(Xây dựng) – Theo kế hoạch trong năm 2021, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đề xuất kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối liên vùng, kết nối Khu - Cụm công nghiệp và khu chế xuất, cảng biển.
Nhiều tuyến giao thông huyết mạch sẽ được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai trong năm 2021. |
Theo đó, thành phố sẽ đưa vào kế hoạch các dự án trọng điểm như dự án khép kín đường vành đai 2, vành đai 3, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, các tuyến đường trên cao... Thành phố cũng đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng phục vụ phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông – thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, 2 Sở: Giao thông Vận tải, Quy hoạch – Kiến trúc cùng các địa phương trên địa bàn rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các dự án có tính chất kết nối giữa các khu vực của thành phố và kết nối liên vùng giữa thành phố với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để giảm tải mật độ giao thông trên các trục huyết mạch và cửa ngõ thành phố.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ hỗ trợ, phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến Metro số 1 trong năm 2022; Khởi công tuyến Metro số 2 trong năm 2021; Xúc tiến đẩy nhanh việc huy động nguồn vốn để đầu tư các tuyến Metro số 3b, 4, 5,… Rà soát các quy định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để phối hợp các Sở, ngành tham mưu UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, tham mưu xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố cho rằng cần chú trọng đến các dự án kết nối giao thông liên vùng, nhất là các địa phương lân cận như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Không chỉ tập trung vào các dự án hạ tầng đường bộ, mà phải chú ý các dự án đường thủy vì thành phố là trung tâm kết nối các tỉnh phía Nam.
Cần nhanh chóng thực hiện các tuyến đường vành đai 2, kế hoạch thực hiện vành đai 3, vành đai 4… để giải bài toán kết nối giao thông, phải đặt mục tiêu cụ thể về thời gian hoàn thành.
Trước đó, thành phố đã phê duyệt đề án phát triển logistics, trong đề án này cho biết, chi phí logistics của một số ngành hàng tại thành phố khá cao, mà nguyên nhân khiến chi phí cao là do đường kết nối tại thành phố nói riêng và đi các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung đang quá tải, thời gian di chuyển kéo dài.
Cũng chính vì vậy, thành phố đang đề xuất xây dựng mới 5 tuyến đường sắt, trong đó chú trọng tuyến đường sắt tốc độ cao, gồm tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ; Thủ Thiêm - sân bay Quốc tế Long Thành; Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh; tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang); tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An.
Mạnh Cường
Theo