(Xây dựng) – Với những nỗ lực, cố gắng của toàn thể nhân dân và lãnh đạo xã nhà, vừa qua, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã hân hoan đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tại xã Hoàng Diệu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã và đang hiện diện trong từng nếp nhà, qua từng con đường, những công trình xây dựng khang trang.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường trao bằng của Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Diệu. |
Nhiều kết quả đáng tự hào
Xã Hoàng Diệu nằm ở phía Đông Nam huyện Chương Mỹ. Phía Bắc giáp với xã Lam Điền, phía Tây giáp xã Quảng Bị, Hợp Đồng, phía Nam giáp xã Thượng Vực và xã Văn Võ, phía Đông là dòng sông đáy bao bọc địa phận xã, bên kia sông là xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai. Tổng diện tích đất tự nhiên là 809,51ha, được chia thành 7 thôn với 2.710 hộ, nhân khẩu có trên địa bàn 11.263 khẩu. Trước đó, xã Hoàng Diệu được UBND Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 và về đích nông thôn mới nâng cao cuối năm 2023.
Theo tóm tắt kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Hoàng Diệu, các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 71,16 triệu đồng/người/năm.
Trên địa bàn xã có nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo mang đậm nét cổ kính và truyền thống, toàn xã có: 6 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 04 nhà thờ công giáo; trong đó có 05 di tích cấp quốc gia, 04 di tích cấp Thành phố; Trạm y tế xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Đến thời điểm này có 7/7 thôn được công nhận thôn văn hóa, 2.346/2.495 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa đạt 94%.
Hội nghị thẩm định xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Hoàng Diệu. |
Văn hóa - xã hội tại xã Hoàng Diệu ngày càng phát triển, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được giữ vững và phát triển toàn diện, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên; có 02/03 trường học công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường tiểu học được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2 cuối năm 2023.
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được chú trọng; chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Quan tâm chăm lo, thực hiện các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, các đối tượng chính sách xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ xây, sửa nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí... cho các hộ cận nghèo.
100% trục chính, đường liên xã, liên thôn được cứng hóa, bê tông và 100% đường ngõ xóm có điện chiếu sáng, một số tuyến đang được nâng cấp dự kiến hoàn thành năm 2024; trạm y tế xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế và được đầu tư cải tạo nâng cấp với kinh phí 12,5 tỷ đồng đến nay công trình đã được đưa vào sử dụng; 100% các thôn có nhà văn hóa; đến ngày 10/12/2023 có trên 93,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; Tỷ lệ nghèo đa chiều cuối năm 2023 trên địa bàn xã là 0,41%.
Đến nay, xã có 02 sản phẩm OCOP đạt sản phẩm 3 sao gồm: Cây “Xanh Thần Tài” của nhà vườn quyền lợi; bộ sản phẩm rau bí, quả bí của hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Diệu.
Ghi nhận kết quả nêu trên, UBND Thành phố Hà Nội công nhận xã Hoàng Diệu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và tặng bằng khen vào ngày 10/11 vừa qua. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân trong xã, là thành tích đáng tự hào mà nhân dân và cán bộ xã Hoàng Diệu đã đạt được, góp phần hoàn thành thắng lợi, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Báo cáo tại buổi lễ đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đồng chí Đào Danh Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết: “Sau 8 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã huy động 406,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội; trong đó có 6,9 tỷ đồng đóng góp của nhân dân... Nhờ vậy, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa...”.
Trước những thành tích này, đồng chí Trịnh Tiến Tường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ đề nghị xã Hoàng Diệu tiếp tục xác định "Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc".
“Xã Hoàng Diệu tiếp tục hướng tới mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh; tập trung phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương; thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…”, đồng chí Trịnh Tiến Tường đề nghị.
Miền quê đang đổi mới từng ngày
Sau 08 năm xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn xã được nâng cao. Diện mạo xã nông thôn mới thay đổi rõ rệt thể hiện ở hạ tầng “Điện - đường - trường – trạm” khang trang, nhiều công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông có nhiều điểm sáng, các nhà văn hóa được đầu tư, nâng cấp đảm bảo nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân nông thôn.
Đến nay, hạ tầng cơ sở ở xã Hoàng Diệu được đầu tư đồng bộ. |
Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thương mại; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0%, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, năm 2023 đạt 71,16 triệu đồng/người/năm, tăng 42,16 triệu đồng/người so với năm 2015. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm; hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định giữ vững; đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã được nâng cao.
Xã triển khai thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới. Công tác bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa được đảm bảo theo quy định; giữ vững và duy trì chuẩn quốc gia về y tế, các nhà trường được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường tiểu học chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm 2023.
Chị Nguyễn Thị Diệu Huyền, người dân xã Hoàng Diệu chia sẻ: “Mọi thứ tại xã đã thay đổi từng ngày, đường sá sạch sẽ, thông thoáng, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Trường học, trạm y tế cũng được đầu tư khang trang. Xã đẹp hơn bởi những tuyến đường xanh mát với hàng cây và hoa, hệ thống chiếu sáng... Hoàng Diệu đã thực sự đổi mới và tôi kỳ vọng xã sẽ tiếp tục đẹp hơn trong tương lai gần”.
Hướng đến mục tiêu "xã nông thôn mới kiểu mẫu" vào năm 2026
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, xã Hoàng Diệu nhận định vẫn còn gặp nhiều khó khăn về hạn chế vị trí địa lý, nguồn lực kinh tế địa phương, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa thực sự phát huy hết giá trị sử dụng đất nông nghiệp...
Người dân xã Hoàng Diệu chung tay xây dựng nông thôn mới. |
Để nâng cao chất lượng các tiêu chí, với mục tiêu hướng đến trở thành "xã nông thôn mới kiểu mẫu" vào năm 2026, xã Hoàng Diệu đã xây dựng một kế hoạch cụ thể, trong đó, tiếp tục giữ vững quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm cuối và lấy người dân làm trung tâm để xây dựng nông thôn mới.
Xã sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và quản lý giám sát… Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và phát triển nhiều hơn các sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao, bảo vệ sức khỏe người dân, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, xã cũng sẽ tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới. Phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lực. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tích cực cải thiện chất lượng môi trường. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Lê Trang
Theo