Thứ bảy 27/04/2024 09:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Bình: Doanh nghiệp xây dựng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19

19:52 | 24/06/2021

(Xây dựng) – Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch cao nhất. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép” vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch.

thai binh doanh nghiep xay dung thuc hien nhieu giai phap nham thao go kho khan do dich benh covid 19
Công tác phòng chống dịch Covid-19 trên các công trường xây dựng được tăng cường thường xuyên.

Doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn

Từ đầu năm 2021, giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán; các bất động sản giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH và đầu tư xây dựng thương mại HT (tỉnh Thái Bình) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá nguyên nhiên vật liệu tăng nhanh, thời điểm cao nhất tăng khoảng trên 40%. Bên cạnh đó, những chi phí khác cho lực lượng lao động cũng tăng tối đa như chi phí an toàn dịch bệnh, thù lao trách nhiệm, di chuyển, giãn cách tại chỗ...

Thiếu lao động do giãn cách xã hội khiến công suất hoạt động của doanh nghiệp xây dựng giảm ít nhất từ 50-70%, kéo theo doanh thu cũng giảm mạnh. Một số dự án tại vùng dịch phải dừng hết, các khu vực khác chỉ thực hiện cầm chừng. Thời gian thi công xây dựng công trình kéo dài, ảnh hướng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng/giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ dẫn đến việc càng làm càng thua lỗ.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, máy thi công, nhân công xây dựng làm chi phí đầu vào tăng cao, năng suất lao động trên công trường giảm nghiêm trọng dẫn đến chi phí thi công thực tế vượt xa hạn mức dự tính tại thời điểm đấu thầu, ký kết hợp đồng.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp xây dựng tỉnh Thái Bình đã có thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Hàng tuần phun khử khuẩn xung quanh khuôn viên đơn vị; Yêu cầu người lao động khai báo y tế. Đối với các đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao, công ty thường xuyên theo dõi chặt chẽ lịch trình làm việc để kịp thời đưa ra những khuyến cáo biện pháp cần thiết, sử dụng các gói trang thiết bị phòng, chống Covid–19 cho những người thường xuyên phải đi công tác và những người đến làm việc tại công ty, yêu cầu khai báo y tế có giấy xét nghiệm âm tính”.

Thứ hai: Để bảo đảm công nhân lao động có thu nhập, cũng như không để gây ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với đối tác trước đó, hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực triếp của dịch bệnh Covid-19 chỉ đóng cửa 1 hoặc 2 dây chuyền sản xuất - nơi có các ca F0, F1 làm việc trước đó. Các bộ phận còn lại làm việc bình thường, vừa thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm sản xuất.

Thứ ba: Tập trung tìm đối tác, thị trường mới, thích ứng linh hoạt trước tình hình dịch bệnh.

Để vượt giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp xây dựng tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị Chính phủ cần có ngay các chính sách bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép; tránh để tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao như thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thi công của các công trình xây dựng.

Các doanh nghiệp xây dựng cũng mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách: tín dụng, tài chính, giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế; đồng thời có giải pháp hiệu quả cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: “Dịch xuất hiện rất nhanh, mạnh, rộng vì vậy phải chủ động phòng chống. Để mỗi doanh nghiệp là một pháo đài thì mỗi người công nhân phải thực sự là một chiến sỹ trong phòng, chống dịch. Doanh nghiệp có 1.000 công nhân, nếu 999 người nghiêm túc chỉ 1 người lơ là cũng ảnh hưởng đến cả khu công nghiệp. Vì vậy, yêu cầu mỗi doanh nghiệp từng người công nhân phải thực sự trách nhiệm, thực hiện đúng quy định, chủ động xét nghiệm, phát hiện sớm để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Ban Quản lý Khu kinh tế, các khu công nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, dứt khoát xử lý nghiêm, yêu cầu doanh nghiệp dừng sản xuất đến khi đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch”.

Tỉnh Thái Bình luôn xác định thành công của các đơn vị sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Nên tại nhiều buổi kiểm tra thực tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như trong các cuộc họp, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh luôn yêu cầu các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” đó là vừa phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất, có sự năng động vươn lên. Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lưu ý tổ chức thực hiện đúng kịch bản, hành động ứng phó với dịch bệnh ở 3 cấp độ gồm: Chưa có dịch, có người nghi nhiễm và có ca bệnh F0 hoặc chùm ca bệnh F0; Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, các Khu công nghiệp tiến hành diễn tập thường xuyên để khi có tình huống xảy ra sẵn sàng ứng phó.

Bên cạnh đó, yêu cầu các Sở, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế, các Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện phải thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phát triển sản xuất.

Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 9,1% trở lên so với năm 2020, tổng giá trị sản xuất tăng từ 10,8% trở lên là một thách thức rất lớn. Nhưng với sự chủ động phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của tỉnh và hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp xây dựng nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình nói chung sẽ tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao dộng, có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội, từ đó đẩy mạnh phục hồi kinh tế của tỉnh.

Kết quả công tác phòng, chống dịch tại Khu Kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh: 100% các doanh nghiệp Khu công nghiệp đã ký cam kết, gửi danh sách chi tiết người lao động về Ban Quản lý. Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã trực tiếp tổ chức, phối hợp kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên 60 doanh nghiệp. Và chủ trì phối hợp CDC tỉnh, các đơn vị liên quan lấy mẫu xét nghiệm bằng hình thức test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm PCR cho gần 4.000 lao động, tổ chức diễn tập khi có ca mắc Covid-19 xảy ra. Đồng thời, tổ chức tiêm vắc xin cho 720 lao động tại 11 doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động trở lên.

Bài: Thái Bình: Doanh nghiệp xây dựng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load