(Xây dựng) - Xã Phùng Xá của huyện Thạch Thất (Hà Nội), đến nay đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) tròn 10 năm. Thế nhưng, có một nghịch lý, cái gọi là “nước sạch” từ nhà máy, người dân không dùng để ăn, mà chỉ để giặt quần áo, rửa rau.
Bỏ tiền đấu nối nước sạch, nhưng người dân xã Phùng Xá vẫn phải mua nước bình để ăn uống. |
Nước sạch mà không sạch!
Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Xây dựng, cái mà người dân xã Phùng Xá vẫn gọi là nước sạch bao năm qua, trong kết quả ngoại kiểm của ngành Y tế Hà Nội chưa bao giờ đạt chuẩn. Trong 3 năm trở lại đây, các kết quả xét nghiệm chất lượng nước tại khu vực Phùng Xá đều cho thấy, nguồn nước sạch doanh nghiệp cung cấp cho người dân không hề sạch.
Ngày 16/11/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội - Sở Y tế Hà Nội) đã tiến hành lấy mẫu nước thành phẩm tại cơ sở cấp nước của Trạm cấp nước Phùng Xá, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường T.H.T. CDC Hà Nội sau đó đã xét nghiệm 99 thông số nhóm A, B theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN-01-1:2018/BYT).
Ngày 27/12/2021, CDC Hà Nội đã công bố kết quả, phát hiện 3 thông số không đạt quy chuẩn. Cụ thể, Arsenic 0,011 mg/L, Amoni 8,52 mg/L và Mangan 0,15 mg/L. Theo kết quả này, lượng Amoni được phát hiện cao gấp 28,4 lần mức cho phép (0,3 mg/L) đối với nước sinh hoạt theo QCVN-01-1:2018/BYT do Bộ Y tế quy định.
Cuối năm 2023, CDC Hà Nội tiếp tục lấy 3 mẫu nước sạch tại Trạm cấp nước Phùng Xá. Đáng lo ngại là cả 3/3 mẫu nước cho kết quả không đạt chuẩn nước sinh hoạt. Trong đó, mẫu tại trạm cấp nước bị phát hiện có lượng Amoni, Nitrat vượt ngưỡng; 2 mẫu trong mạng lưới đường ống phân phối không đạt chuẩn về thông số Amoni, Nitrit, Coliforms, E.coli.
Cả 3 lần lấy mẫu xét nghiệm, nước sạch do Nhà máy nước Phùng Xá đều không đạt chuẩn nước sinh hoạt. |
Lần gần đây nhất, vào tháng 7/2024, CDC Hà Nội đã lấy 2 mẫu nước tại khu vực này để xét nghiệm. Không lấy làm lạ là, cả 2/2 mẫu nước lấy lần này tiếp tục không đạt quy chuẩn để cấp cho người dân. Thông số Amoni được phát hiện trong nước lần lượt là 3,23 - 3,79 mg/L, vượt ngưỡng cho phép 11 - 12 lần theo quy định.
Sau cả 3 đợt lấy mẫu nêu trên, CDC Hà Nội đều đề nghị Trạm cấp nước Phùng Xá khắc phục các thông số không đạt quy chuẩn. Tiến hành nội kiểm chất lượng nước sau khắc phục. Trong thời gian chưa hoàn thành khắc phục, cần phải khuyến cáo khách hàng không sử dụng nguồn nước này cho ăn uống.
Nghịch lý xã nông thôn mới
Có một sự thật đáng buồn, đó là xã Phùng Xá đã về đích NTM 10 năm (từ năm 2014) và đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, nhưng đến nay người dân vẫn chưa thể sử dụng nước sạch một cách đúng nghĩa.
Để sử dụng “nước sạch”, một số gia đình có điều kiện đã phải đầu tư hệ thống lọc phức tạp, tốn kém mới có thể dùng sinh hoạt. |
Dù hằng tháng vẫn trả tiền nước sạch, nhưng người dân chỉ dùng vào việc giặt quần áo, rửa bát, rửa rau. Việc ăn uống, người dân chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn nước mưa, giếng khơi, thậm chí mua nước bình đóng chai sử dụng.
