Thứ tư 13/11/2024 06:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Đồng Nai: “Ngọn cờ đầu” trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước

10:09 | 12/11/2024

(Xây dựng) – Đồng Nai đã có thêm 4 huyện “về đích” và đang đợi được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện Xuân Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai và là huyện thứ 3 của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng Nai đã gắn việc phát triển nông nghiệp bền vững với nâng cao cơ sở hạ tầng để đời sống người dân được nâng tầm.

Đồng Nai: “Ngọn cờ đầu” trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước
Lãnh đạo xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cùng chúng tôi dạo bước trên những con đường làng khang trang, sạch đẹp.

Phát huy thế mạnh

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước, Đồng Nai nhiều năm qua luôn là một trong những tỉnh đi đầu. Đến nay, tiếp tục vượt mục tiêu đưa ra, Đồng Nai với những thế mạnh và sự quyết tâm của mình vẫn đang giữ vững vị trí là một trong những “ngọn cờ đầu” của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 110 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 30 xã NTM kiểu mẫu. Tỉnh hiện đang đứng thứ 2 cả nước về số xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.

Theo tiến độ và kế hoạch, trong năm 2024 tỉnh này sẽ có thêm 3 huyện là Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ hoàn thành hồ sơ minh chứng để được công nhân đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Ngoài ra, huyện Định Quán cũng bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Trung ương để được xét duyệt.

Năm 2023, huyện Xuân Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai và là huyện thứ 3 của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ năm 2014, Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, huyện được Trung ương chọn là một trong 4 địa phương của cả nước thí điểm huyện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Không chỉ là địa phương đi đầu về thành tích, Đồng Nai được đánh giá là thực hiện mô hình NTM có nhiều sáng tạo, tận dụng được thế mạnh của mình, xây dựng đời sống mới tốt đẹp ở nông thôn đồng thời phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Nhìn chung, trên cả nước hiếm có vùng nào kết hợp được cả phát triển phong trào NTM và phát triển nông nghiệp bền vững như Đồng Nai. Một phần, là do đặc thù nền nông nghiệp của tỉnh đã có một nền tảng, định hướng tương đối phát triển vững mạnh trước đó, đồng thời là khu vực thuận lợi trong phát triển nông nghiệp cũng như thu hút đầu tư vào ngành này.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong phát triển nông nghiệp hiện tại, toàn tỉnh đã có đến hơn 230 chuỗi liên kết, hơn 200 HTX nông nghiệp và hơn 1.300 trang trại gia súc, gia cầm, nông lâm thủy sản các loại. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025, từ đầu năm 2024 ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đặt mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản từ 3 đến 5%. Trong đó, tập trung cho các mục tiêu đột phá quan trọng của ngành trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thu hút đầu tư chế biến sâu…

Hiện tại, Đồng Nai có 127 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với nông sản chủ lực của tỉnh, với tổng diện tích gần 40.700ha. Trong đó, có 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với quy mô gần 1.600ha. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của tỉnh đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giữ vai trò dẫn dắt, kết nối với hợp tác xã, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, từ đó giúp minh bạch sản phẩm, xây dựng được niềm tin đối với quốc tế.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nhờ xây dựng phong trào NTM một cách toàn diện, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Dẫn đầu trong đó là tại các khu dân cư kiểu mẫu. Tại các điểm này, một “bức tranh” đời sống đẹp đẽ khiến niềm vui được lan tỏa, đường sá được xây dựng bề thế khang trang, điện nước được đầu tư về tận nơi sản xuất, giúp người dân phát triển nông nghiệp một cách thuận lợi. Giáo dục, y tế, an ninh trật tự luôn đảm bảo.

“Thời gian qua, tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh đã cố gắng, quyết tâm và cũng giành được những thành quả đáng ghi nhận. Hiện tỉnh quyết tâm tập trung phát triển nông thôn mới chú trọng đến chất lượng hơn số lượng. Chất lượng giáo dục, y tế ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa tinh thần được gìn giữ, phát huy…”, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Những con đường nối niềm vui

Tại huyện Xuân Lộc, là một trong 4 địa phương trong cả nước được Trung ương chọn xây dựng thí điểm huyện NTM kiểu mẫu, đến hiện tại đã có 12/14 xã đạt tiêu chuẩn xã NTM kiểu mẫu theo thẩm định bước đầu của tỉnh Đồng Nai trước khi nộp hồ sơ ra Trung ương.

Theo số liệu từ UBND huyện Xuân Lộc, hiện nay 100% xã trên địa bàn huyện đều đã có đường nhựa đến trung tâm xã và kết nối đến trung tâm huyện, 100% đường huyện quản lý, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Các tuyến đường còn lại có tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa cao, tạo sự kết nối sâu rộng và nâng cao mức hưởng thụ của người dân.

