chuyển đổi lại mô hình quản lý để xây dựng các chợ khang trang, sạch đẹp, đảm bảo phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, góp phần đẩy mạnh giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Chia sẻ về tình hình thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Nam và các Sở, ban, ngành, huyện Lý Nhân tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM trên nhiều mặt, theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...; tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí 2021 – 2025.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, đến nay Lý Nhân có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện 05 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 cũng đang tập trung hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu và hoàn thiện hồ sơ các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt trình các cấp thẩm tra, thẩm định để công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

“Huyện cũng yêu cầu các xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” bằng nhiều hình thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, phát huy tốt nội lực nhân dân trong xây dựng NTM như: Chỉnh trang cải tạo vườn tạp, trồng hoa, cây xanh, cây bóng mát trên các tuyến đường; vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu dân cư…”, ông Nguyễn Đức Nhương nhấn mạnh.

Hiệu quả kinh tế từ các HTX nông nghiệp

Trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, vai trò của hợp tác xã (HTX) được thể hiện nổi bật thông qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng kết nối để phát triển ổn định và bền vững; tham gia đóng góp quy hoạch, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn..., góp phần thực hiện trực tiếp tiêu chí về thủy lợi và phòng chống thiên tai; tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Hà Nam: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Nhiều người quan tâm, tìm hiểu mô hình nuôi cá sông trong ao của HTX Thủy sản Hải Đăng.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam) cho biết: Tính đến ngày 30/9/2024, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 269 HTX và ước đến hết năm 2024 có 270 HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân năm 2023 đạt 1.215 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 67,70 triệu đồng/HTX và năm 2024 doanh thu ước đạt 1.250 triệu đồng/HTX, lợi nhuận ước đạt 70 triệu đồng/HTX, đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024.

“Các HTX nông nghiệp đã cơ bản phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp”, chị Hồng chia sẻ.

Hiện có thể kể đến một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như HTX Thủy sản Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng với mô hình nuôi cá sông trong ao. Các sản phẩm của HTX bao gồm: Cá tươi, cá kho, ruốc cá, chả cá. Phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. HTX hiện có 03 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Các sản phẩm: Ruốc cá, chả cá, cá tươi của HTX đã được liên kết đưa vào hệ thống siêu thị Win Mart, ABG. Sản lượng đưa vào siêu thị hàng năm đạt khoảng 1,5 tấn ruốc cá, 15 tấn chả cá, 70 tấn cá sống.

Hà Nam: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
HTX Thủy sản Hải Đăng còn là điểm thăm quan của các cháu thiếu nhi.

Tiếp đó là HTX Công nghệ cao Đồng Du, xã Đồng Du, huyện Bình Lục. Cơ sở chuyên sản xuất Nho các loại, Thanh Long, Bưởi với tổng diện tích 05ha theo quy trình VietGap. Các sản phẩm được tiêu thụ với các kênh đa dạng từ bán trực tiếp (bán lẻ, bán buôn) đến bán hàng trực tuyến đã mang lại hiệu quả cao cho HTX và thành viên.

Với mức lương từ 8 đến 9 triệu đồng/1 tháng tại HTX, chị Lê Thị Thủy, người dân sống xã Thanh Sơn cho biết: “Gia đình tôi trước đây chủ yếu làm nông không có thu nhập. Từ khi được vào làm trong Hợp tác xã, công việc ổn định, thu nhập đều đặn nên kinh tế gia đình cũng vững hơn. Sự phát triển của các HTX nông nghiệp đã giúp bà con chúng tôi ổn định đời sống hơn rất nhiều”.

Đến hết năm 2024, Hà Nam đặt mục tiêu có thêm từ 10 - 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt NTM kiểu mẫu. Với sự quyết tâm, cách làm sáng tạo, tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam sớm đạt mục tiêu đề ra. Chính phủ và các Bộ, ngành cũng cần quan tâm, hỗ trợ, bố trí kinh phí lồng ghép các chương trình, dự án ngân sách Trung ương triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load