Thứ bảy 07/12/2024 06:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tân Yên (Bắc Giang): Dồn lực cho “chặng đường nước rút” xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

14:46 | 11/11/2024

(Xây dựng) – Với mục tiêu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, thời gian qua, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy người dân là chủ thể, không ngừng nỗ lực, phấn đấu cho “chặng đường nước rút” quan trọng.

Tân Yên (Bắc Giang): Dồn lực cho “chặng đường nước rút” xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Việt Lập là xã đầu tiên của huyện Tân Yên được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa.

Cơ bản hoàn thành các tiêu chí vào năm 2024

Ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 904/QĐ-TTg công nhận huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Yên. Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, địa phương có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Với mục tiêu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, do đó năm 2024 được coi là năm bản lề, là chặng đường nước rút để thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Ngô Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: Xác định năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định thắng lợi cho nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, do đó, Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên đã quyết tâm và tập trung cao, đoàn kết, thống nhất, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và có những giải pháp linh hoạt thực hiện nhiệm vụ; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với tinh thần “mọi khó khăn, vướng mắc đều phải có hướng tháo gỡ và phải được tháo gỡ kịp thời”.

Bên cạnh đó, huyện Tân Yên cũng tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ, điện, nước sạch, chỉnh trang cảnh quan, môi trường, phấn đấu xây dựng 6 xã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hoàn thành cơ bản các tiêu chí, chỉ tiêu và hồ sơ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Tân Yên (Bắc Giang): Dồn lực cho “chặng đường nước rút” xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Nhờ làm tốt công tác xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị, bộ mặt đô thị trên địa bàn huyện Tân Yên đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Về kết quả đạt được, đến nay huyện đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu (đạt 50% số xã của huyện); 56 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 thôn nông thôn mới thông minh. Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, kết quả 6/9 tiêu chí (tương ứng với 32/38 chỉ tiêu) đã đạt, cơ bản đạt, gồm: Tiêu chí về quy hoạch; tiêu chí về giao thông; tiêu chí về thủy lợi và phòng chống thiên tai; tiêu chí về điện; tiêu chí về kinh tế; tiêu chí về an ninh trật tự - hành chính công. Có 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí về y tế - văn hóa – giáo dục; tiêu chí về môi trường; tiêu chí về chất lượng sống.

Tính đến hết quý III/2024, huyện đã xây dựng được thêm 4 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 17 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh và phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành các tiêu chí và hồ sơ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao để trình Trung ương thẩm định và công nhận trong năm 2024.

Gắn việc xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao với phát triển đô thị, ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 103-KL/TU ngày 09/6/2021 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 138-NQ/TU ngày 01/9/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng và ban hành Đề án số 03-ĐA/HU ngày 05/7/2021 trong đó xác định rõ thực trạng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mật trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trong việc phát triển đô thị huyện Tân Yên.

UBND huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 23/8/2021 về việc xây dựng và phát triển đô thị huyện Tân Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2035; chỉ đạo, rà soát điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư phát triển các dự án đô thị trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo 22 xã, thị trấn căn cứ kế hoạch của UBND huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm cụ thể ở đơn vị mình để tổ chức triển khai thực hiện gắn việc xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao với phát triển đô thị.

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp

Trên hành trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tân Yên xác định thế mạnh về nông nghiệp sẽ là trụ đỡ kinh tế của huyện. Nông nghiệp Tân Yên phát triển đa dạng nhiều sản phẩm và phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung chuyên canh quy mô lớn theo quy hoạch. Tân Yên đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn với những cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Vùng cây ăn quả chủ yếu là vải sớm, vú sữa, ổi lê, măng lục trúc, cây dược liệu; vùng chuyên canh thủy sản, vùng lúa và rau màu hàng hóa (ngô ngọt, dưa các loại, hành, tỏi...); Giá trị bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 173 triệu đồng. Toàn huyện có 102 trang trại (chiếm 20,28% tổng số trang trại toàn tỉnh).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên cho biết: Xác định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hành trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Tân Yên đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Chú trọng mở rộng diện tích, số hóa vùng trồng, quản lý chặt chẽ đối với các vùng sản xuất được cấp mã số đáp ứng yêu cầu quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của huyện.

Đến nay, huyện có 43 vùng sản xuất được cấp mã số, trong đó có 28 mã vùng trồng vải và vú sữa xuất khẩu; 15 mã vùng trồng nội địa trên các loại cây trồng: Lúa, sâm nam núi Dành, măng lục trúc, kim tiền thảo, dưa, ngô; quản lý 2 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; có 45 trang trại được chứng nhận đủ điều kiện an toàn dịch bệnh; 100% số trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGAP; có 123ha thủy sản tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP. Duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất tại 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, 62 mô hình ứng dụng công nghệ cao có liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã, áp dụng quy trình đồng bộ.

Về kết quả thực hiện Chương trình OCOP, đến nay huyện đã xây dựng được 33 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao). Trong năm 2024, tiếp tục xây dựng 22 sản phẩm mới và đánh giá lại 100% sản phẩm đến thời hạn công nhận lại; kết quả đến nay có thêm 12 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, nâng tổng số sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao 45 sản phẩm.

Là một trong những hợp tác xã tiêu biểu của huyện Tân Yên, Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã góp phần xây dựng nên bức tranh tươi sáng cho nông nghiệp, nông thôn mới của huyện Tân Yên.

Tân Yên (Bắc Giang): Dồn lực cho “chặng đường nước rút” xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Nông nghiệp chính là thế mạnh của huyện Tân Yên trên hành trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Khi đang tất bật với những cuộc điện thoại đặt hàng, bà Dương Thị Luyện, Giám đốc Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu chia sẻ: Năm 2017, nhận thấy tiềm năng của giống măng lục trúc trên thị trường, bà đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và khôi phục lại sản phẩm này. Mặc dù giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn, tuy vậy nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới trên địa bàn huyện, những khó khăn đã dần được tháo gỡ. Đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động, Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã có 29 thành viên và thành viên liên kết, với nhiều vùng nguyên liệu thuận tiện cho việc bao tiêu sản phẩm.

“Sản phẩm măng lục trúc của huyện Tân Yên hiện đã dần tạo được thương hiệu trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo. Với mỗi 1ha trồng măng lục trúc sẽ đem lại cho người nông dân từ 500 - 600 triệu đồng/năm”, bà Luyện phấn khởi nói.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, có thể khẳng định huyện Tân Yên đang có những bước tiến vững chắc trên con đường trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load