100% trường học tại Xuân Lộc đã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; Hệ thống thiết chế văn hóa, mạng lưới thông tin truyền thông, y tế đạt chuẩn, đã cơ bản đáp ứng tốt các nhu cầu về dạy - học, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, phục vụ tiếp cận thông tin và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Tại huyện Định Quán, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn cũng được thực hiện mạnh mẽ bởi tư duy xác định giao thông nông thôn là yêu cầu cấp thiết, góp phần mang lại cho nông thôn một bộ mặt mới, tiềm năng mới và động lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, nông sản…. góp phần khai thông nguồn lực, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ cho từng xã, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đồng Nai: “Ngọn cờ đầu” trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước
Mô hình trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Sinh, nông dân sản xuất giỏi tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Từ năm 2011 đến nay, Định Quán đã đầu tư nâng cấp là hơn 550 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 700km, tổng kinh phí thực hiện hơn 1.200 tỷ đồng từ vốn ngân sách và đóng góp của nhân dân (đóng góp của người dân hơn 14%). Trong đó, đường huyện quản lý với gần 40 tuyến, tổng chiều dài gần 270km đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% (tăng gần 50% so với năm 2011); đường trục xã, liên xã hơn với 140 tuyến đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% (tăng hơn 60% so với năm 2011); đường trục thôn xóm gần 70 tuyến được cứng hóa 100% (tăng hơn 55% so với năm 2011). Hiện huyện đã có 13/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt NTM kiểu mẫu, 5 khu dân cư kiểu mẫu.

Ông Đỗ Văn Tuấn, ngụ xã Phú Tân (1 trong 4 xã NTM kiểu mẫu của huyện Định Quán) cho biết, những năm gần đây, vùng quê ông như “thay da đổi thịt”, “những con đường khang trang, sạch đẹp, kinh tế phát triển, nhiều mô hình làm ăn kinh tế giỏi, đời sống văn hóa nâng cao khiến con người phấn chấn, vui vẻ hẳn lên vì một vùng nông thôn đáng sống…”, ông Tuấn chia sẻ niềm vui.

Giữ vững vị trí

Với vị trí là một trong những “ngọn cờ đầu” nông thôn mới của cả nước vừa là niềm tự hào nhưng cũng là “áp lực” bởi làm sao để giữ vững vị trí này. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong giai đoạn 2021-2025 có rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, kinh tế thế giới suy thoái kéo theo sự đình trệ chung. Thời gian qua, bộ tiêu chí phát triển NTM của Trung ương đặt ra cũng cao hơn. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai mạnh dạn đặt ra nhiều chỉ tiêu cao hơn cả năm trước, qua đó quyết tâm phát huy thế mạnh để giành được những thành quả cao. Theo đó, các mục tiêu đưa ra gắn liền với phúc lợi xã hội, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần tại vùng nông thôn. Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện liên quan đến vốn đầu tư, quy trình thủ tục như đầu tư hạ tầng, điện, trường học, nước sạch...

Để giữ vững vị trí “lá cờ đầu” của cả nước, tỉnh Đồng Nai không chỉ tập trung đầu tư vào các tiêu chí, chỉ số về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, mà còn tập trung chú trọng các tiêu chí môi trường xanh - sạch - đẹp, nhân rộng các khu dân cư kiểu mẫu. Trong đó, có việc tỉnh thực hiện tập trung cho “chiến lược” phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Với định hướng đưa ra, tỉnh Đồng Nai đã cho thực hiện nhiều mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 121 mô hình.

Quá trình thực tế ghi nhận những thành quả trong phong trào NTM của tỉnh Đồng Nai, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có mặt ở nhiều địa phương được đánh giá cao trong việc thực hiện phong trào nông thôn mới, trong đó có các huyện Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu. Tại huyện Vĩnh Cửu, hiện đang là 1 trong 3 huyện của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ minh chứng đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, phóng viên ghi nhận một không khí sôi nổi trong phát triển kinh tế và các hoạt động văn hóa, môi trường xanh - sạch - đẹp.

Về xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, chúng tôi cảm thấy lòng khấp khởi khi cùng các cán bộ lãnh đạo xã bước trên những con đường làng rợp cánh hoa, ngắm nhìn những vườn bưởi đặc sản sai trĩu quả. Bưởi Tân Triều trồng trên cù lao Tân Triều, là sản phẩm nức tiếng, hiện chính là sản phẩm chủ lực, làm giàu cho người dân xã Tân Bình. Xã Tân Bình hiện đã là một trong những xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nằm trong tốp đầu của tỉnh Đồng Nai. “Quê hương xanh - sạch - đẹp, hạ tầng khang trang, kinh tế phát triển chúng tôi vui lắm…”, ông Ngô Văn Sơn, một nghệ nhân chuyên tạo hình trên những sản phẩm đặc sản bưởi Tân Triều, chủ vườn bưởi lớn ở Tân Triều bày tỏ.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cùng các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong thời gian qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đóng góp lớn vào việc thực hiện chủ trương xây dựng phong trào NTM.

“Với phong trào xây dựng NTM, nông thôn Đồng Nai đã có sự thay đổi toàn diện trên nhiều mặt, từ hạ tầng giao thông đến hệ thống trường học, y tế, môi trường sinh thái. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn được nâng cao, đó là điều thật sự vui mừng…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi chia sẻ.

Nguyễn Đức Dũng

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load