Thứ năm 14/11/2024 19:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Mê Linh (Hà Nội): Ước đạt 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2025

15:55 | 11/11/2024

(Xây dựng) – Để tổng kết thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” tại Huyện ủy Mê Linh. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy huyện Mê Linh đã có báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Thường trực Huyện ủy.

Mê Linh (Hà Nội): Ước đạt 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2025
Huyện Mê Linh nỗ lực phấn đấu phát triển nông thôn mới.

Vượt khó tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao

Báo cáo đánh giá, từ năm 2021 đến nay tuy còn nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh Covid 19, tình hình biến động của thế giới, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện vẫn tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng - quân sự địa phương được thực hiện tốt, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm, cơ cấu giống lúa tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ diện tích giống cho hiệu quả kinh tế cao làm tăng giá trị sản xuất trên 1ha canh tác; diện tích cây ăn quả các loại ổn định và phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh: Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì với sự vào cuộc tích cực của toàn thể hệ thống chính trị huyện Mê Linh, hiện nay đã có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 390 công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới. Cũng đến năm 2022, huyện Mê Linh đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2023, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Mê Linh (Hà Nội): Ước đạt 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2025
Với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của lãnh đạo, huyện Mê Linh đã có những khởi sắc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo, Chương trình 04-CTr/TU có 20 chỉ tiêu, kết quả thực hiện ước đến hết năm 2025 có 18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Chỉ còn 02 chỉ tiêu chưa đạt. Bên cạnh đó, nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa chưa nhiều. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn còn thiếu đồng bộ, công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung, tuy nhiên diện tích sản xuất còn manh mún, sản xuất mang tính chất tự phát nên gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo, quản lý. Năng suất cây trồng, vật nuôi tuy đã tăng nhưng so với mặt bằng chung của Thành phố vẫn chỉ đạt ở mức trung bình; sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn ít; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều hạn chế.

Những nguyên nhân của các hạn chế này cũng được Ban Chỉ đạo chỉ ra, như: Cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Diện tích đất nông nghiệp còn manh mún, khó khăn trong công tác tích tụ ruộng đất hình thành sản xuất quy mô lớn, tập trung, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Trình độ dân trí tại các xã trên địa bàn huyện không đồng đều, một số xã thuần nông nên thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Công tác chỉ đạo thực hiện chương trình của chính quyền địa phương và các đoàn thể, tổ chức chính trị, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp xã còn chưa sâu sát, chưa thực sự vào cuộc, chưa theo sát tình hình thực tế và chưa thực sự quyết liệt...

Hướng đến phát triển ngành Nông nghiệp toàn diện

Để tiếp tục triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Ban Chỉ đạo đặt ra các phương hướng về một số lĩnh vực tại huyện. Về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Tăng cường quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Về phát triển kinh tế nông thôn: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn

Mê Linh (Hà Nội): Ước đạt 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2025
Nghề trồng hoa là một trong những đầu tàu kinh tế nông thôn của Mê Linh để tiến lên nông thôn mới nâng cao một cách toàn diện.

Về nâng cao đời sống nông dân: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng các quy ước, hương ước, phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn toàn dân chung tay xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng xanh sạch đẹp cùng với đời sống vật chất tinh thần để các xã đều trở thành một miền quê đáng sống.

Bên cạnh đó, huyện Mê Linh cũng sẽ tiếp tục triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) nhằm góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ nông thôn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tập trung hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên các sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm chế biến sâu, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu làm quà tặng đặc trưng của huyện. Tăng cường kiểm tra, giám sát về việc duy trì và phát triển chất lượng sản phẩm của các chủ thể sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP. Duy trì 100% số xã trong huyện có sản phẩm OCOP.

Vũ Trung – Tuấn Nghĩa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load