(Xây dựng) - Phong trào thi đua “Lạng Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” (NTM) được phát động, triển khai sâu rộng. Sau hơn 13 năm triển khai, đến nay, bức tranh nông thôn tại đây đã có sự thay đổi đột phá, tiệm cận các tiêu chí về đô thị. Từ kết quả trong xây dựng NTM, huyện đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn để nâng tầm đô thị.
Bộ mặt nông thôn ở Lạng Giang đã thay đổi rõ rệt. |
Nông thôn đổi mới, đô thị văn minh
Nghị quyết số 34-NQ/HU ngày 18/3/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Lạng Giang, về phát triển đô thị trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo xác định đến năm 2030, Lạng Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV, tiệm cận các tiêu chí của thị xã. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của NTM nâng cao cũng như phát triển đô thị.
Năm 2019, huyện Lạng Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Sau đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã duy trì kết quả đã đạt được và tiếp tục xây dựng lộ trình đưa các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quyết tâm của nhân dân, đến nay, toàn huyện có 5 xã NTM, 12 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và 77 thôn kiểu mẫu.
Phong trào đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Đặc biệt đã triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân với những tiêu chí, nội dung, biện pháp cụ thể, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và tạo ra những đột phá.
Theo đó hằng năm, huyện phát động các đợt thi đua chung sức xây dựng NTM. Triển khai tích cực phong trào, cuộc vận động như: “Lạng Giang chung tay xây dựng NTM”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Chủ nhật xanh”… Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các tiêu chí kết cấu hạ tầng nông thôn, văn hóa, môi trường. Nhân dân trên địa bàn huyện đã hiến hơn 700 nghìn m2 đất các loại, hơn 96 nghìn ngày công lao động để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn.
Một khu đô thị ở thị trấn Vôi (huyện Lạng Giang) được đầu tư hiện đại, hài hòa. |
Trong phát triển đô thị, huyện xác định phải trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tổ chức không gian thích hợp, tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng; coi trọng liên kết đô thị - nông thôn, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển đô thị với nâng cao các tiêu chí NTM. Song hành với đó là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; chú trọng bảo vệ, cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, thời gian qua, huyện Lạng Giang tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách và tiếp nhận kinh phí tài trợ để thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết trên địa bàn huyện, nhất là tại thị trấn Vôi, thị trấn Kép. Căn cứ quy hoạch chung đô thị và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị được phê duyệt, UBND huyện đã đề xuất với tỉnh thu hút các dự án khu đô thị, có quy mô lớn như: Khu đô thị mới phía Tây, phía Đông thị trấn Vôi, khu đô thị trung tâm thị trấn Kép...
Cùng đó là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, khu đô thị như: Khu đô thị Đông Bắc thị trấn Vôi, khu dân cư phía Tây Nam, phía Tây Bắc thị trấn Kép... Đồng thời, tổ chức lập quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, vùng đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, đèn đường…), hạ tầng xã hội, khu công cộng bảo đảm đồng bộ, hiện đại.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng từ năm 2018 đến 2023 là hơn 5,5 nghìn tỷ đồng. Các điểm dân cư mới được hình thành đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của đô thị như: Đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, vệ sinh môi trường...
Địa phương đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số đô thị toàn huyện đạt trên 18%. Xây dựng thị trấn Vôi đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Kép cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV; xã Tân Dĩnh đạt tiêu chí đô thị loại V; các xã: Thái Đào, Nghĩa Hòa, Tiên Lục, Tân Hưng, Mỹ Thái, Xương Lâm cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại V.
Trên cơ sở kết quả đánh giá các tiêu chuẩn còn thiếu hoặc yếu như: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; tiêu chí các công trình dịch vụ cấp đô thị (y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, dịch vụ thương mại); tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước sạch tập trung); tiêu chí về môi trường (xử lý nước thải, chất thải rắn, nhà tang lễ, cây xanh đô thị...).
UBND các xã, thị trấn đã có kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2025, trong đó xác định rõ lộ trình thực hiện, đầu tư xây dựng và khắc phục các tiêu chí chưa đạt.
Đồng chí Nguyễn Văn Khương, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng cho biết: Qua rà soát, đến nay xã cơ bản hoàn thành 14/14 chỉ tiêu xác định từ đầu nhiệm kỳ. Có được kết quả này, thời gian qua xã tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu khó, trong đó trọng tâm là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, thực hiện nghị quyết của đảng ủy, xã đã dành nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất giáo dục, văn hóa. Trong đó, từ nguồn ngân sách huyện và xã, trường tiểu học đã được xây dựng ra địa điểm mới với hai dãy nhà ba tầng, 30 phòng học, tổng trị giá hơn 28 tỷ đồng.
Trường Trung học cơ sở cũng được đầu tư khoảng 8 tỷ đồng để xây mới nhà đa năng, tu bổ toàn bộ dãy nhà được trường tiểu học bàn giao lại; trường mầm non cũng đã được quy hoạch, xây dựng ở khu mới rộng 2,3ha.
Đồng chí Nguyễn Văn Khương cho biết thêm: Mặc dù các chỉ tiêu đã hoàn thành, nhưng với trách nhiệm của đơn vị tổ chức đại hội điểm, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, xã tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Nghĩa Hưng giai đoạn một khoảng 152ha; huy động các nguồn lực để sớm triển khai dự án xây dựng trường mầm non; nhà hiệu bộ trường tiểu học. Quan tâm tạo nguồn phát triển đảng viên bảo đảm tỷ lệ theo yêu cầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Cùng với đó, việc khắc phục, hoàn thiện các tiêu chí tại các xã trên địa bàn huyện Lạng Giang cũng được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Ông Hà Văn Êm (người dân xã Mỹ Thái) chia sẻ: Trong quá trình thực hiện các tiêu chí, chúng tôi luôn chú trọng công tác dân vận để nhân dân trong thôn tích cực hưởng ứng. Ban công tác mặt trận thôn phân công các thành viên đến từng hộ gia đình nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, từ đó có biện pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, phù hợp. Khi tư tưởng đã thông, người dân hiểu được ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM kiểu mẫu nên đều đồng thuận.
Bảo đảm không gian hài hòa
Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: Huyện Lạng Giang đang tập trung cho các tiêu chí huyện NTM nâng cao, gắn với thực hiện các tiêu chí đô thị. Phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện NTM nâng cao sau năm 2025 và đủ điều kiện lên thị xã trước năm 2030 với đặc trưng: Đô thị xanh, văn hóa đặc sắc, là trung tâm logistics vùng và cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Bắc của tỉnh.
Kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, thân thiện và phù hợp với đặc điểm địa hình, môi trường cảnh quan tự nhiên sẵn có. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện tiếp tục xác định xây dựng NTM và phát triển đô thị là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.
Một trong những giải pháp được đề ra là đa dạng hóa các nguồn vốn huy động như: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với ngân sách địa phương, đồng thời lồng ghép với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Đồng thời, huyện tiếp tục phát động rộng rãi các phong trào thi đua xây dựng NTM, phát triển đô thị mang tính thực chất, đi vào chiều sâu, nội dung đa dạng, hình thức phong phú, có tác dụng tạo sự đồng thuận cao và sức lan tỏa, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Cùng đó là tập trung thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, các công trình cấp đô thị như thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, xử lý nước thải, công viên cây xanh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Tùng Dương
Theo