Thứ sáu 06/12/2024 05:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Vĩnh Phúc: Huyện Vĩnh Tường cán đích huyện nông thôn mới năm 2024

15:42 | 04/11/2024

(Xây dựng) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã đạt các tiêu chí huyện NTM theo quy định của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Vĩnh Phúc: Huyện Vĩnh Tường cán đích huyện nông thôn mới năm 2024
Diện mạo NTM huyện Vĩnh Tường ngày càng khởi sắc.

Hoàn thành các tiêu chí đạt huyện NTM năm 2024

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, huyện Vĩnh Tường đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân với quyết tâm cao nhất, để đưa huyện Vĩnh Tường cán đích huyện NTM.

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường cho biết: Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tích cực quán triệt, triển khai Nghị quyết tới các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Trưởng, Phó các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, Bí thư các Chi, Đảng bộ cơ sở; xây dựng các phóng sự, tờ rơi về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM làm tài liệu tuyên truyền, vận động nhân dân; Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên đề về xây dựng NTM tại các Chi, Đảng bộ cơ sở trên địa bàn huyện…

Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như thông qua các cuộc họp thôn triển khai xây dựng thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thôn thông minh; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, của xã, của thôn; tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, pano, hệ thống xe tuyên truyền lưu động phát huy hiệu quả…

Vĩnh Phúc: Huyện Vĩnh Tường cán đích huyện nông thôn mới năm 2024
Đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã Lý Nhân ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp trong quá trình xây dựng NTM nâng cao.

Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, huyện đã quan tâm, chú trọng huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM. Tính riêng giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã huy động gần 4.000 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, nguồn vốn huy động được từ người dân gần 740 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động vận động các doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt. Từ năm 2011 đến năm 2024, huyện Vĩnh Tường đã huy động tổng kinh phí thực hiện chương trình là hơn 9.538 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn huyện có 25 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%; 9/25 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 3 thị trấn gồm Vĩnh Tường, Thổ Tang và Tứ Trưng đã đạt chuẩn đô thị văn minh. Về duy trì xã NTM, đến nay có 21/25 xã đã duy trì đạt chuẩn xã NTM theo quy định giai đoạn 2021-2025, đạt 84%. Còn 4 xã (Cao Đại, Tân Phú, Tam Phúc, Chấn Hưng) mới đạt 18/19 tiêu chí duy trì NTM theo quy định giai đoạn 2021-2025.

Năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao đối với xã Lý Nhân và Vĩnh Sơn, Yên Bình và Lũng Hoà; xây dựng xã Tam Phúc đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đến nay xã Tam Phúc đã đạt các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Lý Nhân và Vĩnh Sơn đạt các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đạt 64,4 triệu đồng/người/năm 2023, tăng 9,2 triệu đồng so với năm 2020, dự kiến năm 2024 đạt 66,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện đã được kéo giảm đáng kể, đến cuối năm 2023 chỉ còn 1,02%, dự kiến năm 2024 là 0,61%.

Lĩnh vực y tế có bước phát triển, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đến nay, toàn huyện có 64/87 trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 73,6%), trong đó có 38/87 trường đã được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt tỷ lệ 43,7%).

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, dân chủ ở cơ sở được phát huy, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc phát triển mạnh; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương…

Ngày 04/10, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Vĩnh Tường đã tổ chức hội nghị bỏ phiếu đề nghị xét công nhận huyện Vĩnh Tường đạt chuẩn NTM năm 2024; 02 xã Lý Nhân, Vĩnh Sơn đạt chuẩn xã NTM nâng cao và xã Tam Phúc đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2024.

Thúc đẩy, phát triển kinh tế làng nghề

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ khiến nhiều làng nghề truyền thống phải đứng trước nguy cơ mai một, song làng rèn truyền thống Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vẫn luôn đỏ lửa cho đến ngày hôm nay, đem lại sự thịnh vượng cho trên 700 hộ dân.

Ông Trần Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân cho biết: “Thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, đến nay, Làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch có 4 hộ sản xuất, kinh doanh được vay vốn theo đề án nhóm “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” với tổng kinh phí đầu tư 1,148 tỷ đồng. Trong đó, vốn khuyến công hỗ trợ 556 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ, các hộ đã đầu tư mua hệ thống lò nung bằng điện, lò tôi và máy khắc laser fiber, nâng tổng số máy móc của làng rèn Bàn Mạch lên tới 300 máy búa, 6 máy cán, 175 máy đột dập và hàng nghìn máy móc khác. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hơn 2.200 lao động mà còn góp phần đưa doanh thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp toàn xã năm 2023 đạt trên 200 tỷ đồng”.

Vĩnh Phúc: Huyện Vĩnh Tường cán đích huyện nông thôn mới năm 2024
Anh Phùng Văn Đô, Giám đốc Hợp tác xã Rèn thanh niên xã Lý Nhân.

Người đưa sản phẩm rèn Lý Nhân vươn xa - anh Phùng Văn Đô, Giám đốc Hợp tác xã Rèn thanh niên xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) cho biết: “Tuổi thơ tôi đã quá quen thuộc với những âm thanh của máy hàn xì, cưa, cắt... Lúc đó, tôi không cảm thấy thích thú với những âm thanh chát chúa ấy, nhưng càng lớn lên, tôi lại càng yêu, càng thấy gắn bó với công việc khi làm ra những sản phẩm rất đỗi bình thường mà hữu ích cho cuộc sống hàng ngày từ cái cuốc, cái xẻng... đến những con dao, cái liềm... Công việc đã giúp bao thế hệ người làng tôi có thu nhập ổn định để nuôi con cái lớn khôn, thành đạt. Chính bởi vậy, sau khi quyết định lập nghiệp từ nghề rèn truyền thống, tôi đã tập trung học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân trong làng, vừa mày mò, đúc rút kỹ thuật tôi thép cho riêng mình”.

Nhằm đa dạng mẫu mã các loại sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các đối tác lớn, từ năm 2014, anh Phùng Văn Đô liên kết với nhiều hộ gia đình trong thôn Bàn Mạch thành lập Hợp tác xã Rèn thanh niên xã Lý Nhân với 11 thành viên, đầu tư nhiều loại máy móc với công nghệ hiện đại như: Lò nung cao tần, máy LRam... vừa tối ưu hóa chi phí sản xuất, vừa giúp bảo vệ môi trường.

Tạo được uy tín trên thị trường với lượng khách hàng ổn định, Hợp tác xã Rèn thanh niên xã Lý Nhân do anh Phùng Văn Đô làm Giám đốc đã tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương trung bình trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Biến thách thức thành cơ hội, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng kinh doanh mới, bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống qua các thương lái, anh Phùng Văn Đô chuyển hướng sang hình thức bán hàng trực tuyến, livestream, chốt đơn qua các nền tảng, trang mạng xã hội như: Facebook cá nhân, Shopee, Tiktok... đem lại hiệu quả bất ngờ khi lượng tiêu thụ online tăng đột biến, chiếm tới một nửa doanh thu của hợp tác xã.

Không chỉ được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều sản phẩm dao, kéo của Hợp tác xã Rèn thanh niên xã Lý Nhân đã có mặt ở một số nước châu Âu. Từ năm 2022 đến nay, khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, nhiều đối tác, đơn hàng từng bị gián đoạn được kết nối trở lại, giúp việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng. Duy trì bán hàng theo cả 2 hình thức, trung bình mỗi tháng Hợp tác xã Rèn thanh niên xã Lý Nhân sản xuất và tiêu thụ từ 4.000 - 5.000 sản phẩm dao, cuốc, xẻng, cào... các loại.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load