(Xây dựng) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đã có sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Đến nay, thành phố đã có 05/05 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, diện mạo thành phố đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Diện mạo của thành phố Tuyên Quang thay đổi tích cực sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. |
Xác định xây dựng Nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, thành phố Tuyên Quang đã chọn xã An Khang là 01 trong 05 xã thực hiện chỉ đạo điểm để xây dựng Nông thôn mới (quá trình tổ chức thực hiện đã bổ sung thêm xã Tràng Đà), đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới các cấp, phân công thành viên phụ trách từng tiêu chí, ban hành kế hoạch, lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới từng năm và kế hoạch nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới theo từng giai đoạn.
Nghiên cứu ban hành và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ để thực hiện song song với chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, như: Làm cống thoát nước ở khu dân cư; hỗ trợ xây dựng đường bê tông ngõ xóm; Đề án hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, lát vỉa hè, trồng cây xanh công cộng tại khu dân cư; xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, phát triển sản xuất hàng hóa, giáo dục… theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân trong xây dựng Nông thôn mới; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Nông thôn mới tại các địa phương.
Cùng với đó, thành phố Tuyên Quang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng Nông thôn mới”, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển và giữ vững vai trò chủ đạo, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương; văn hóa, y tế, giáo dục phát triển đồng bộ; môi trường được bảo vệ góp phần xây dựng thành phố ngày càng sạch - xanh - sáng - đẹp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, trên 96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, tạo thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả diện tích 346ha (trong đó cây bưởi 216ha tại xã Kim Phú, Thái long, Lưỡng Vượng…). Các vùng sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ, cho lợi nhuận từ 200 - 400 triệu/ha/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 01ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng/ha; đã hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, như: Mật ong Tuyên Quang, chè Ngọc thúy, bưởi Thái Long…; 100% Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012…
Thành phố Tuyên Quang hướng tới xây dựng Nông thôn mới nâng cao. |
Hơn 10 năm qua, thành phố đã huy động được tổng nguồn lực trên 570 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp trên 22,8%. Các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với sản xuất và dân sinh như: Giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tập trung… Quá trình tổ chức thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, đảm bảo xác định được nguồn vốn đầu tư nên không có nợ đọng trong xây dựng Nông thôn mới. Cùng với nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách các cấp, các xã tập trung vận động nhân dân chủ động sửa chữa, xây dựng mới nhà ở đảm bảo đạt chuẩn, cùng nhiều hàng mục hạ tầng kinh tế - xã hội tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Chặng đường sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến các xã và nhân dân trên địa bàn thành phố Tuyên Quang thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vượt qua khó khăn, không ngừng nỗ lực, vươn mình đổi mới, để hôm nay, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận “Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới” trong niềm hân hoan phấn khởi của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố Tuyên Quang nói riêng, của cả tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Thu Hằng
Theo