Thứ ba 30/04/2024 02:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới

10:30 | 08/04/2024

(Xây dựng) – Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới (NTM) có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc” năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể, với quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch đã đề ra.

Thái Nguyên: Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới
Thái Nguyên đang là tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 118/126 xã đạt chuẩn NTM đạt tỷ lệ 93,7%. Trong đó có 33 xã đạt NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu, 104 xóm đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, trong năm 2023, Thái Nguyên có thêm 2 huyện Định Hóa, Đại Từ về đích NTM trước 2 năm so với mục tiêu nhiệm kỳ đề ra.

Như vậy, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm các thành phố: Phổ Yên, Sông Công, Thái Nguyên và các huyện: Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa, đạt tỷ lệ 66,67%, vượt một đơn vị cấp huyện so với mục tiêu đề ra.

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các địa phương đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Cùng với các mục tiêu đã được xác định, tỉnh Thái Nguyên cũng dự kiến nguồn vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó: Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn lồng ghép, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp thực hiện chương trình là trên 1.700 tỷ đồng và vốn tín dụng (người dân vay phát triển sản xuất...) khoảng 12.000 tỷ đồng.

Thái Nguyên: Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới
Phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn Thái Nguyên, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thái Nguyên cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện Chương trình với quyết tâm cao nhất, quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp, chủ trì và người đứng đầu.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức, linh hoạt và sáng tạo; triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, xác định đây là giải pháp động lực cho phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân và xây dựng NTM bền vững.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng NTM, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện, góp phần thúc đẩy phát kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, từng bước hướng tới NTM thông minh.

Đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, đào tạo để tiếp tục nâng cao năng lực, chuyển đổi nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở, người dân và cộng đồng về phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM.

Thái Nguyên: Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn lồng ghép, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong năm 2023 đạt trên 2.088 tỷ đồng.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho xây dựng NTM, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các chỉ tiêu, tiêu chí chưa hoàn thành... Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; thực hiện tốt 6 chuyên đề được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tìm và lựa chọn những khâu đột phá để tổ chức thực hiện trong đó trọng tâm là phát triển tổ chức sản xuất, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh trật tự.

Tăng cường công tác dân vận trong tổ chức thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của người dân; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đánh giá thẩm tra, thẩm định kết quả thực hiện chương trình; làm tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện đối với kết quả xây dựng nông thôn mới.

Việt Hoan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load