Thứ ba 14/01/2025 05:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Sóc Sơn (Hà Nội): Quyền lợi của người dân cần được bảo vệ

11:24 | 10/05/2021

(Xây dựng) – Thời gian gần đây, có một số thông tin cho rằng, Khu du lịch sinh thái Đà Lạt Tiên Cảnh xây dựng nhà hàng, khách sạn trái phép hàng chục ha trên đất rừng, đất nông nghiệp. Để khách quan thông tin sự việc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã vào cuộc tìm hiểu.

soc son ha noi quyen loi cua nguoi dan can duoc bao ve
Ông Phi đã nhiều lần gửi đơn lên xã, huyện xin cấp chủ quyền đất và tài sản trên đất khai hoang trước năm 1993.

Liên quan đến việc xây dựng Khu du lịch sinh thái Đà Lạt Tiên Cảnh tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Qua trao đổi, ông Nguyễn Quốc Phi - chủ hộ kinh doanh khu Đà Lạt Tiên Cảnh cho biết: Tôi có 3 khu đất liền thổ tại hồ Đồng Trầm, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội với tổng diện tích là 15,45ha, bao gồm:

Đất hồ Đồng Trầm với diện tích 10,85ha được Hợp tác xã nông nghiệp thôn Vệ Linh giao thầu để sử dụng từ năm 1991 (Để nguyên hiện trang, đang quản lý, bảo vệ đúng quy định pháp luật).

Đất lâm nghiệp được giao theo sổ lâm bạ có diện tích 14.000m2 vào năm 1994 (Diện tích đất này tôi để nguyên hiện trạng và các hạng mục đầu tư cũ từ năm 1994-2004, không cải tạo sửa chữa gì thêm).

Đất khai hoang có diện tích là 33.319m2. Đây là phần đất tôi tự khai hoang và mua đất khai hoang của một số hộ dân khác trước năm 1993. Diện tích đất này khi thực hiện giao đất theo Nghị định 64/CP, thôn Vệ Linh chưa đưa diện tích khu đất này vào để cân đối giao đất theo Nghị định 64/CP. Tôi sử dụng khu đất tại hồ Đồng Trầm, thôn Vệ Linh từ năm 1991 để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, quá trình sử dụng đất tôi đã tự cải tạo ao, hồ để thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế theo mô hình vườn-ao-chuồng, công trình xây dựng gồm: Nhà để ở, nhà cho công nhân, chuồng trại, nhà giới thiệu sản phẩm, nhà kho, nhà bảo vệ... Các hạng mục công trình chúng tôi xây dựng từ năm 1991-2004. Tổng diện tích đất xây dựng các công trình khoảng 8.000m2. Đến ngày 25/04/2012, UBND huyện Sóc Sơn có Quyết định số 3028/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công công trình dự án nâng cấp xây dựng mới chuồng gà đẻ. Việc nâng cấp trên đã được nghiệm thu, hưởng các chương trình tài trợ của UBND Thành phố Hà Nội. Kể từ thời điểm đấy đến nay vẫn phát triển kinh tế trang trại, tạo công ăn việc làm cho dân địa phương, đóng thuế nhà nước, không tranh chấp, không lấn chiếm và thực hiện đúng các quy định pháp luật (có xác nhận của lãnh đạo xã, thôn qua các thời kỳ của sự tồn tại và phát triển khu đất theo báo cáo số 145/BC-UBND ngày 26/10/2020 của UBND xã Phù Linh, báo cáo Kết quả kiểm tra, xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất với khu đất tại hồ Đồng Trầm, thôn Vệ Linh).

Đến năm 2018, do dịch tả lợn Châu Phi kéo dài, lợn chết tiêu huỷ toàn trại. Một thời gian sau, tôi đã tái đàn nhưng lại chết hết, tổng thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Không có tiền trả nợ nguyên vật liệu, lợn giống, lương công nhân tôi phải vay ngân hàng, vay lãi ngày để trả nợ và lo cho gia đình. Do không có khả năng chi trả nên đến tháng 7/2020, tôi liên doanh với Viện Khoa học công nghệ nông nghiệp Asean để được đầu tư về tài chính, khoa học công nghệ nông nghiệp sạch. Mục đích nhằm khôi phục lại khu trang trại đã lạc hậu xuống cấp, tận dụng cải tạo khu giới thiệu sản phẩm; 1 phần nhà ở của công nhân để kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống kiếm thêm thu nhập trả lãi và lo cho gia đình nhưng vẫn rất khó khăn do dịch bệnh covid kéo dài. Tất cả các hạng mục kinh doanh thêm tôi đã được cấp phép đầy đủ gồm; dịch vụ ăn uống, lưu trú, vệ sinh an toàn thực phẩm đúng quy định của pháp luật.

Ông Phi cho biết thêm: Trong thời gian này, tôi đã nhiều lần gửi đơn lên xã, huyện xin cấp chủ quyền đất và tài sản trên đất khai hoang trước năm 1993 nhưng vẫn chưa được trả lời và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo quy định pháp luật. Tôi mong chính quyền địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm giúp tôi bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ổn định cuộc sống và phát triển.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng tiếp tục liên hệ làm việc với ông Hoàng Trọng Nguyên - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ nông nghiệp Asean, đơn vị liên doanh với ông Nguyễn Quốc Phi. Ông Hoàng Trọng Nguyên cho biết: Căn cứ Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, ông Phi không phải đối tượng phải xin phép xây dựng cải tạo sửa chữa. Hơn nữa, căn cứ theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định 43/2014 NĐ-CP đối với diện tích đất khai hoang và mua đất khai hoang để sử dụng từ năm 1991, diện tích đất và công trình trên đất được hộ gia đình sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 không có tranh chấp, đất và công trình trên đất được sử dụng từ trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được công nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Ông Nguyên cho biết thêm: Theo Quy hoạch chung xây dựng khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2967/QĐ-UBND ngày 29/6/2015 khu đất của ông Phi tại hồ Đồng Trầm, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh được Quy hoạch là đất du lịch thương mại.

Từ những nội dung trên, chúng tôi đề nghị UBND xã Phù Linh, UBND huyện Sóc Sơn nên sớm hướng dẫn ông Nguyễn Quốc Phi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận chủ quyền đất và tài sản gắn liền đất đúng theo quy định pháp luật. Để gia đình ông Phi ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho người lao động đảm bảo quyền lợi của công dân, tăng thu nhập, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load