(Xây dựng) - Mặc dù những vi phạm trật tự xây dựng tại xã Cự Khê đã được xác định, nhưng đến nay hàng loạt nhà xưởng xây dựng không phép trên địa bàn vẫn ngang nhiên tồn tại. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Lộc – Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thanh Oai cho rằng: Xây dựng nhà xưởng về luật là sai, mình phải thừa nhận là thế, nhưng khó về thực tiễn vì ở nông thôn không cấp phép xây dựng nên không thể bắt họ chuyển mục đích sử dụng đất được.
Những nhà xưởng với khung thép, vách tôn được dựng lên nhanh chóng tại khu vực thôn Cầu, xã Cự Khê. |
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin tại bài viết trước, tại khu vực thôn Mỹ và thôn Cầu, xã Cự Khê thời gian qua đã mọc lên hàng loạt công trình nhà xưởng không phép. Các công trình này được xây dựng kiên cố, quy mô lớn, có những căn nhà có diện tích xây dựng lên tới vài trăm m2. Các công trình không phép này được xây dựng lên với mục đích cho thuê làm xưởng sản xuất, kho chứa hàng.
Phản ánh đến Báo điện tử Xây dựng, bạn đọc đặt ra câu hỏi, các nhà xưởng tại xã Cự Khê có được chính quyền địa phương cấp Giấy phép xây dựng hay không? Các nhà xưởng kể trên có đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không? Vì sao, hàng loạt nhà xưởng không phép này ngang nhiên xây dựng quy mô lớn, hoạt động rầm rộ, nhưng vẫn không bị chính quyền địa phương xử lý theo đúng quy định của pháp luật? Có hay không việc, chính quyền địa phương “bật xèn xanh” cho các công trình này xây dựng, “làm ngơ” cho các nhà xưởng này tồn tại?
Tại buổi làm việc ngày 7/10, ông Đặng Anh Phương – Chủ tịch UBND xã Cự Khê khẳng định: Việc xây dựng của người ta là chưa đúng về quy định. Nhưng ở Cự Khê diện tích đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi hết. Người dân về tư liệu sản xuất là không còn gì cả, điều kiện hết sức khó khăn. Vì vậy, người dân đã làm kho, xưởng để cho thuê, trang trải thêm cuộc sống. Với góc độ địa phương ở đây, có những gì tạo điều kiện cho bà con được thì mình phải tạo điều kiện.
Những vi phạm về trật tự xây dựng tại xã Cự Khê đã rõ, nhưng việc xử lý dường như bị “bỏ ngỏ”. |
Để tiếp tục thông tin đến bạn đọc về phương án xử lý đối với các công trình nhà xưởng xây dựng không phép trên địa bàn xã Cự Khê, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Thanh Oai. Tiếp nhận nội dung này, lãnh đạo huyện đã giao cho ông Vũ Xuân Lộc – Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thanh Oai trả lời báo chí.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Xuân Lộc cho biết: Bên em phản ánh là đúng, không phải sai. Xây dựng nhà xưởng về pháp luật là sai, mình phải thừa nhận là thế nhưng khó về thực tiễn vì ở nông thôn không cấp phép xây dựng nên không thể bắt họ chuyển mục đích sử dụng đất được. Họ có đất vườn dựng lên (xây dựng nhà xưởng – PV) cho thuê để kiếm chút tiền, cũng chẳng có nghề gì khác vì đất ruộng cũng bị thu hồi hết rồi.
Đối với các công trình vi phạm này, ông Lộc cho rằng: Đầu tiên là phải tuyên truyền phổ biến pháp luật để người ta hiểu, người ta chấp hành thực hiện, thay đổi dần. Thực ra đất lúa là không có, toàn đất vườn của người ta.
Về nguồn gốc đất đây là đất ao vườn nên về chuyên môn xử lý lại thuộc về phòng Tài nguyên và Môi trường, có thể thực hiện biện pháp ngăn chặn, đình chỉ lại. Dù sao cũng là đất tư của người ta, đất cha ông để lại nên cũng phải thay đổi dần dần. Đối với việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, ông Lộc cho biết: Đội chỉ phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn, lập hồ sơ xử phạt hành chính, yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, khi phóng viên đề cập đến những tài liệu liên quan đến việc xử lý những sai phạm tại khu vực này, ông Lộc gợi ý nên trao đổi với phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ rõ hơn.
Về vấn đề phòng chống cháy nổ, ông Lộc thông tin: Đội cũng quán triệt xã thành lập Tổ kiểm tra do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê làm Tổ trưởng, yêu cầu thực hiện việc phòng chống cháy nổ theo quy trình trong khu dân cư. Nhưng cũng phải nói thật, nếu làm phương án phòng cháy theo luật thì quá tốn kém, dân không làm được (?). Thêm nữa là vấn đề mặt bằng, làm đường theo quy định phòng cháy phải là đường to nhưng thực tế họ chỉ làm kho chứa nhỏ, hoặc xây phòng trọ để cho thuê thôi nên bắt người ta làm phòng cháy cũng khó. Nên thường quán triệt về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, vấn đề tạm trú tạm vắng…vấn đề phòng cháy thường chỉ mua những thiết bị đơn giản thôi.
Ông Lộc thông tin thêm: Theo quy định của Thành phố Hà Nội, ranh giới ngoài cùng của thửa đất trong khu dân cư không cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chính vì vướng cơ chế như vậy nên người dân dù có tiền cũng không chuyển được.
Qua nội dung trả lời của đại diện UBND xã Cự Khê và UBND huyện Thanh Oai, có thể thấy những sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng tại xã Cự Khê đã rõ. Tuy nhiên, việc xử lý dường như bị “bỏ ngỏ” chỉ qua những lời biện minh như “tạo điều kiện” hay “khó triển khai trong thực tiễn”.
Trong khi đó, mục tiêu của huyện Thanh Oai trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phấn đấu trong thời gian sớm nhất hoàn thành huyện Nông thôn mới nâng cao, xây dựng huyện giàu đẹp văn minh, từng bước hoàn thành các tiêu chí của quận gắn liền là phát triển thành đô thị sinh thái ven đô với nền nông nghiệp hiện đại, làng nghề phát triển, hạ tầng xứng tầm và là nơi lưu giữ những không gian văn hóa, truyền thống lịch sử, nét đẹp của vùng quê Bắc Bộ.
Nếu huyện Thanh Oai không kiên quyết xử lý triệt để những vi phạm tại xã Cự Khê, sẽ tạo tiền lệ xấu, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện mục tiêu của huyện Thanh Oai trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Khánh An – Đỗ Lê
Theo