Bà Chu Thị Lai, người dân xã Phùng Xá cho biết, gia đình đã sử dụng nguồn nước từ trạm cấp nước sạch 4 năm nay. Tuy nhiên, do nhiều lần phát hiện dị vật, cặn bẩn nên gia đình không dám dùng để ăn uống. Theo bà Lai, nguồn nước sạch nhà máy, nhiều năm qua gia đình chỉ dành để giặt quần áo, rửa rau và cọ rửa nhà vệ sinh. Khi trời mưa to, gia đình dùng nước mưa để ăn uống. “Đợt này hanh khô, ít mưa, bể nước cũng gần cạn rồi. Chúng tôi phải mua nước đóng chai để uống, còn nấu ăn thì mua nước bình loại 20 lít. Biết là tốn kém, nhưng còn hơn là mang bệnh tật vào người”, bà Lai than thở.
Trò chuyện với PV, bà Đặng Cao Nhàn, một người dân khác bảo rằng, nước sạch của nhà máy không phải bẩn mà là quá bẩn. Nước đấu về bể ngầm, xong mới cho lên máy lọc, nhưng tháng nào gia đình cũng phải thay lõi lọc. Còn muốn tiết kiệm thì vài hôm tháo ra vệ sinh lõi lọc thô. “Đợt này chúng tôi thấy nước cấp gọi là sạch hơn chút. Nếu anh chị về đúng đợt nước bẩn thì mới thấy được, nước có mùi hôi, vẩn đục đen sì, không ai dám dùng để ăn uống đâu. Nước thì tính tiền theo bậc thang, mỗi tháng mất cả trăm nghìn nhưng chúng tôi vẫn không có nước sạch để ăn uống”, bà Nhàn nói.
Để tìm hiểu sâu hơn câu chuyện nước sạch ở xã NTM Phùng Xá, chúng tôi đã gõ cửa các lãnh đạo UBND xã. Một cán bộ tại đây cho biết, do Chủ tịch UBND xã vừa chuyển công tác, nên không có quyền phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Vị này chia sẻ, việc người dân phản ánh nước sạch nhưng bẩn là có, và sau mỗi đợt có thông báo từ CDC Hà Nội, chính quyền đã phối hợp yêu cầu đơn vị cấp nước xử lý ngay. Cụ thể thông tin thế nào, đề nghị PV liên hệ trực tiếp đơn vị cung cấp nước sạch.
Trao đổi với PV qua điện thoại, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường T.H.T cho biết, đã có kế hoạch đấu nối hệ thống nước mặt thay cho nước ngầm để cung cấp cho người dân. Vị này cũng cho biết, sẽ cung cấp kết quả khắc phục các chỉ số chất lượng nước theo quy chuẩn, nhưng đến nay vẫn chưa gửi.
Mặc dù đóng tiền mua nước sạch, nhưng người dân Phùng Xá chỉ dùng vào mục đích giặt quần áo, tắm rửa. |
Theo các chuyên gia y tế, bản thân Amoni không gây bệnh, nhưng khi có trong nước, Amoni bị chuyển hóa thành Nitrit rất độc hại cho con người. Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, chất này khiến cho da trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng, do Nitrit cạnh tranh với hồng cầu lấy hết oxy, khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp.
Nguy hiểm hơn, Nitrit trong nước kết hợp với các Acid amin có trong thức ăn tạo thành Nitroxamin là chất gây đột biến. Chất này khi sinh ra trong cơ thể sẽ tác động lên bộ máy di truyền tế bào như một chất đột biến, sinh ra các khối u, gây ung thư. Tác động này không loại trừ một ai, cả trẻ em lẫn người lớn. Như vậy, một khi nước đã nhiễm Amoni thì nhất định phải loại trừ Amoni ra khỏi nguồn nước.
Thu Quỳnh - Khánh An
Theo